Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) hôm nay họp trong bối cảnh giá dầu biến động và nhu cầu thế giới thiếu chắc chắn.
OPEC đã nhóm họp hôm 3/6, nhưng các bộ trưởng không đưa ra bình luận nào về quyết định chính sách. Hôm nay, các đồng minh của họ, bao gồm cả Nga, cũng sẽ tham gia thảo luận.
OPEC+ cung cấp khoảng 40% dầu thô toàn cầu. Điều này đồng nghĩa các quyết định chính sách của họ có thể tác động lớn lên giá dầu.
Nguồn tin của Reuters cho biết OPEC+ gần đây thảo luận về giảm sản xuất, có thể là 1 triệu thùng một ngày.
Tháng 10/2022, OPEC+ thông báo giảm sản xuất 2 triệu thùng dầu một ngày. Tháng 4/2023, các nước đột ngột công bố tự nguyện giảm thêm 1,6 triệu thùng nữa, bắt đầu từ tháng 5.
Vì thế, nếu thông qua mức giảm 1 triệu thùng một ngày, OPEC+ sẽ giảm tổng cộng 4,66 triệu thùng, tương đương 4,5% nhu cầu toàn cầu. “Chúng tôi chưa đưa ra quyết định nào cả”, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Hayan Abdel-Ghani trả lời trước thềm cuộc họp hôm nay, khi được hỏi về khả năng giảm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Thông thường, mức giảm sản xuất được áp dụng ngay tháng sau. Tuy nhiên, các bộ trưởng có thể thống nhất lùi ngày thực hiện.
Thông báo cắt giảm hồi tháng 4 khiến giá dầu tăng 9 USD một phiên, lên 87 USD một thùng. Tuy nhiên, giá sau đó giảm nhanh do lo ngại về tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu toàn cầu. Hiện tại, mỗi thùng Brent có giá 76 USD.
Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz cảnh báo những người bán khống trên thị trường dầu (đặt cược giá dầu giảm) rằng họ nên “coi chừng”. Giới quan sát cho rằng đây là tín hiệu OPEC+ tiếp tục giảm sản xuất.
Phương Tây đến nay vẫn cáo buộc OPEC+ thao túng giá dầu và làm tổn hại kinh tế thế giới thông qua giá năng lượng cao. Họ cũng cho rằng OPEC quá nghiêng về phía Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế lên Moskva sau chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Đáp trả, OPEC cho rằng chính sách in tiền của phương Tây thập kỷ qua đã kéo lạm phát lên cao, buộc các nước sản xuất dầu hành động để bảo vệ giá trị mặt hàng xuất khẩu chính. Các nước châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc đã mua lượng lớn dầu Nga thời gian qua, đồng thời từ chối tham gia lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng trong nửa cuối năm 2023. Việc này có thể kéo giá dầu lên cao.
Về nguồn cung, JPMorgan cho rằng OPEC đã không hành động đủ nhanh để điều chỉnh cung dầu khi sản lượng của Mỹ và xuất khẩu của Nga tăng cao. “Nguồn cung hiện quá dư thừa”, báo cáo của JPMorgan nhận định. Ngân hàng này cũng cho rằng OPEC+ sẽ cắt giảm 1 triệu thùng dầu một ngày.
Hà Thu (theo Reuters, Bloomberg)