(NLĐO) – Bất chấp đã bị nuốt vào lòng Địa Trung Hải từ thế kỷ thứ IV, những đồ vật bên trong con tàu ma La Mã vẫn nguyên vẹn đến kỷ lạ.
Theo Heritage Daily, cuộc khai quật nhiều năm ngoài khơi đảo Mallorca thuộc quần đảo Baleares nằm trên biển Địa Trung Hải đã tiết lộ một xác tàu ma chở nặng cổ vật quý giá.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đẫn dầu bởi TS Miguel Ángel Cau-Ontiveros từ Đại học Barcelona (Tây Ban Nha) đã xác định một loại amphora hoàn toàn mới, chưa từng thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Amphora hay amphorae là loại bình gốm cổ nhỏ, cao, thân bầu, có hai quai, được sử dụng trong nhiều nền văn minh cổ đại.
Chúng là những hiện vật khảo cổ thú vị – không chỉ là cổ vật giá trị, mà còn tiết lộ nhiều thông tin về những vị chủ nhân.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Archaeological and Anthropological Science, những chiếc amphora được tìm thấy trong hầm chứa được chia thành 4 nhóm, trong đó có 3 nhóm đã được biết đến trước đây.
Phổ biến nhất là loại Almagro 51c, mà theo loại nhãn cổ đại “tituli picti” được người La Mã sử dụng, là đựng nước sốt cá cơm.
Những thứ này rất có lợi cho nhà khảo cổ học vì chúng chứa thông tin về nội dung, nguồn gốc, đích đến và thậm chí cả chủ sở hữu.
Ngoài ra, trên tàu ma còn có loại amphora đáy phẳng chứa trái cây, một loại khác được gọi là Keay XIX và một dạng amphora hoàn toàn mới có tên Ses Fontanelles.
Thiết kế mới này lớn hơn và nặng hơn đáng kể so với các loại khác. Nó được sử dụng để vận chuyển số lượng lớn dầu thực vật.
Tất cả các dữ liệu phân tích cho thấy rằng một vị chủ nhân tên Alunnius et Ausonius đã sở hữu con tàu ma này và có thể là cả một đội tàu buôn, hàng hóa chủ yếu là một loại nước chấm từ cá gần giống nước mắm, ngoài ra còn có dầu ăn, trái cây.
Phát hiện về một dòng gốm hoàn toàn mới lạ hứa hẹn cung cấp thêm nhiều chi tiết thú vị, có thể dẫn đường các nhà khảo cổ đến một “làng nghề” gốm cổ đại nào chưa từng được biết đến, nơi có phong cách chế tác amphora khác biệt.
Ngoài ra, phong cách của cổ vật cũng có thể giúp hiểu thêm về nơi con tàu xuất phát, cập bến hoặc đi qua, làm rõ thêm các tuyến đường thương mại cổ đại.
Một điều đặc biệt hơn là mặc dù bị nhấn chìm xuống biển và hầu như chỉ được bảo vệ một cách mong manh bởi những chiếc lá nho chèn lót, hầu như toàn bộ hàng hóa trong con tàu ma vẫn nguyên vẹn sau hàng thế kỷ.
Một số vùng biển đặc biệt phù hợp để bảo tồn các cấu trúc tàu ma cổ đại, bao gồm một số vùng của Địa Trung Hải. Đó là những “miền đất hứa” cho các cuộc khảo cổ dưới nước khác.
Nguồn: https://nld.com.vn/phat-hien-tau-ma-1700-tuoi-hang-hoa-ky-di-con-nguyen-ven-19624042909263015.htm