Trong thời đại công nghệ số, việc giám sát và quản lý các nền tảng kỹ thuật số lớn là nhiệm vụ không thể thiếu của các cơ quan cạnh tranh.
Những quyết định mang tính bước ngoặt
Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang làm thay đổi mạnh mẽ nền kinh tế toàn cầu. Một số quốc gia, trong đó có Chile, đã nổi lên như một hình mẫu quản lý cạnh tranh kỹ thuật số. Đặc biệt, nhờ sự can thiệp quyết liệt của Fiscalía Nacional Económica (FNE) – Cơ quan cạnh tranh quốc gia Chile. Cơ quan này đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường số, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ.
![]() |
Trụ sở Fiscalía Nacional Económica – cơ quan cạnh tranh quốc gia Chile. Ảnh: FNE |
Theo đó, vào tháng 11/2023, FNE thông báo chính thức khép lại cuộc điều tra kéo dài 2 năm nhằm vào các nền tảng giao đồ ăn lớn như: Uber Eats, PedidosYa và Rappi. Trọng tâm của cuộc điều tra là các điều khoản “khách hàng được ưu đãi nhất” (MFN – Most Favoured Nation), một chiến lược thường được sử dụng để giữ chân các nhà cung cấp bằng cách yêu cầu họ không cung cấp giá hoặc điều kiện tốt hơn trên bất kỳ kênh nào khác, kể cả trên trang web riêng.
FNE nhận định rằng, các điều khoản MFN này đã gây tổn hại lớn đến thị trường. Chúng khiến các nhà hàng bị ràng buộc chặt chẽ với các nền tảng, giảm khả năng cạnh tranh giá và làm tăng chi phí cho người tiêu dùng. Kết quả là giá trên các nền tảng giao đồ ăn thường cao hơn mức hợp lý, trong khi phúc lợi của người tiêu dùng bị suy giảm đáng kể.
Trong quá trình điều tra, cả 3 nền tảng Uber Eats, PedidosYa, và Rappi đều đồng ý loại bỏ các điều khoản MFN và cam kết không áp dụng các điều khoản tương tự trong tương lai. Tribunal de Defensa de la Libre Competencia (TDLC) – cơ quan xét xử cạnh tranh của Chile, đã phê chuẩn quyết định này và coi đây là một cột mốc quan trọng trong quản lý cạnh tranh kỹ thuật số.
Trước đó, vào tháng 8/2023, FNE đã điều tra thị trường đặt phòng khách sạn trực tuyến. Cuộc điều tra tập trung vào các điều khoản MFN rộng; trong đó, các khách sạn cũng bị yêu cầu cung cấp giá và điều kiện không kém thuận lợi hơn bất kỳ kênh phân phối nào khác, kể cả trên trang web riêng của mình.
FNE lập luận rằng điều khoản MFN rộng đã hạn chế sự cạnh tranh giữa các nền tảng đặt phòng, khiến giá tăng cao và giảm sự đa dạng lựa chọn cho người tiêu dùng. Đồng thời, các điều khoản này làm giảm khả năng các khách sạn đưa ra các ưu đãi riêng, từ đó hạn chế sự đổi mới và tính cạnh tranh trên thị trường. Trong kết luận, FNE đề xuất TDLC cấm hoàn toàn các điều khoản MFN rộng trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn trực tuyến. Họ cũng khuyến khích các nền tảng chuyển sang hợp tác minh bạch hơn với các khách sạn, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững và công bằng trong ngành du lịch.
![]() |
Điều khoản MFN rộng đã hạn chế sự cạnh tranh giữa các nền tảng đặt phòng. Ảnh minh họa |
Nhiều bài học giá trị cho Việt Nam
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá, những động thái của Chile không chỉ tạo ra tiền lệ quan trọng trong khu vực mà còn có ý nghĩa lớn trong bối cảnh quản lý cạnh tranh kỹ thuật số toàn cầu. Việc mạnh tay xử lý các điều khoản MFN đã giúp Chile định hình một mô hình bảo vệ cạnh tranh lành mạnh trong thị trường số, đảm bảo tính minh bạch và công bằng cho tất cả các bên tham gia.
“Chile đã cho thấy rằng, trong thời đại công nghệ số, việc giám sát và quản lý các nền tảng kỹ thuật số lớn là nhiệm vụ không thể thiếu của các cơ quan cạnh tranh. Thành công của FNE trong việc điều tra và xử lý các vụ việc này đã gửi đi thông điệp rõ ràng: Mọi hành vi gây bóp méo thị trường hoặc làm suy giảm lợi ích người tiêu dùng đều sẽ bị xử lý nghiêm minh” – Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay.
Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh Việt Nam cũng cho rằng, cuộc chiến chống lại các điều khoản MFN tại Chile mang đến nhiều bài học giá trị cho Việt Nam, nơi các nền tảng kỹ thuật số lớn đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Đó là việc xây dựng khung pháp lý chặt chẽ, Việt Nam cần thiết lập các quy định rõ ràng về cạnh tranh trên thị trường kỹ thuật số, đặc biệt là giám sát chặt chẽ các điều khoản có nguy cơ hạn chế cạnh tranh như MFN. Các quy định này phải được thiết kế để bảo vệ không chỉ người tiêu dùng mà còn cả các doanh nghiệp nhỏ, những đơn vị dễ bị tổn thương trong môi trường kinh doanh số.
Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực thực thi Luật cạnh tranh. Đội ngũ nhân lực của các cơ quan quản lý cạnh tranh cần được nâng cao về chuyên môn và trang bị công nghệ hiện đại nhằm phát hiện và xử lý nhanh chóng các hành vi vi phạm.
Đồng thời, cần khuyến khích sự cạnh tranh minh bạch. Việt Nam cần khuyến khích các nền tảng số hợp tác minh bạch hơn với các đối tác, từ đó thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và tạo điều kiện cho sự đổi mới.
Một điều quan trọng nữa là sự tăng cường hợp tác quốc tế. Việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia như Chile và hợp tác với các cơ quan quản lý quốc tế sẽ giúp Việt Nam xây dựng các chính sách phù hợp với xu hướng toàn cầu, đồng thời nâng cao năng lực giám sát trong lĩnh vực số.
Chile đã chứng minh rằng, với các biện pháp mạnh mẽ và quyết tâm cao, một quốc gia có thể tạo ra những thay đổi tích cực trong việc duy trì tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường kỹ thuật số. Những bài học từ Chile không chỉ có giá trị đối với các quốc gia trong khu vực mà còn mang ý nghĩa toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số ngày càng chi phối nền kinh tế thế giới.
“Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để định hướng chính sách quản lý cạnh tranh trong thời đại số, tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, nơi các doanh nghiệp và người tiêu dùng đều được bảo vệ” – Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh khẳng định.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia: Sự minh bạch và công bằng không chỉ là nền tảng cho sự phát triển bền vững mà còn là yếu tố quyết định để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Một thị trường số công bằng, minh bạch sẽ là “chìa khóa” để thúc đẩy đổi mới và phát triển kinh tế trong tương lai. |
Nguồn: https://congthuong.vn/quan-ly-canh-tranh-ky-thuat-so-kinh-nghiem-tu-quoc-te-374282.html