Ngày 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp, công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022, chỉ số hài lòng về cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 của Chính phủ. Phiên họp tổ chức bằng hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: CCHC là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; chúng ta xác định đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển. Thời gian qua, với sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác CCHC được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên cả 6 nội dung gồm: công tác xây dựng pháp luật, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và đạt được những bước tiến quan trọng, khơi dậy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, công tác CCHC, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều “điểm nghẽn, nút thắt”, vướng mắc, tồn tại, hạn chế gây cản trở cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt phương châm cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, lấy con người là trung tâm, cải cách đóng vai trò dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ, thúc đẩy. Cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số được đẩy mạnh, các bộ cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật; cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định của 10 bộ, cơ quan. Các bộ công khai, cập nhật hơn 17,8 nghìn quy định kinh doanh; cung cấp hơn 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành với hơn 55.000 doanh nghiệp tham gia. Rà soát, đơn giản hóa đối với 59 nhóm TTHC, trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực. Riêng năm 2022, chỉ số cải CCHC của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu cả nước về chỉ số CCHC – Par Index là tỉnh Quảng Ninh với kết quả đạt 90.10%, đây là lần thứ 5 Quảng Ninh đạt ngôi vị quán quân bảng xếp hạng chỉ số CCHC. Đứng vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng chỉ số CCHC năm 2022 là thành phố Hải Phòng, đây là lần thứ 10 liên tiếp Hải Phòng nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu chỉ số CCHC. Đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số CCHC năm 2022 là tỉnh Phú Yên đạt 75.99%, thấp hơn 5.42% so với năm 2021 và thấp hơn 3.98% so với các đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng.
Ngoài ra, một số địa phương khác có kết quả chỉ số CCHC năm 2022 khá thấp là Bình Thuận đạt 79.45%, xếp thứ 60/63; Bắc Kạn đạt 79.35%, xếp thứ 61/63; Cao Bằng đạt 77.55%, xếp thứ 62/63. Chỉ số CCHC năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị trung bình 84.79% và là năm thứ 4 liên tiếp đạt giá trị trung bình trên 80%. Nhìn chung, năm 2022, các địa phương có nhiều nỗ lực chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác CCHC một cách toàn diện, hiệu quả; kết quả đánh giá nhiều tiêu chí cho thấy sự chuyển biến rõ nét so với năm 2021, phương pháp chỉ đạo, điều hành CCHC có nhiều sáng tạo, đổi mới tích cực. Năm 2022 có 34 tỉnh, thành phố đạt chỉ số CCHC cao hơn giá trị trung bình cả nước; 58 địa phương đạt kết quả trên 80%, trong đó có 2 địa phương đạt kết quả trên 90%. Đáng chú ý, trong 5 năm liên tiếp không có địa phương nào đạt chỉ số CCHC dưới 70%.
Về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022). Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của 63 tỉnh nằm trong khoảng 87,59 – 72,54% với sự chênh lệch giữa tỉnh cao nhất và tỉnh thấp nhất là 15,05%. Trong đó, 5 tỉnh có mức độ hài lòng cao nhất gồm: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương, Thanh Hóa; 5 tỉnh thấp nhất: Bình Thuận, Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Kạn, Lạng Sơn.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các biện pháp đổi mới, đột phá, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phát triển lành mạnh; tiếp tục tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tăng cường phòng, chống tham nhũng; đổi mới cơ chế một cửa ,một cửa liên thông, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao dịch vụ công quốc gia của các bộ, ngành, địa phương; đổi mới phương thức làm việc theo hướng tinh gọn bộ máy hành chính các cấp, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ; rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa TTHC hiệu quả, thực chất hướng tới Chính phủ số. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng; thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá về CCHC, TTHC đối với người dân và doanh nghiệp; cắt giảm đơn giản hóa TTHC đối với các văn bản quy phạm pháp luật.
Nêu cao vai trò, vị trí của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc tháo gỡ khó khăn kịp thời, hiệu quả trong việc thực hiện CCHC và TTHC. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa CCHC với chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác TTHC, tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh. Quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm tốt công tác TTHC, đặc biệt chú trọng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức giải quyết TTHC tại cấp xã, phường để đảm bảo công tác cải cách TTHC và ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến về cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp.
P.O