Đến năm 2022, diện tích nuôi trồng thủy sản tỉnh Bắc Giang khoảng 12.250 ha, tổng sản lượng thương phẩm trên 52.700 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt trên 49.400 tấn.
Phong trào nuôi thủy sản của tỉnh ngày càng phát triển ở nhiều địa phương, mặc dù đạt năng suất cao, nhưng còn nhiều hạn chế như: tỷ lệ cá sống thấp, hệ số thức ăn tiêu tốn lớn, còn nhiều dịch bệnh, giá cả bấp bênh, chi phí sản xuất cao nên sức cạnh tranh yếu.
Để khắc phục các hạn chế trên việc ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật nuôi tiên tiến vào nuôi thủy sản nói chung và nuôi cá thâm canh nói riêng, đặc biệt là công tác liên kết giữa người nuôi và cơ sở sản xuất giống, thuốc, thức ăn để phát triển nghề nuôi cá thâm canh bền vững đang là vấn đề rất thời sự hiện nay.
Từ năm 2021-2023, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá thâm canh trên địa bàn huyện Tân Yên, Hiệp Hòa và Lạng Giang, với quy mô 3ha.
Tham gia mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, các hộ được hỗ trợ 70% thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất hỗ trợ 25-35%; 70% giá thiết bị. Mỗi 1ha được hỗ trợ mua 02 máy quạt nước, 02 máy cho ăn, 02 thiết bị thông minh, các máy thiết bị hỗ trợ đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng lắp đặt, bàn giao, bảo hành theo tiêu chuẩn nhà sản xuất.
Mô hình lựa chọn cá rô phi đơn tính, với lượng giống thả là 110 nghìn con, kích cỡ từ 5g/con trở lên, mật độ thả 3-5 con/m2. Thời gian thả giống vào tháng 8-9 hàng năm.
Cá rô phi giống được các hộ đánh giá khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, không mang mầm bệnh…
Các hộ tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi từ khâu chuẩn bị ao nuôi, gây màu nước và lắp thiết bị; quản lý chăm sóc ao nuôi …
Sau khi nuôi được 6 – 7 tháng cá đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch.
Thăm quan mô hình nuôi cá rô phi đơn tính ứng dụng công nghệ số tại thôn Nội, xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Trước khi thu hoạch tích cực thay nước để cá có màu sáng, đẹp, sạch, chất lượng thịt ngon hơn, hạn chế mùi bùn và dừng cho cá ăn trước 1-2 ngày.
Qua hai năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các huyện trong việc ứng dụng công nghệ mới vào nuôi thủy sản của địa phương. Các hộ nuôi đã có kinh nghiệm nuôi cá truyền thống và có cơ sở vật chất đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của mô hình.
Qua theo dõi của Trung tâm Khuyến nông, mô hình Ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá thâm canh triển khai từ năm 2021-2023 đạt được kết quả như tỷ lệ sống 77,8%, trọng lượng bình quân 953g/con, năng suất 26,2 tấn/ha đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu kỹ thuật mô hình đề ra.
Theo tính toán, năm 2021, giá cá rô phi thương phẩm đạt 28.000 đồng/kg (kích cỡ 1.000 – 1.200g/con), tổng doanh thu của mô hình đạt 700 triệu đồng, trừ mọi chi phí lãi trên 50 triệu đồng. Trong khi đó, nuôi cá rô phi thâm canh thông thường chỉ lãi được 29 triệu đồng.
Những năm tiếp theo, giá cá rô phi thương phẩm đạt cao nên lợi nhuận sau 6 tháng nuôi đạt trên 100 triệu đồng. Nếu so với nuôi thông thường thì mô hình ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá rô phi thâm canh hiệu quả kinh tế cao hơn 24%.
Ông Nguyễn Văn Lăng, hộ tham gia mô hình ở thôn Nội, xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) cho biết, “gia đình tôi nuôi cá rất nhiều năm nhưng đây là năm đầu tiên nuôi cá rô phi ứng dụng công nghệ số, gia đình tôi được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông thường xuyên quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật nên việc ứng dụng công nghệ số không mấy khó khăn.
Điểm nổi bật của mô hình, giúp người chăn nuôi cho cá ăn theo định lượng, đúng giờ, giảm công lao động, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm thiểu hiện tượng bệnh cá; hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh, hoá chất trong nuôi thuỷ sản; tạo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt có thể cho cá ăn mà không cần phải đứng trực tiếp ở bờ ao, chỉ cần bật các thiết bị được kết nối qua điện thoại thông minh…”
Thực tế cho thấy, mô hình nuôi cá thâm canh ứng dụng công nghệ mới giúp người nuôi hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm thiểu hiện tượng bệnh cá; hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh, hoá chất trong nuôi thuỷ sản; tạo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm… Cho dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể vận hành các thiết bị trong ao nuôi, giảm được công lao động và rủi ro cho ao nuôi.
Người nuôi được chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật mới, tiên tiến, làm gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích sản xuất, giúp nông ngư dân có kỹ thuật mới. Được hưởng lợi từ sự hỗ trợ không thu hồi về giống và vật tư, người nuôi có vốn để tái sản xuất.
Được biết, đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng năm 2030” được UBND tỉnh phê duyệt, phát triển thuỷ sản thành một ngành sản xuất hàng hoá lớn, hiệu quả, bền vững.
Đề án góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, chuyển dịch cơ cấu thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững gắn với việc tổ chức lại sản xuất thâm canh ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Như vậy, với hơn 4.000 ha mặt nước ao hồ nhỏ đã và đang nuôi cá thâm canh, bán thâm canh (cá rô phi chiếm 70%), thành công của các mô hình mở ra một triển vọng lớn giúp nông dân trong vùng tiếp cận với kỹ thuật nuôi mới, nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ số tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người nuôi.
Từng bước hình thành các khu nuôi thủy sản hàng hóa an toàn thực phẩm tập trung như khu Nghĩa Trung, Minh Đức huyện Việt Yên, Song Vân, Ngọc Châu, An Dương thị trấn Cao Thượng huyện Tân Yên; Song Mai, Đa Mai TP Bắc Giang; Thái Sơn, Hợp Thịnh huyện Hiệp Hòa… góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển nuôi thủy sản bền vững của tỉnh Bắc Giang.