Cái gọi là xu hướng “phi USD hóa” hiện nay, mặc dù nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia và khu vực, nhưng quốc gia thực sự có thể “phi USD hóa” một cách hiệu quả e rằng vẫn chỉ có Mỹ.
“Phi USD hóa” dù là quá trình lâu dài suốt 20 năm qua, đưa tỷ lệ dự trữ toàn cầu bằng đồng USD ngày càng giảm dần. Nhưng đến nay, đồng nội tệ của Mỹ vẫn chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường và hiện không có đối thủ nào có khả năng “qua mặt”.
Phi USD hóa là một chiến lược từng được các quốc gia sử dụng để thách thức vị thế thống trị của USD. Trong giai đoạn hậu Covid-19, dự trữ ngoại hối biến động và cuộc khủng hoảng toàn cầu tiếp tục là một trong những tác nhân lớn thúc đẩy quá trình phi USD mạnh mẽ như hiện nay. Ngoài ra, sự cạnh tranh địa chính trị và niềm tin vào đồng USD đang suy giảm cũng là những yếu tố góp phần vào quá trình này ở thời điểm hiện tại.
Thị phần thanh toán của đồng USD hiện chiếm 41,74% toàn cầu, đã giảm hơn một nửa so với mức 85,7% vào thời kỳ đỉnh cao, theo dữ liệu thống kê mới nhất về thanh toán toàn cầu tháng 3/2023, do Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) công bố.
Phi USD hóa tăng tốc trên toàn cầu… Mỹ đứng sau ‘đẩy thuyền’. (Nguồn: The Economist) |
Tổng dự trữ ngoại tệ toàn cầu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hồi tháng Tư là 12.000 tỷ USD, trong đó đồng USD chiếm 58,36%, ghi nhận mức thấp mới trong vài thập niên gần đây, giảm khoảng 27% so với thời kỳ đỉnh cao.
Vẫn không có đối thủ?
Các hành động đơn phương của chính quyền Mỹ liên quan đến đồng USD càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đồng USD hiện nay trên thị trường toàn cầu. Với việc tăng lãi suất 10 lần liên tiếp, kể từ tháng 3/2022, Mỹ đã khiến tỷ giá hối đoái tăng cao, ảnh hưởng đến những người sử dụng đồng USD trên toàn thế giới.
Dường như “phi USD hóa” đang tăng tốc trên phạm vi toàn cầu?
“Phi USD hóa” gần đây trở thành cụm từ được nhắc nhiều trong cộng đồng quốc tế và dường như cũng trở thành trào lưu, không ít quốc gia coi mục tiêu giảm thiểu phụ thuộc vào đồng USD là phương thức tốt để thoát khỏi khó khăn, ứng phó với khủng hoảng.
Danh sách này xem ra ngày càng kéo dài, từ châu Á, qua châu Mỹ, rồi cả Trung Đông, bao gồm Brazil, Venezuela, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Ghana, Nga, Pháp, Australia và Trung Quốc…
Tuy nhiên, một vấn đề mà thế giới nên nhớ là vị thế và thậm chí quyền thống trị của đồng USD từng là nhu cầu và sự đồng thuận, đồng thời cũng là một trong những cấu trúc cốt lõi của hệ thống toàn cầu mà cộng đồng quốc tế cùng bảo vệ sau Thế chiến thứ hai.
Cái gọi là xu hướng “phi USD hóa” hiện nay mặc dù nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia và khu vực, nhưng quốc gia thực sự có thể “phi USD hóa” một cách hiệu quả e rằng vẫn chỉ có Mỹ.
Việc tạo ra tiền tệ luôn gắn liền với quyền lực và trách nhiệm, đồng tiền có chủ quyền của một quốc gia và đồng tiền quốc tế lưu thông toàn cầu cũng như vậy.
Trong 1/4 thế kỷ sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, đồng USD đã hưởng đầy đủ những lợi ích mang lại từ việc trở thành đồng tiền quốc tế. Tuy nhiên, đến thời kỳ chính quyền cựu Tổng thống Richard Nixon, Washington đã phát hiện rằng, họ phải trả cái giá đắt hơn cho việc gánh vác trách nhiệm, nên đã lựa chọn từ bỏ hệ thống Bretton Woods một cách quyết đoán.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ vào thời điểm đó là John Bowden Connally Jr. còn để lại một câu nói nổi tiếng cho thế giới: “USD là đồng tiền của chúng tôi, nhưng lại là vấn đề của các bạn”.
Do đó, trên thực tế, bắt đầu từ thời điểm đó Mỹ luôn thực hiện một số việc “phi USD hóa”, mặc dù họ có thể không ý thức được, nhưng khái niệm “biến USD thành vấn đề của nước khác” rõ ràng đã dẫn đến kết quả này.
