Người mua lo lắng, người bán cũng rầu
Cuối ngày hôm qua (11.4), mỗi lượng vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC được mua vào 82,2 triệu đồng và bán ra 84,2 triệu đồng, giảm 200.000 đồng/lượng sau một ngày. Riêng vàng nhẫn 4 số 9 tại SJC được mua vào 74,4 triệu đồng và bán ra 76,1 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng. Giá vàng thế giới cũng giảm gần 15 USD xuống còn 2.331,5 USD/ounce.
Nếu so với ngày cuối tuần (7.4), mỗi lượng vàng miếng SJC tăng 2,3 triệu đồng trong khi vàng nhẫn tăng gần 3 triệu đồng, như vậy chỉ trong vòng 4 ngày, giá vàng nhẫn đã tăng mạnh hơn cả tuần trước. Đáng chú ý, vàng nhẫn tại nhiều đơn vị khác như Doji, Bảo Tín Minh Châu… còn biến động mạnh hơn. Cụ thể, vàng nhẫn tại Doji lập đỉnh với giá bán ra 78,6 triệu đồng/lượng vào ngày 10.4, tăng hơn 4 triệu đồng so với cuối tuần qua. Thế nhưng chỉ sau một ngày, vàng nhẫn tại Doji đã bốc hơi 2,2 triệu, bán ra còn 76,4 triệu đồng/lượng. Tương tự vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu cũng giảm 2,2 triệu đồng xuống còn 76,28 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh 78,48 triệu đồng…
Vàng nhẫn có lúc tăng thẳng đứng cả triệu đồng/lượng rồi lao dốc cũng với mức đó chỉ trong vòng 1 buổi hay trong 1 ngày liên tục khiến nhiều người thót tim. Nhưng nếu so với mức đỉnh lập ở mức 78,5 – 78,6 triệu đồng/lượng thì chỉ trong vòng 3 ngày đầu tuần, mỗi lượng vàng nhẫn đã tăng từ 4 – 4,1 triệu đồng, tương ứng tăng 5,5% – là mức tăng kỷ lục trong nhiều năm qua. Mức lãi không thể tưởng tượng được của nhiều người đã mua vàng trước đó khiến người đang có tiền nhàn rỗi sốt ruột. Thị trường vàng trở nên “nóng” hừng hực khi nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý hết sạch vàng nhẫn trong từng ngày. Tình trạng xếp hàng chờ mua vàng nhẫn lại diễn ra ở một số cửa hàng. Thậm chí, những người không sở hữu vàng, không mua vàng cũng bắt đầu quan tâm đến giá kim loại quý hằng ngày khi nhiều người xung quanh đều nhắc đến sản phẩm này. Nhiều người đã phải “khóc thét” với biến động khó lường của vàng nhẫn trong những ngày qua.
Chị Q.N (Q.Tân Bình, TP.HCM) gần 2 tuần nay “tiếc hùi hụi” vì đã lỡ bán mất 2 lượng vàng nhẫn mua trong tháng đầu năm. Khi có nhiều thông tin cho hay giá vàng trong nước có thể giảm nếu chính sách quản lý thị trường vàng được sửa đổi trước ngày 1.4 theo yêu cầu của Chính phủ, nên ngày 28.3 chị bán ra với giá 68,8 triệu đồng/lượng. Tính ra chị cũng có lãi hơn 10 triệu đồng cho số vàng đã mua chỉ sau hơn 2 tháng và lúc đó thấy “vui như tết”. Thế nhưng sau khi bán xong thì giá vàng nhẫn tiếp tục tăng vọt khiến chị lại buồn nẫu ruột “tiếc hùi hụi” vì hụt lãi thêm cả chục triệu đồng khi vàng nhẫn lập đỉnh mới vào ngày 10.4. Trong khi đó, gia đình chị Kim Thoa (Q.Tân Phú, TP.HCM) cùng các anh chị em lại lo lắng khi giá vàng cứ tăng vùn vụt. Bởi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến ngày đám cưới của con trai nên chị lại mong giá vàng giảm để sắm sửa nữ trang. Các anh chị em của chị cũng cùng mong muốn như chị để mua tặng quà cho cháu.
