Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã được Quốc hội biểu quyết thông qua (ngày 20/6/2023). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. So với luật ban hành năm 2010, luật năm 2023 có một số quy định mới, cụ thể:
1. Về kết cấu, bố cục
Luật năm 2023 có 7 chương, 80 điều. Luật mới bổ sung thêm Chương III về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù, số lượng các điều tăng từ 51 lên 80 điều.
2. Về đối tượng áp dụng
Luật mới bổ sung thêm đối tượng áp dụng: Bổ sung nhóm chủ thể là MTTQ Việt Nam; tổ chức chính trị – xã hội; làm rõ tổ chức xã hội bao gồm tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
Đối với tổ chức xã hội, luật phân tách rõ tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (thường được biết đến là các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) và tổ chức xã hội khác tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Nhà nước giao thực hiện một số nhiệm vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và được hỗ trợ kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Riêng đối với tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật quy định một khoản cụ thể về các hoạt động mà cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện.
Nhằm kịp thời điều chỉnh các giao dịch có yếu tố xuyên biên giới, đặc biệt là các giao dịch phát sinh trên không gian mạng, luật mới cũng đã bổ sung đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật bổ sung quy định về hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó xác định rõ các nguyên tắc, phạm vi hợp tác quốc tế.
(còn nữa)
Theo Ban Bảo vệ người tiêu dùng
(Ủy ban Cạnh tranh quốc gia – Bộ Công Thương)