Nhóm bảo vệ quyền người bản địa địa phương FENAMAD cho biết, trong những tuần gần đây, người ta đã nhìn thấy bộ lạc sống ẩn dật này thường xuyên đi ra khỏi rừng nhiệt đới để tìm kiếm thức ăn, dường như đang chạy trốn khỏi nơi có nhiều người khai thác gỗ.
Theo tổ chức Survival International, những bức ảnh về bộ tộc Mashco Piro được chụp vào cuối tháng 6 trên bờ một con sông ở vùng Madre de Dios, đông nam Peru, gần biên giới với Brazil.
Bà Caroline Pearce, giám đốc của Survival International, cho biết: “Những hình ảnh đáng kinh ngạc này cho thấy một số lượng lớn người Mashco Piro sống biệt lập, chỉ cách vài km với nơi những người đốn gỗ hoạt động”.
Những ngày gần đây, hơn 50 người Mashco Piro đã xuất hiện gần làng Monte Salvado của người Yine. Một nhóm khác gồm 17 người đã xuất hiện gần làng Puerto Nuevo gần đó, theo tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền của người bản địa cho biết.
Theo Survival International, người Mashco Piro sinh sống ở khu vực nằm giữa hai khu bảo tồn thiên nhiên ở Madre de Dios. Họ hiếm khi xuất hiện và ít giao tiếp với người Yine hay bất kỳ ai khác.
Một số công ty gỗ hiện đang có quyền khai thác gỗ trong lãnh thổ có người Mashco Piro sinh sống, chẳng hạn như công ty Canales Tahuamanu đã xây dựng hơn 200 km đường cho xe tải khai thác gỗ. Công ty có 53.000 ha rừng ở Madre de Dios để khai thác tuyết tùng và gỗ gụ.
Ngày 28/6, Chính phủ Peru cho biết đã nhận báo cáo từ người dân địa phương rằng họ nhìn thấy người Mashco Piro trên sông Las Piedras, cách thành phố Puerto Maldonado, thủ phủ của Madre de Dios, 150 km.
Bà Rosa Padilha, thuộc Hội đồng Truyền giáo bản địa của các giám mục Công giáo Brazil tại tiểu bang Acre, cho biết người Mashco Piro cũng được phát hiện ở bên kia biên giới Brazil.
“Họ chạy trốn khỏi những người đốn gỗ ở phía Peru. Vào thời điểm này trong năm, họ xuất hiện trên bãi biển để lấy trứng tracajá (rùa Amazon). Đó là lúc chúng tôi tìm thấy dấu chân của họ trên cát. Họ để lại rất nhiều mai rùa”, bà cho biết.
Ngọc Ánh (theo CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/phat-hien-bo-toc-chua-duoc-biet-den-o-amazon-cua-peru-post303928.html