Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội thông qua; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã là văn bản pháp lý quan trọng góp phần tháo gỡ các nút thắt về quy hoạch không gian ngầm.
![Hầm chui nút giao Trần Duy Hưng - Vành đai 3. Ảnh: Phạm Hùng](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Quan-ly-va-su-dung-hop-ly-khong-gian-ngam.jpg)
Phát huy tiềm năng
Theo các chuyên gia và kiến trúc sư, thời Pháp thuộc, không gian ngầm ở Thủ đô chủ yếu là những tầng hầm, được thiết kế, xây dựng tại các biệt thự và sử dụng để đi đường dây điện. TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, khi hoà bình lập lại, ở Hà Nội khách ở phố Phạm Đình Hổ có 2 tầng hầm. Sau này chuẩn bị đổi mới là 4 tầng hầm và hiện nay có 6 tầng hầm trong khách sạn. Với đặc thù trong Luật Thủ đô, Hà Nội đã đi sớm trong việc quy hoạch không gian ngầm, hiện cần tiếp tục triển khai để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thông qua sự tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây, TP Hà Nội đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc sử dụng không gian ngầm như tầng hầm nhà cao tầng, tuyến ống cáp điện ngầm và hệ thống thoát nước thải ngầm. Và TP cũng bắt đầu xây dựng những tuyến tàu điện ngầm đầu tiên (tuyến tàu điện ngầm số 3: Nhổn – Ga Hà Nội) và định hướng sử dụng không gian ngầm với mục đích phát triển đô thị theo hình thức TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm).
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, thực tế chứng minh, Hà Nội chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế để phát triển không gian ngầm. Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Luật Thủ đô số 25/2012/QH13 là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên, qua hơn 9 năm thi hành luật trên, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong luật còn nhiều tồn tại, hạn chế ở một số lĩnh vực; trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý không gian ngầm đô thị và công tác triển khai thực hiện còn một số bất cập.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trên là do việc thực thi chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, kịp thời, đầy đủ, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước. Một số quy định của luật cũng chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu quy định về các cơ chế đặc thù cụ thể để thực hiện được trên thực tế.
Vì vậy, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: “Luật Thủ đô giao cho Hà Nội nhiệm vụ khai thác không gian ngầm trên cơ sở Luật Đất đai. Trước đây, chúng ta đã có không gian ngầm nhưng chỉ quy định chủ sở hữu công trình trên mặt đất được sử dụng phần ngầm. Hiện nay, chúng ta đang điều chỉnh lại không gian ngầm, nếu giải quyết tốt việc này sẽ phát huy tiềm năng đất đai lớn, không chỉ có hạ tầng kỹ thuật đi ngầm mà có hệ thống công trình công cộng đi ngầm”.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Phương – Vụ Địa phương I, Ban Nội chính T.Ư, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp không gian ngầm và không gian trên mặt đất. Theo quy định tại Điều 19, Luật Thủ đô 2024 về quản lý, sử dụng không gian ngầm, việc quản lý, sử dụng không gian ngầm phải tuân theo các nguyên tắc sau đây: Dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về điều kiện tự nhiên, địa chất, địa mạo, thủy văn; Phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch…
Xây dựng Thành phố hiện đại
Để xây dựng Hà Nội trở thành một TP ngày một hiện đại, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp không gian ngầm và không gian trên mặt đất, thúc đẩy quy hoạch khoa học, sử dụng hợp lý và quản lý tỉ mỉ tài nguyên không gian dưới lòng đất bằng những nỗ lực cụ thể, đồng thời xây dựng quản lý không gian ngầm chất lượng cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Công Giang, để bảo đảm không gian ngầm của Hà Nội có thể được khai thác một cách bền vững, việc xây dựng khung chính sách quy hoạch và các nguyên tắc pháp lý rõ ràng là điều cần thiết. Những nguyên tắc này bao gồm việc làm rõ quyền sở hữu và sử dụng không gian ngầm, thiết lập các giới hạn độ sâu phù hợp với từng mục đích phát triển, và bảo đảm tính tương thích giữa những mục đích sử dụng khác nhau.
Bên cạnh đó, cần có một kế hoạch dự trữ không gian ngầm cho các nhu cầu phát triển trong tương lai, bao gồm cả không gian ngầm và không gian bề mặt cho các kết nối giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Cũng theo một số chuyên gia, để triển khai thực thi Luật Thủ đô liên quan đến vấn đề này có hiệu quả nên có sự tham khảo kinh nghiệm của một số nước phát triển. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của Singapore và Nhật Bản, vấn đề đặt ra trong việc triển khai quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm trong Luật Thủ đô 2024 là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm, nhất là quy định cụ thể về độ sâu ngầm; về việc khảo sát, lấy ý kiến người dân, lập biện pháp thi công phù hợp với điều kiện địa chất. Bên cạnh đó, sớm tiến hành tổ chức quy hoạch sử dụng không gian ngầm một cách toàn diện và chi tiết nhằm đạt hiệu quả sự dụng không gian ngầm cao nhất; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công trình ngầm; cần thúc đẩy quan lý toàn bộ chu trình quản lý sử dụng không gian ngầm.
Đồng thời, theo các chuyên gia, TP cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định của pháp luật nói chung và Luật Thủ đô nói riêng liên quan đến quản lý, sử dụng không gian ngầm để người dân nhận thức rõ quyền lợi, nghĩa vụ… Từ đó đồng tình ủng hộ khi chính quyền TP thực hiện các dự án công trình ngầm.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/quan-ly-va-su-dung-hop-ly-khong-gian-ngam.html