Mỗi năm vào mùng 6 Tết, người dân Tày, Nùng tại xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) lại tưng bừng mở lễ hội Lồng tồng cầu cho mùa màng bội thu. Nhưng điều đặc biệt là trong nghi lễ thiêng liêng này, phải có sự góp mặt của những cô gái đẹp nhất bản.
Vào mùng 6 Tết Nguyên Đán mỗi năm, đồng bào Tày, Nùng ở Đắk Lắk lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Lồng tồng (lễ xuống đồng) sự kiện mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Không chỉ là nghi lễ cầu mong mùa màng bội thu, lễ hội còn thể hiện khát vọng sinh sôi, gắn kết cộng đồng, tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc cho vùng đất này.
Đây là một nét đẹp văn hóa đặc sắc, không chỉ thể hiện tín ngưỡng cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa mà còn ẩn chứa khát vọng phồn thực, sự sinh sôi và phát triển của con người cùng thiên nhiên.
Trước thềm lễ hội, bà con tất bật chuẩn bị các lễ vật phong phú từ nông sản địa phương để dâng lên thần linh, gửi gắm ước nguyện về một năm mới ấm no, sung túc.
Đồng thời, họ cũng chọn lựa những thửa ruộng đẹp nhất, thuận lợi nhất để tiến hành nghi lễ, thể hiện lòng thành kính cũng như niềm tin vào sự che chở của đất trời.
Vào ngày hội, không khí tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, trở nên rộn ràng và náo nhiệt. Ngay từ sáng sớm, tiếng trống, tiếng chiêng ngân vang hòa quyện cùng những điệu múa truyền thống, tạo nên bức tranh văn hóa rực rỡ.
Đặc biệt, tiếng hát then dịu dàng, hòa cùng âm thanh trầm ấm của đàn tính, như một lời mời gọi du khách đến chung vui. Người dân trong những bộ trang phục truyền thống rực rỡ cùng nhau tham gia các hoạt động lễ hội, mang theo niềm vui và sự phấn khởi lan tỏa khắp nơi.
Lễ hội Lồng tồng gồm hai phần chính: phần nghi lễ và phần hội. Phần nghi lễ bắt đầu với nghi thức cúng tế do thầy mo chủ trì, cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Mâm cúng được bày biện trang trọng với các lễ vật đặc trưng như đầu heo, gà luộc, xôi ngũ sắc, chè lam và hoa quả.
Đặc biệt, trong nghi lễ, thầy mo vẩy “nước thánh” – được mang về từ đầu nguồn bởi những cô gái đẹp nhất bản, tượng trưng cho sự tinh khiết và may mắn. Theo quan niệm dân gian, ai hứng được nước thánh sẽ gặp nhiều may mắn.
Ngay sau phần nghi lễ là phần hội sôi động với hàng loạt trò chơi dân gian độc đáo như ném còn, kéo co, thi cày ruộng, bịt mắt đánh trống… Đặc biệt, trò ném còn thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, tạo nên bầu không khí vui tươi, gắn kết cộng đồng.
Nhiều năm xa quê hương, bà Triệu Thị Thính (SN 1969, người dân tộc Nùng, trú tại thôn 2, xã Cư M’gar) xúc động chia sẻ: “Dù đã nhiều năm xa quê, nhưng mỗi dịp lễ hội Lồng tồng, tôi lại có cảm giác như được trở về với cội nguồn. Đàn tính, hát then cùng những trò chơi truyền thống giúp tôi lưu giữ và trân quý hơn những giá trị văn hóa dân tộc mình.”
Người dân ở xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, bày biện mâm cúng, gửi gắm ước nguyện cho một năm mới thuận lợi.
Bên cạnh các hoạt động văn hóa, Lễ hội Lồng tồng còn là dịp để giới thiệu những món ăn đặc sản của đồng bào Tày, Nùng như bánh khảo, cốm, bánh dày, xôi cẩm, rượu nếp, khau nhục… Những món ăn này không chỉ mang hương vị đặc trưng mà còn thể hiện sự cầu kỳ, tinh tế trong ẩm thực truyền thống.
Bà Trịnh Thị Yến (SN 1972, trú tại thôn 4, xã Cư M’gar) tự hào nói về món khau nhục – một trong những đặc sản độc đáo của dân tộc mình. Món ăn này được chế biến công phu từ thịt ba chỉ, khoai lang và các loại gia vị đặc trưng, qua nhiều công đoạn tẩm ướp và hấp cách thủy, tạo nên hương vị đậm đà khó quên.
Lễ hội Lồng tồng không chỉ là một sự kiện văn hóa quan trọng mà còn góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp. Ông Trần Đăng Chỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’gar, khẳng định: “Việc duy trì lễ hội không chỉ giúp bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần thúc đẩy du lịch địa phương, phát triển kinh tế – xã hội.”
Những món ăn đặc trưng như bánh khảo, xôi ngũ sắc, khau nhục, đẹp mắt tại Lễ hội Lồng tồng ở Đắk Lắk.
Phó Chủ tịch UBND xã thông tin thêm. trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục duy trì và nâng cấp lễ hội, nhằm gìn giữ nét văn hóa truyền thống quý báu, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Lễ hội Lồng tồng không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Tày, Nùng mà còn là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa đa dạng của vùng đất Đắk Lắk.
Nguồn: https://danviet.vn/o-xa-nay-cua-dak-lak-dang-co-le-hoi-gi-ma-cac-co-gai-dep-nhat-deu-xuat-hien-20250203220208846.htm