Địa danh Pò Hèn thuộc xã Hải Sơn (TP Móng Cái) là cái tên rất đặc biệt, được biết đến như một bản hùng ca của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Pò Hèn càng nổi tiếng hơn khi có rất nhiều sáng tác văn học nghệ thuật viết về mảnh đất này tri ân sự hy sinh của những liệt sĩ.
Nhiều nhất phải kể đến những sáng tác âm nhạc. Cuối tháng 2/1979, các văn nghệ sĩ được gợi ý rằng, ngoài các tiết mục ca ngợi chung tập thể, những đơn vị chiến đấu dũng cảm để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, nhớ ca ngợi các gương cá nhân đã vì nước, vì dân đối mặt với kẻ thù và hy sinh anh dũng. Tấm gương Hoàng Thị Hồng Chiêm ở biên giới Quảng Ninh là một điển hình. Bằng trách nhiệm công dân, tình yêu Tổ quốc cùng với sự ngưỡng mộ tấm gương hy sinh của các liệt sĩ, các nhạc sĩ đã rất nhạy bén sáng tác. Trong đó, Phạm Tuyên viết rất nhanh bài hát “Chiến đấu vì độc lập, tự do”, nhạc sĩ Hồ Bắc hoàn thành sớm ca khúc “Hoa hồng trên điểm tựa”, nhạc sĩ Thế Song viết “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn”…
Những ngày sau đó còn có các ca khúc: “Hát về Tổ quốc tôi” của nhạc sĩ Hữu Xuân, “Những đôi mắt mang hình viên đạn” của nhạc sĩ Trần Tiến, “Lời tạm biệt lúc lên đường” của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, “Hoa sim biên giới” của nhạc sĩ Minh Quang, “40 thế kỷ cùng ra trận” của nhạc sĩ Hồng Đăng…
Liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm là người được nhắc đến nhiều nhất trong các ca khúc nổi bật của các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Dân Huyền, Thế Song, Trần Minh… Đó là các ca khúc như: “Có một đóa Hồng Chiêm” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn” của nhạc sĩ Thế Song do NSND Lê Dung thể hiện; “Bông hoa Hồng Chiêm” của nhạc sĩ Dân Huyền với tiếng hát của NSƯT Kiều Hưng hay “Người con gái trên đỉnh Pò Hèn” của nhạc sĩ Trần Minh do ca sĩ Tuyết Nhung trình bày… Các tác phẩm ấy đều là những ca khúc được lưu lại trong tuyển tập “Bài ca đi cùng năm tháng”…
Nhạc sĩ Dân Huyền viết “Bông hoa Hồng Chiêm” bằng chất liệu dân ca miền núi phía Bắc, ca ngợi người nữ anh hùng liệt sĩ của đất Quảng Ninh thân yêu, trong đó có câu: “Bên hoa hồi, hoa quế thơm rừng biên giới”. Hay như trong bài hát “Có một đóa Hồng Chiêm”, nhạc sĩ Phạm Tuyên viết: “…Có những đóa hoa dịu dàng không rực rỡ, mà hương thơm thắm mãi chẳng hề phai. Có những cuộc đời bình dị mà trong sáng, gợi cho chúng ta một lẽ sống đẹp tuyệt vời…”.
Không sinh ra, lớn lên tại Quảng Ninh nhưng nhạc sĩ Thế Song luôn say sưa với Quảng Ninh như quê hương thứ hai của mình vậy. Ông đã viết ca khúc “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn” về gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ biên phòng Quảng Ninh và nữ mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm. Bài hát được thể hiện qua các giọng ca xuất sắc như: NSND Lê Dung, Nghệ sĩ Vùng mỏ Thanh Việt.
“Bài ca trên đỉnh Pò Hèn” và “Nơi đảo xa” đều viết về Quảng Ninh và là cụm ca khúc giúp ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt 4 vào năm 2017. Ca khúc có đoạn: “Có bông hoa Hồng Chiêm thắm đẹp/ Dưới ánh nắng vàng khoe sắc bản làng/ Bông hoa hồng ấy chính là tên/ Mà tiếng thơm lưu muôn thuở/ Cô gái kiên trung/ Cuộc đời nêu sáng tấm gương/ Mang trong mình hào khí Trưng Vương/ Xinh tươi dịu dàng nhưng ngoan cường/ Vì nước non/ Cô đã thở thành người dũng sĩ/ Gương diệt thù giữ đất Quảng Ninh”.
Dòng chảy âm nhạc viết về Pò Hèn đã và đang được tiếp nối đến hiện tại và mãi sau này. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Nhật, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có ca khúc “Pò Hèn” phổ thơ tác giả Cao Trần Nguyên. Để tri ân những liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, Trung tá Vũ Thị Huyền Ngọc, Nhà văn hóa Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam đã viết lên ca khúc “Tình yêu trên đỉnh Pò Hèn” về sự hy sinh quả cảm của nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm và những người lính trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.
Về mỹ thuật, cũng có nhiều tác phẩm sáng tác về Pò Hèn. Tiêu biểu nhất là bộ tranh của họa sĩ Nguyễn Dương mô tả câu chuyện về Hoàng Thị Hồng Chiêm trên báo ảnh Việt Nam năm 1979. Bộ tranh này cũng đã được Xưởng phim đèn chiếu Việt Nam sử dụng cho công tác chiếu bóng phục vụ khán giả những năm tháng đó. Sau này, nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài tỉnh đã đến sáng tác về Pò Hèn.
Nhà điêu khắc Lý Xuân Trường lúc sinh thời cũng đã làm một tượng đài về liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, hiện vẫn còn được trưng bày tại sân một trường phổ thông trên quê hương chị ở TP Móng Cái. Bức tượng đó dung dị, hiền lành đúng như con người chị, nhưng vẫn cứ toát lên khí chất “anh hùng – bất khuất” của phụ nữ Việt Nam. Tương tự, họa sĩ Nghiêm Vinh, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh, có công trình cụm tượng đài chiến sĩ biên phòng Pò Hèn và dân bản bảo vệ biên giới hiện đang được trưng bày tại nhà lưu niệm, tiếp đón khách ở Đài Liệt sĩ Pò Hèn.
Trong lĩnh vực văn học, đã có những cuốn sách viết về Pò Hèn, tuy nhiên còn khá mỏng và chưa xứng tầm với sự hy sinh của các liệt sĩ. Cố tác giả Tống Khắc Hài viết truyện ký in thành sách mang tên “Hoàng Thị Hồng Chiêm”. Ông Hoàng Như Lý, nguyên là trinh sát viên Đồn Công an vũ trang 209 Pò Hèn (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn, BĐBP Quảng Ninh) từ năm 1972 đến 1979 đã viết cuốn “Hiên ngang Pò Hèn – Ký ức còn mãi”, được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2019.