Sau Tết nguyên Đán, người nuôi tôm ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau tất bật cải tạo lại vuông (ao nuôi tôm) để xuống giống vụ mới. Khâu vệ sinh ao nuôi tôm bằng cách thuốc các loài cá tạp là không thể bỏ qua. Làm vậy là để tôm giống được thả xuống sẽ không bị cá tạp tấn công, ăn thịt.
Những ngày này, anh Trương Văn Phong, ngụ xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời túc trực trên đồng ruộng, để cải tạo 1,5 ha đất của gia đình, trong đó có diệt cá tạp bằng cây thuốc cá.


Trước khi thuốc các loài cá tạp trong vuông tôm tôm (ao nuôi tôm), bà con nuôi tôm ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau bơm cạn nước trong đồng ruộng, việc này nhằm làm cho các loài cá tạp thấm thuốc rồi say nhanh hơn, và cũng để người dân dễ bắt cá. Ảnh: Vũ Lịnh.
“Diện tích đất được sản xuất theo mô hình luân canh lúa tôm, nên sau khi thu hoạch lúa xong, ngay sau Tết là cải tạo lại để thả tôm giống cho kịp lịch thời vụ”, anh Phong nói.
Khâu đầu tiên được anh Phong chọn cho mùa cải tạo đất là bơm hết nước trong vuông ra sông, rồi dùng thuốc diệt hết các loài hết cá tạp, sau đó là phơi đất, bỏ vôi diệt khuẩn hạ phèn.
“Với diện tích đất của gia đình, vừa qua khi thuốc cá trong vuông tôm để xuống giống vụ nuôi mới, tôi bắt cá bán cũng được trên dưới 20 triệu đồng”, anh Phong nói và cho biết, số tiền này đủ để anh mua lại con giống, và thuốc men trong vụ tôm này.
Như anh Phong, hiện tại gia đình anh Trịnh Thanh Lel cũng đang tất bật gom năng thành đống, làm sạch đáy vuông và thuốc cá.



Anh Trương Văn Phong, ngụ xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, vụ thuốc cá vừa rồi, anh thu được hơn 20 triệu đồng từ việc bán các loài cá tạp như cá phi, cá ngát…, trong đó chủ yếu là cá chẽm. Ảnh: Vũ Lịnh.
“Bên cạnh việc thả nuôi theo kiểu truyền thống, tôi còn xử lý vuông nuôi, diệt cá tạp, diệt khuẩn là khâu cơ bản và quan trọng nhất quyết định sự phát triển của tôm sau này”, anh Lel nói.
Ông Nguyễn Thành Công – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cho biết, xã có tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản 3.840ha, sau khi có lịch thời vụ, Hội Nông dân xã quán triệt đến các hội viên nông dân, tranh thủ cải tạo đồng đất để xuống giống.
“Thuốc cá trước khi xuống giống vụ nuôi mới là khâu không thể thiếu đối với bà con nông dân ở địa phương, nó vừa đảm bảo tôm nuôi không bị xâm hại, còn đem về nguồn thu khá cho chủ đất từ tiền bán các loài cá tạp”, ông Công nói.
Theo ông Công, sau vụ tôm, khi vào mùa mưa, người dân tiếp tục làm lúa và thả tôm càng xanh xen canh để xoay vòng vụ nuôi, nhằm làm cân bằng hệ sinh thái, giúp tôm, cua, cá phát triển, và bà con có thu nhập ổn định quanh năm.


Trước khi thuốc vuông, chủ đất ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) liên hệ với các cơ sở thu mua cá ở chợ huyện để giao kèo giá cả, và khi đánh thuốc thì cơ sở thu mua cho người đến tận ruộng để thu mua. Hiện nay giá cá chẽm, cá ngát, cá nâu… được thu mua với giá trên dưới 80 nghìn đồng/kg đem về nguồn thu lớn cho bà con. Ảnh: Vũ Lịnh
Thuốc cá ở Cà Mau là biện pháp diệt cá tạp, làm sạch ao nuôi tôm, ao nuôi cua bằng chất hữu cơ tự nhiên
Dây thuốc cá (cây thuốc cá) là một loại cây được trồng nhiều ở vùng Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh…
Loại cây đặc biệt này dân có thể trồng hoặc khai thác từ tự nhiên để lấy rễ. Rễ dây thuốc cá chứa hoạt chất Rotenone.
Hoạt chất Rotenone có tính độc với cá (loài có máu đỏ) nhưng ít độc hơn với giáp xác như tôm, cua… (loài có máu trắng). Rễ cây thuốc cá được người dân phơi khô nghiền thành bột để sử dụng.
Nguồn: https://danviet.vn/nong-dan-ca-mau-tha-thu-gi-xuong-ao-nuoi-tom-ma-ca-to-ca-nho-say-du-du-bat-de-nhu-an-keo-20250222131605118.htm