Nhiều nội dung đại biểu chưa thống nhất được Thường vụ Quốc hội thiết kế hai phương án để xin ý kiến, như thu hồi đất làm nhà ở thương mại, khai thác và quản lý quỹ đất.
Ngày 3/11, Quốc hội dành cả ngày để cho ý kiến vào dự thảo luật Đất đai sửa đổi. Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật dài 413 trang nêu hàng loạt vấn đề đại biểu còn ý kiến khác nhau.
Về đấu thầu, đấu giá thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, thuộc trường hợp thu hồi, có ý kiến nêu hiện nay diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện đấu giá. Đất chưa được giải phóng mặt bằng mà có các dự án đầu tư thì thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Khi đấu thầu chỉ được xác định bằng giá trị theo bảng giá của địa phương, không xác định giá trị tăng thêm.
Do đó, để giải quyết vấn đề vướng mắc giữa hai cơ chế thu hồi đất, đại biểu đề nghị đấu giá tất cả các trường hợp để bảo đảm giá trị tăng thêm của đất đai thu về cho ngân sách của Nhà nước. Trường hợp đất chưa giải phóng mặt bằng vẫn có thể đấu giá có điều kiện, tức là các nhà đầu tư phải có nguồn tài chính bảo đảm giải phóng mặt bằng. Việc bồi thường được tính toán như trường hợp Nhà nước thực hiện, tức là tính theo các bảng giá, đưa ra ra một giá trị thống nhất theo các quy định hiện hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo Luật đã quy định theo hướng rõ ràng hơn các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Trong đó, dự án tiếp cận đất là chính như dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, HĐND cấp tỉnh quy định các tiêu chí để quyết định các dự án thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp thực tế địa phương; còn lại là các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất.
Bốn đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan thống nhất với quy định nói trên, ba đoàn băn khoăn giao HĐND cấp tỉnh quyết định nội dung này sẽ làm phát sinh thêm thẩm quyền, trách nhiệm chưa có tiền lệ của HĐND cấp tỉnh. Các đoàn đề nghị nghiên cứu kỹ tính hợp lý, khả thi của quy định để tránh mỗi dự án phải xem xét riêng, dễ phát sinh việc người dân so bì, ý kiến.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là nội dung mới đối với HĐND cấp tỉnh, có thể có độ trễ trong triển khai thời kỳ đầu, khi HĐND cấp tỉnh chưa kịp ban hành tiêu chí, điều kiện để có cơ sở xem xét, quyết định từng trường hợp. Vì vậy, Thường vụ đề nghị nghiên cứu tiêu chí cụ thể tại Luật để làm cơ sở giao HĐND cấp tỉnh quyết định.
Về phát triển, khai thác và quản lý quỹ đất, có ý kiến đề nghị cân nhắc sự cần thiết và tính hợp lý của điều 113 về dự án sử dụng quỹ đất do Nhà nước tạo lập. Trên cơ sở các ý kiến và báo cáo của Chính phủ, dự thảo Luật thiết kế hai phương án để đại biểu thảo luận.
Phương án 1 là bỏ điều 113 không rõ nội hàm “dự án tạo quỹ đất”. Trung tâm phát triển quỹ đất chỉ thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên đất được giao để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; giao, cho thuê đất thực hiện các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; cho các tổ chức, cá nhân thuê ngắn hạn đối với đất thuộc quỹ đất chưa giao, cho thuê…
Phương án 2 là giữ điều 113 và giao trung tâm phát triển quỹ đất là chủ đầu tư thực hiện các dự án quy định tại điều này. Theo đó, vai trò của trung tâm phát triển quỹ đất là nhà đầu tư công thực hiện dự án tạo quỹ đất. Thông qua trung tâm phát triển quỹ đất, Nhà nước trở thành nhà tạo lập và định hình, dẫn dắt thị trường đất sơ cấp để có thể bố trí ngay cho các dự án đầu tư.
Tuy nhiên, trung tâm phát triển quỹ đất vừa thực hiện nhiệm vụ mang tính chất công, vừa thực hiện hoạt động đầu tư, được huy động vốn của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác, sẽ tiềm ẩn rủi ro trong quá trình thực hiện. Vì vậy dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, sửa đổi theo hướng quy định cụ thể các dự án thu hồi đất ngay tại điều 79 thay vì dẫn chiếu sang điều về dự án sử dụng quỹ đất do Nhà nước tạo lập.
Tám đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan thống nhất với phương án 1; 7 đoàn thống nhất với phương án 2. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy hoạch sử dụng đất trong lĩnh vực hoạt động du lịch vì dự thảo Luật Đất đai chưa quy định loại hình sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong lĩnh vực du lịch. Điều này làm ảnh hưởng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về du lịch.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đất khu du lịch thuộc chỉ tiêu khu chức năng trong quy hoạch sử dụng đất các cấp, là một chỉ tiêu đa mục đích gồm thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh… Việc quy định loại hình sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong hoạt động du lịch đã được quy định tại điều 218 đối với đất đa mục đích.
Tại khoản 7 điều 256 dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp đã quy định “được xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và phê duyệt đề án trong rừng đặc dụng thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Dự thảo luật Đất đai sửa đổi đã được Quốc hội cho ý kiến tại hai kỳ họp 4, 5. Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua dự án luật vào sáng 29/11, ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15.