Diễn ra lần đầu tiên tại Doha (Qatar) sau cuộc khủng hoảng vùng Vịnh kéo dài suốt ba năm và đại dịch Covid-19, Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) là phép thử cho sự gắn kết của khu vực.
Các nhà lãnh đạo GCC tai Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 44 tại Qatar. (Nguồn: alarabiya) |
Sau những biến động, GCC cần một chương trình nghị sự mới nhằm khẳng định sự ổn định của khu vực, hướng tới sự hợp tác thực chất và gắn kết hơn. Điều này phụ thuộc vào một loạt vấn đề mà hội nghị phải giải quyết.
Trước hết là các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế, hướng tới mục tiêu thống nhất kinh tế khu vực vào năm 2025. Theo hướng này, GCC sẽ phải đẩy nhanh tiến trình ra đời của liên minh hải quan vùng Vịnh trước cuối năm 2024, dựa trên hệ thống pháp luật hải quan thống nhất, mức thuế quan thống nhất, tài chính và hành chính thống nhất trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Tiếp theo là triển khai hàng loạt dự án, trong đó có dự án đường sắt chung vùng Vịnh đã được phê duyệt từ năm 2003. Trong giai đoạn đầu, dự án sẽ kết nối Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Omar, sau đó nối tiếp đến Qatar, Bahrain và Kuwait, tạo cơ sở hạ tầng liên kết khu vực.
Chiến lược thị thực du lịch trong giai đoạn từ năm 2023 đến 2030 cũng là mục tiêu lớn của khu vực. Với việc áp dụng một thị thực du lịch duy nhất có thể đến thăm tất cả sáu quốc gia thành viên, GCC hy vọng sẽ tăng số lượng du khách khoảng 7%/năm, so với con số 38,8 triệu du khách vào năm 2022.
Cuối cùng là làm sao đạt được thỏa thuận chung về mối quan hệ với Israel trong bối cảnh cuộc chiến hoành hành ở Dải Gaza và thảm họa nhân đạo với người Palestine. Trong vài năm qua, nội bộ GCC đã mâu thuẫn về việc bình thường hóa quan hệ của từng quốc gia với Israel.
Vì thế, việc nhắc lại giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine như được nêu trong Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002 tại hội nghị lần này sẽ là phép thử sự đoàn kết trong GCC.