Trồng lúa kiểu mới, ngoài giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận vượt trội hơn cách làm truyền thống, nông dân nhiều địa phương ở tỉnh An Giang còn nhận được tiền thưởng tương đương với lượng giảm phát thải đạt được.
Trồng lúa kiểu mới giúp lợi nhuận đạt vượt trội
Vụ lúa thu đông vừa qua, với giá bán 8.000 đồng/kg đối với giống lúa OM5451, anh Lê Văn Tư – xã viên hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Bình (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đạt lợi nhuận khoảng 17,9 triệu đồng/ha. Còn xã viên Nguyễn Thành Tân đạt lợi nhuận khoảng 12,5 triệu đồng/ha, xã viên Hồ Minh Tuấn lợi nhuận hơn 11 triệu đồng/ha, xã viên Nguyễn Duy Khánh hơn 10,8 triệu đồng/ha.

4 xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Bình được thưởng tiền từ lượng giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: H.X
Trong khi đó, cách sản xuất truyền thống của hợp tác xã chỉ đạt lợi nhuận khoảng 8,5 triệu đồng/ha, tức thấp hơn cách làm mới của các xã viên nói trên từ 2,3 triệu đồng/ha – 9,4 triệu đồng/ha.
Sở dĩ đạt được mức lợi nhuận trên là do 4 xã viên đều áp dụng kỹ thuật trồng lúa kiểu mới, giải pháp canh tác thông minh nhằm tăng hiệu quả sản xuất lúa, cải thiện thu nhập và hướng đến sản xuất bền vững.
Ông Nguyễn Văn Tắc – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Bình cho biết, kỹ thuật trồng lúa kiểu mới giúp chi phí sản xuất giảm khoảng 30%, trong khi năng suất tăng khoảng 20% so với phương pháp canh tác truyền thống. Cụ thể, năng suất lúa truyền thống của xã viên trong vụ thu đông ở mức 700 – 770kg/công. Tuy nhiên khi áp dụng mới, năng suất tăng lên 830kg/công.

Các xã viên vui mừng khi nhận được tiền thưởng từ lượng giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: H.X
Theo anh Tắc, trước khi gieo sạ, người dân áp dụng mô hình trồng lúa kiểu mới sử dụng chế phẩm vi sinh làm xử lý rơm rạ nhanh phân huỷ ngay tại đồng ruộng, nhằm tái tạo nguồn dinh dưỡng cho đất, hướng tới sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Đến khi gieo sạ, người dân đều sạ hàng với mật độ 80kg/ha (ruộng đối chứng 153 kg/ha) kết hợp vùi phân. Đặc biệt là ứng dụng biện pháp tưới ngập khô xen kẽ và đo phát thải khí nhà kính qua các giai đoạn cây lúa thông qua vệ tinh.
Với những hiệu quả đạt được từ mô hình, ông Tắc cho hay, hợp tác xã cũng sẽ mở rộng diện tích canh tác trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ liên kết với doanh nghiệp đầu tư lò đốt để xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ vi sinh và làm hệ thống bơm nước bằng điện năng lượng mặt trời nhằm đáp ứng yêu cầu giảm phát thải ngày càng nhiều hơn.
Có thêm tiền thưởng từ lượng giảm phát thải nhà kính từ việc trồng lúa kiểu mới
Theo phóng viên tìm hiểu, 4 xã viên hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Bình tham gia canh tác 8,49ha, ngoài giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận như đã nêu, mô hình tại đây còn giúp giảm 29,03 tấn CO2 tương đương.

Mô hình đo phát thải khí nhà kính qua vệ tinh. