Nhiều năm qua, mảnh vườn 1.000m2 của ông Nguyễn Trọng Bình, Phó chủ tịch xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ngập tràn sắc hoa lan vũ nữ. Nơi đây đã trở thành điểm đến của nhiều thương lái và người dân có nhu cầu mua hoa.

Vốn đam mê nông nghiệp, sau giờ làm việc, ông Bình hay lân la trò chuyện với các chủ vườn trồng các loại hoa. Ông nung nấu trồng hoa lan vũ nữ – giống lan xứ lạnh.

Gia đình ông trồng cây cà phê trên diện tích hơn 1.000m2 nhiều năm không hiệu quả. Còn lúc chuyển sang trồng các loại rau ăn lá thì nguồn thu không cao, lại tốn nhiều thời gian. Trong khi xã Xuân Trường có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trồng hoa và lan vũ nữ cắt cành mang lại thu nhập cao. 

DSC_9943.JPG
Ông Nguyễn Trọng Bình, Phó chủ tịch xã Xuân Trường, TP Đà Lạt kiểm tra vườn lan vũ nữ. Ảnh: Minh Ngọc

Sau thời gian tìm hiểu, năm 2020, ông quyết định chuyển sang trồng lan vũ nữ. Vợ chồng dùng tiền tích góp và vay thêm vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để xây dựng cơ sở như nhà kính, làm mặt bằng, giống hoa, giá thể (vật liệu làm chất nền trồng cây) , làm giàn sắt trồng lan trên khu đất hơn 1.000m2 của gia đình.

Sau khi hoàn thiện hệ thống vườn, gia đình ông Bình nhập giá thể, giống lan cùng các loại vật tư khác về sản xuất. Ông Bình cho biết, ban đầu ông nghĩ việc này khá đơn giản, nhưng thực tế lại gặp không ít khó khăn.

Thời gian đầu, họ chưa có kinh nghiệm chăm sóc hoa lan vũ nữ nên cây phát triển không đều, bị hư hoặc hao hụt. Vợ chồng ông phải tìm đến các nhà vườn lớn để học hỏi cách chăm sóc và bón phân cho hoa. Khi cây ra hoa, có một chế độ chăm sóc riêng biệt để đảm bảo chất lượng hoa.

“Khi sản phẩm ra đời thì gặp khó trong tiêu thụ. Vì vậy, tôi phải liên hệ với các cơ sở chuyên mua hoa tại Đà Lạt để tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Bình nói.

DSC_9892.JPG
Bà Đinh Thị Thu Tâm (vợ ông Bình) chăm sóc giống lan xứ lạnh. Ảnh: Minh Ngọc

Mỗi tháng thu về 40 triệu đồng

Đáp lại quả ngọt đó, năm 2022, khu vườn của ông phủ sắc hương hoa lan vũ nữ và sẵn sàng đưa ra thị trường. Năm đó, vấn đề đầu ra được giải quyết khi một cơ sở kinh doanh hoa trên địa bàn hợp đồng bao tiêu toàn bộ “loài hoa quý tộc” của gia đình ông.

Ông Bình chia sẻ, giống lan này được trồng trong nhà kính, đặt trên những giàn sắt cách mặt đất khoảng 80cm. Cách làm này giúp cây không bị sâu, hạn chế bệnh hại xâm nhập. Ngoài ra, cách 6 tháng, họ phải bón phân cây 1 lần và thường xuyên theo dõi nhiệt độ, độ ẩm cho cây.

Còn vợ ông Bình, bà Đinh Thị Thu Tâm (50 tuổi) chỉ mỉm cười mỗi khi có ai nhắc tới lần “khởi nghiệp” của chồng. Bà nhớ lại, lúc chồng chia sẻ ý tưởng phá bỏ vườn cà phê để trồng lan vũ nữ, bà có phần ngờ vực về tính hiệu quả. Mặt khác, mô hình này đòi hỏi chi phí cao và phải xây dựng nhà kính, giàn sắt khá tốn kém.

“Lúc ấy, thấy chồng quyết tâm nên chúng tôi mạnh dạn thử nghiệm, ai dè giờ thì thấy thành công bước đầu so với trồng cây cà phê”, bà Tâm tâm sự.

DSC_9922.JPG
Bà Tâm thu hoạch lan vũ nữ để đưa ra thị trường dịp Tết. Ảnh: Minh Ngọc

Theo bà Tâm, trồng lan vũ nữ chỉ vốn chi phí ban đầu, lúc cây phát triển thì không quá nhiều. Đặc biệt, loại hoa này cho thu hoạch quanh năm, trong thời gian 7-10 năm.

Hiện, một tháng gia đình bà thu hoạch 3.000 cành lan vũ nữ cung ứng cho thị trường với giá 13.000-15.000 đồng/cành, mỗi tháng họ thu khoảng 40 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Phòng kinh tế TP Đà Lạt, mô hình trồng lan vũ nữ của ông Nguyễn Trọng Bình, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Trường mang lại hiệu quả. Trong đó, ông Bình đã chủ động sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm là cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, người dân cần tìm hiểu thị trường, đảm bảo được đầu ra mới đầu tư để tránh rủi ro.

‘Thuận vợ thuận chồng’ phá chuối trồng quýt, người phụ nữ Lâm Đồng thu bộn tiềnMạnh dạn bỏ cây chuối để trồng 1ha quýt, vợ chồng bà Nguyễn Thị Như Quỳnh ở huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.