Ông Donald Trump một lần nữa tuyên bố “sẽ lấy lại kênh đào Panama”, đồng thời cảnh báo về “biện pháp mạnh” cho dù Tổng thống Panama Mulino nói sẽ xem xét các thỏa thuận liên quan tới Trung Quốc.
Theo CNN, Tổng thống Donald Trump hôm 2/2 nhắc lại lời thề “lấy lại” kênh đào Panama, đồng thời cảnh báo về hành động “mạnh mẽ” của Mỹ. Trước đó, ông Trump đã vài lần tuyên bố như vậy trước sự hiện diện của Trung Quốc xung quanh tuyến đường thủy quan trọng này.
Theo ông Trump, “Trung Quốc đang điều hành kênh đào Panama vốn không được trao cho nước này”, và khẳng định Panama đã “vi phạm cam kết” (theo hiệp ước Mỹ – Panama năm 1977), và tuyên bố “sẽ lấy lại kênh đào”, nếu không “một điều gì đó rất lớn sẽ xảy ra”.
Tuyên bố của ông Trump được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio có chuyến công du nước ngoài đầu tiên ở cương vị mới, gặp Tổng thống Panama Raúl Mulino và vừa nhen nhóm lên hy vọng hạ nhiệt căng thẳng ngoại giao Mỹ-Panama.
Sau cuộc gặp, ông Mulino cho biết, Ngoại trưởng Rubio “không đưa ra cảnh báo nào về khả năng Mỹ giành quyền kiểm soát kênh đào Panama bằng vũ lực” và Panama sẽ xem xét lại các thỏa thuận liên quan đến Bắc Kinh và các doanh nghiệp Trung Quốc…
Trong cuộc gặp với ông Rubio, lãnh đạo Panama đã ghi nhận những lo ngại của Mỹ về ảnh hưởng từ Trung Quốc đối với kênh đào Panama và thông báo sẽ không gia hạn bản ghi nhớ (MoU) với chính phủ Trung Quốc về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được ký vào năm 2017 dưới thời Tổng thống Juan Carlos Varela.
Ông Mulino tuyên bố sẽ nghiên cứu khả năng kết thúc sớm thỏa thuận nói trên.
Panama cũng sẽ cân nhắc lại một số dự án hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có thỏa thuận cho phép Panama Ports Company thuộc Tập đoàn CK Hutchison Holdings của Hong Kong (Trung Quốc) thuê cảng biển gần hai đầu kênh đào Panama. Thỏa thuận được ký vào năm 2021 với thời hạn 25 năm và có điều khoản tự động gia hạn.
Tổng thống Mulino nói sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi chính phủ hoàn tất kiểm toán thỏa thuận với doanh nghiệp này.
Theo CNN, Hutchinson Ports là một trong những công ty khai thác cảng lớn nhất thế giới, giám sát 53 cảng tại 24 quốc gia, bao gồm cả các đồng minh khác của Mỹ như Anh, Úc và Canada.
Tuy nhiên, động thái mới của ông Trump khiến quan hệ giữa 2 nước nóng trở lại. Những cam kết của ông Mulino có lẽ chưa đáp ứng được những yêu cầu của ông Donald Trump hoặc ông chủ Nhà Trắng muốn tiếp tục chiến thuật gây “áp lực tối đa” để nhanh chóng đạt được mục đích.
Vị thế đặc biệt của kênh đào Panama
Kênh đào Panama là một tuyến đường thủy nhân tạo dài khoảng 82km ở Panama nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương và phân chia Bắc và Nam Mỹ. Kênh đào cắt ngang eo đất Panama và là tuyến đường quan trọng cho thương mại hàng hải.
Đây được xem là cửa ngõ chiến lược của ngành vận tải đường biển và là một trong những công trình xây dựng vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Khoảng 6% giao thương hàng hải thế giới thông qua kênh này, với hàng trăm tuyến đường biển, kết nối hàng nghìn hải cảng trên thế giới. Nếu không tính tàu chở dầu, hơn 20% hàng hóa toàn cầu qua kênh này. Mỹ sử dụng kênh đào này nhiều nhất, khoảng 40% lưu lượng container qua kênh đào này.
Kênh đào Panama cũng là “gà đẻ trứng vàng” cho Panama khi đóng góp khoảng 6% GDP nước này trong năm 2023.
Kênh đào Panama có tuổi đời hơn 110 năm đã thay đổi cục diện của ngành vận tải đường biển, rút ngắn lộ trình của các chuyến tàu chở hàng, giúp các phương tiện không phải đi vòng qua mũi Horn ở cực nam Chile, Nam Mỹ, rút ngắn được hàng nghìn km, qua đó giảm chi phí vận tải.
Với nước Mỹ, lợi ích của kênh đào Panama là rất lớn. Các tàu chờ hàng từ bờ Đông nước Mỹ (như New York) sang bờ Tây (như San Francisco) giảm hơn nửa quãng đường, bớt hơn chục nghìn km.
Ý tưởng về một tuyến đường biển nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương thông qua Panama đã có từ thế kỷ XVI, nhưng phải tới đầu năm 1882 mới được một tập đoàn Pháp khởi công nhưng sau đó thất bại và phá sản vì động đất, dịch bệnh, sự chênh lệch mực nước biển, khí hậu khắc nghiệt, kỹ thuật xây dựng lạc hậu…
Vào đầu thế kỷ XX, Pháp chuyển nhượng lại quyền khai thác cho Mỹ. Người Mỹ mất thêm 10 năm nữa mới hoàn thành kênh đào này và khai trương vào tháng 8/1914. Sau đó, kênh đào được đặt dưới sự quản lý của chính phủ Mỹ cho tới khi Washington trao trả lại cho Panama vào năm 1999 theo hiệp ước do cố Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ký vào năm 1977.
Hiệp ước cho phép Mỹ can thiệp quân sự nếu hoạt động của tuyến đường thủy này bị gián đoạn do “xung đột nội bộ hoặc một thế lực nước ngoài”.
Gần đây, ông Trump và một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa cho rằng các thỏa thuận hợp tác giữa Panama và Trung Quốc liên quan kênh đào xuyên Panama đã vi phạm cam kết trung lập trong hiệp ước Mỹ – Panama năm 1977.
Trong khoảng một thập kỷ qua, Panama là tâm điểm chú ý đặc biệt của Trung Quốc bởi vị trí chiến lược, trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực mở rộng ảnh hưởng trên thế giới, bao gồm cả khu vực Mỹ Latinh.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Nam Mỹ, chỉ sau Mỹ. Theo NYT, Trung Quốc cũng đã có một số hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cầu cống trị giá nhiều tỷ USD tại Panama. Hai bên cho biết họ cũng sẽ đàm phán một hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, khi khi ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên, áp lực từ Mỹ đối với Panama cũng tăng theo.
Ở chiều ngược lại, theo NYT, Trung Quốc phủ nhận việc có bất kỳ lợi ích nào trong việc xâm phạm chủ quyền của Panama hoặc can thiệp vào nước này. Bắc Kinh cho biết họ luôn tôn trọng kênh đào như một tuyến đường thủy quốc tế trung lập vĩnh viễn.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ong-trump-de-doa-dung-bien-phap-manh-vi-the-dac-biet-cua-kenh-dao-panama-2368196.html