Bẫy ảnh đã phát hiện nhiều loài động vật đặc hữu nguy cấp cực kỳ quý hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam như: gà tiền mặt đỏ, gà lôi hông tía, gà so họng trắng… xuất hiện ở Vườn Quốc gia Núi Chúa ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Ngày 7/2, nhóm các nhà khoa học Việt Nam và Đức đến từ Viện Sinh thái học Miền Nam (SIE), Viện Nghiên cứu Vườn thú và Động vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW) và Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa đã công bố kết quả về sự xuất hiện của nhiều loài động vật quy hiếm tại vùng rừng thuộc lâm phần Vườn quốc gia Núi Chúa ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
![Phát hiện gà tiền mặt đỏ và nhiều loài động vật quý hiếm tại Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh 1.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Phat-hien-ga-tien-mat-do-va-nhieu-loai-dong.jpg)
Gà tiền mặt đỏ (tên khoa học Polyplectron germaini) được bẫy ảnh ghi nhận. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
Theo đó, các nhà nghiên cứu và Ban quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa đã đặt 145 điểm bẫy ảnh trên toàn bộ lâm phần của Vườn Quốc gia Núi Chúa để giám sát, theo dõi từ năm 2018 – 2022.
Qua đó phát hiện nhiều loài động vật đặc hữu nguy cấp cực kỳ quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam như: gà tiền mặt đỏ, gà lôi hông tía, gà so họng trắng và nhiều loài khác như đuôi cụt đầu xám, đuôi cụt đầu xanh.
Theo các nhà nghiên cứu, các loài động vật mới ghi nhận được thuộc khu hệ chim và thú kiếm ăn trên mặt đất, được phát hiện tập trung nhiều ở khu vực rừng bán khô hạn chuyển tiếp.
![Phát hiện gà tiền mặt đỏ và nhiều loài động vật quý hiếm tại Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh 2.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1738929680_61_Phat-hien-ga-tien-mat-do-va-nhieu-loai-dong.jpg)
Gà lôi hông tía (Lophura diardi) ghi nhận tại VQG Núi Chúa. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
Điểm mới của phát hiện lần này là đa số các loài được phát hiện đều tập trung nhiều ở khu vực rừng bán khô hạn chuyển tiếp. Đây là dạng sinh cảnh trung gian, nằm giữa rừng mưa nhiệt đới thường xanh và rừng khô hạn ven biển.
Ông An Nguyễn – tác giả chính của nhóm nghiên cứu cho biết, trong quá trình nghiên cứu về loài cheo cheo lưng bạc, nhóm nghiên cứu đã phát hiện số lượng lớn các loài động vật ở sinh cảnh rừng bán khô hạn chuyển tiếp nơi loài cheo cheo lưng bạc được ghi nhận.
![Phát hiện gà tiền mặt đỏ và nhiều loài động vật quý hiếm tại Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh 3.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1738929681_506_Phat-hien-ga-tien-mat-do-va-nhieu-loai-dong.jpg)
Gà so họng trắng (Arborophila brunneopectus). Ảnh: Nhóm nghiên cứu
“Điều này đã thúc đẩy chúng tôi mở rộng nghiên cứu từ một loài riêng lẻ sang quần xã các loài thú và chim sống trên mặt đất tại Vườn Quốc gia Núi Chúa. Kết quả cho thấy mức độ đa dạng loài cao nhất được tìm thấy tại kiểu sinh cảnh chuyển tiếp, hay còn gọi là rừng bán khô hạn.” – ông An Nguyễn nói.
Ông Trần Văn Tiếp – Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy chúng ta cần chú trọng đến kiểu rừng bán khô hạn trong các hoạt động bảo tồn tại vườn quốc gia.
Theo ông Tiếp, ngoài việc đây là khu vực có mức độ đa dạng loài cao nhất so với các sinh cảnh khác, kiểu rừng này còn là nơi sinh sống quan trọng của loài cheo cheo lưng bạc – loài biểu tượng của Vườn Quốc gia Núi Chúa.
![Phát hiện gà tiền mặt đỏ và nhiều loài động vật quý hiếm tại Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh 4.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1738929682_713_Phat-hien-ga-tien-mat-do-va-nhieu-loai-dong.jpg)
Đuôi cụt cánh xanh (Pitta moluccensis) khu hệ chim được bây ảnh ghi nhận. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
“Những thông tin về hiện trạng và phân bố của các loài là cơ sở để đơn vị lập kế hoạch bảo tồn và xác định các khu vực hoặc hoạt động cần ưu tiên. Nếu khả thi, chúng ta nên xem xét việc mở rộng vùng lõi của vườn quốc gia để bao gồm cả sinh cảnh chuyển tiếp này.” – ông Tiếp nói.
PGS.TS Lưu Hồng Trường – chuyên gia thực vật, Viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam cho biết, nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng về tầm quan trọng của sinh cảnh chuyển tiếp trong bảo tồn và sự cần thiết phải bảo vệ những diện tích rừng còn sót lại rất ít ở khu vực ven biển các tỉnh Nam Trung Bộ, nổi bật là ở Vườn Quốc gia Núi Chúa.
![Phát hiện gà tiền mặt đỏ và nhiều loài động vật quý hiếm tại Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh 5.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1738929683_369_Phat-hien-ga-tien-mat-do-va-nhieu-loai-dong.jpg)
Cheo cheo lưng bạc được phát hiện và được xem loài động vật đặc hữu tại rừng Núi Chúa. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
Trước đó, cũng cũng tại khu vực rừng bán khô hạn tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, nhóm nghiên cứu nói trên cũng đã phát hiện ra loài cheo cheo lưng bạc. Đây là loài vật ngỡ như tuyệt chủng sau 30 năm mới được nhìn thấy tại rừng Núi Chúa.
Nguồn: https://danviet.vn/phat-hien-ga-tien-mat-do-va-nhieu-loai-dong-vat-quy-hiem-tai-vuon-quoc-gia-nui-chua-20250207142555583.htm