Họ muốn hưởng thụ lợi ích mang lại từ quyền thống trị của đồng USD, nhưng lại không muốn gánh vác trách nhiệm cần có của một đồng tiền quốc tế.
USD của Mỹ nhưng là vấn đề của nước khác
Đồng tiền có chủ quyền của một quốc gia muốn trở thành đồng tiền quốc tế, cần phải thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ nghiêm ngặt nhất, duy trì cán cân thanh toán trong nước và sự ổn định của tỷ giá, giành được sự tín nhiệm và tôn trọng của cộng đồng quốc tế, thì mới có thể giúp cho đồng tiền được thừa nhận và sử dụng rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm 1970, thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng dần theo từng năm, trần nợ của chính phủ liên bang đã tăng từ vài chục tỷ USD lên 31.400 tỷ USD vào tháng 6/2023 – thời điểm mà chính phủ và quốc hội Mỹ đang phải đàm phán vượt trần nợ công một cách khó khăn. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán như vậy dường như diễn ra ở mọi chính quyền, ở mọi đời tổng thống Mỹ.
Bản chất của trần nợ chính là kỷ luật tài khóa, nhiều lần vượt trần chính là sự vỡ nợ hoặc hành vi chuyển nợ không có trách nhiệm. Lúc này nhiệm vụ duy trì sự ổn định của tỷ giá đã biến thành cột chặt đồng tiền của các nước khác với đồng USD, để nước khác gánh chịu hậu quả “vung tay quá trán” của Mỹ – Đây chính là thiệt hại trực tiếp đối với địa vị quốc tế của đồng USD.
Đồng tiền quốc tế cần có khả năng duy trì ổn định giá cả với hàng hóa chiến lược, không suy yếu đáng kể do sự thay đổi của tình hình, thì cộng đồng quốc tế mới có thể yên tâm nắm giữ và lưu thông.
Ở mức độ rất lớn, địa vị thống trị của đồng USD trong lịch sử là do đồng USD dầu mỏ (petro-dollar) quyết định. Khi cả thế giới chỉ có nắm giữ đồng USD mới có thể mua dầu mỏ, thì USD chính là đồng tiền lưu thông quốc tế quan trọng nhất. Mặc dù đến nay petro-dollar vẫn chủ đạo thị trường hàng hóa chiến lược quốc tế, nhưng xu thế suy yếu thể hiện rõ.
Bắt đầu từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ ở Trung Đông vào năm 1973, các quốc gia sản xuất dầu mỏ đã tìm cách thách thức địa vị thống trị của Petro-dollar. Đến nay nhiều nước bắt đầu sử dụng đồng nội tệ để thanh toán năng lượng, tài nguyên và hàng hóa quan trọng như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, lương thực…
Có lẽ ngày càng nhiều hàng hóa trên thế giới sẽ sử dụng đồng tiền khác để thanh toán, vì thế vị thế của đồng USD có thể tiếp tục suy yếu.
Nước cung ứng đồng tiền quốc tế cũng phải đoàn kết nhiều đồng minh hơn, cẩn trọng sử dụng các biện pháp trừng phạt, đi đầu gánh vác hậu quả khủng hoảng tài chính và quốc tế thì mới có thể nhận được sự ủng hộ của ngày càng nhiều nước, bảo vệ giá trị lâu dài của đồng tiền quốc tế.
Tuy nhiên, khi bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính sách nới lỏng định lượng quy mô lớn của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo toàn cầu vào làn sóng khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn của Mỹ.
Sự bùng phát của dịch bệnh trong những năm gần đây và cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến cho kinh tế toàn cầu lao đao. Tuy nhiên, bên cạnh lôi kéo thế giới trừng phạt Nga, Mỹ liên tục tăng lãi suất, ban hành “đạo luật Giảm Lạm phát”, hút mạnh mẽ dòng vốn toàn cầu về Mỹ, phá vỡ bước đi phục hồi kinh tế toàn cầu, bao gồm cả các nước đồng minh.
Những động thái đó đã làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin vào đồng USD, do vậy “phi USD hóa” mới trở thành một trào lưu lớn như hiện nay.
Rất khó để phân biệt ưu điểm và nhược điểm về địa vị quốc tế của đồng USD, chỉ cần Mỹ vẫn là một cường quốc toàn cầu có trách nhiệm, thì các nước khác không thể làm lung lay vị thế của đồng bạc xanh.
Tuy nhiên, hiện nay Mỹ đang sử dụng nhiều biện pháp của mình để hỗ trợ tiến trình “phi USD hóa” toàn cầu. Mặc dù tiến trình này vẫn chưa biết kết quả như thế nào, may rủi đều khó đoán định như nhau, nhưng dường như Mỹ mới là đội quân chủ lực của “phi USD hóa”.