“Cách đây hơn 3 năm, đám cưới đứa cháu trong nhà, mình cũng mua vàng nhẫn tặng thì có 4 triệu đồng/chỉ, mà giờ đã lên gần gấp đôi. Bình thường vàng lên cao quá thì ai dám mua, nhưng có việc cần như cưới hỏi thì phải bấm bụng mua thôi”, chị Kim Thoa than.
Đó là chưa kể nhiều người đang nợ vàng như ngồi trên đống lửa, hay nhiều người dù không sở hữu phân vàng nào cũng suốt ngày quan tâm hỏi giá tăng hay giảm…
Thị trường vẫn “nín thở” chờ sửa đổi chính sách
Qua thời điểm 1.4 gần 2 tuần nhưng việc thay đổi, chỉnh sửa Nghị định 24/2012 (NĐ 24) của Chính phủ về quản lý thị trường vàng vẫn chưa có thông tin chính thức. Điều này khiến người mua lẫn người bán đều hồi hộp, bởi nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi sẽ tác động mạnh đến giá vàng. Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, diễn biến giá vàng trong những ngày qua chủ yếu vẫn theo xu hướng thế giới với đà tăng cao. Vấn đề quan trọng lúc này là NĐ 24 sau 12 năm đã hoàn thành sứ mệnh và đến lúc cần sửa đổi để quản lý thị trường vàng tốt hơn. Điều này nhằm đạt 3 mục tiêu quan trọng là chống “vàng hóa” trong nền kinh tế; tạo ra sự công bằng và bình đẳng hơn trên thị trường, nhất là giữa các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng; bảo đảm quyền lợi của người dân về nhu cầu tích trữ, trang sức và thừa kế bằng vàng. Bảo đảm quyền lợi người dân ở đây còn liên quan đến yếu tố văn hóa dân tộc. Cụ thể là người Việt cũng như nhiều nước Á Đông thường có văn hóa từ xa xưa là thừa kế, trao tặng, hồi môn bằng vàng, thậm chí tích cóp vàng. Về phía nhà nước, dự trữ vàng cũng cần thiết trong bất kỳ nền kinh tế tại bất cứ thời điểm nào, nên vấn đề cần thiết phải sửa đổi cơ chế, chính sách phù hợp.
Ông Lực đưa ra ý kiến nên bỏ độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho phép một số DN đủ điều kiện có thể nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Đồng thời, bỏ độc quyền thương hiệu vàng SJC, bởi chính vì 2 câu chuyện độc quyền trên đã làm hạn chế nguồn cung thời gian qua, gây mất cân đối cung – cầu. Vì độc quyền thương hiệu SJC khiến chênh lệch giữa giá vàng SJC với các thương hiệu khác là rất lớn, giá vàng SJC cũng cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới. Bên cạnh đó, cần kiên định đối với chính sách của Chính phủ, NHNN từ hơn 10 năm qua là không cho phép vay mượn bằng vàng, mà chỉ cho mua bán vàng. Đây là điều rất quan trọng, góp phần chống “vàng hóa” trong nền kinh tế.
Theo TS Cấn Văn Lực, chúng ta chỉ cần quản lý vàng miếng. Cụ thể, vàng miếng liên quan đến ngoại tệ, quản lý ngoại hối, bổ sung dự trữ ngoại hối quốc gia thì NHNN sẽ chủ trì, còn vàng trang sức mỹ nghệ để thị trường điều tiết, coi đó là một hàng hóa thông thường như các loại hàng hóa khác. Khi đó, vàng trang sức mỹ nghệ cũng đáp ứng nhu cầu thực, cần thiết của người dân. Với vàng trang sức mỹ nghệ, nếu làm tốt, khai thác được đội ngũ nhân lực có tay nghề cao, chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu vàng trang sức ra thế giới.
Việc cho phép nhập khẩu vàng sẽ phải xem xét cẩn trọng do liên quan đến chính sách tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại hối của VN. Hiện tại, dự trữ ngoại hối của VN chỉ mới tiệm cận đến mức an toàn là tương đương 12 tuần nhập khẩu (theo khuyến cáo của IMF, mức an toàn của dự trữ ngoại hối từ 12 – 14 tuần nhập khẩu). Do đó khi cho phép DN nhập khẩu vàng thì phải tính đến lượng ngoại tệ bị mất đi sẽ tác động như thế nào đến chính sách quản lý tỷ giá hối đoái của VN.
TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM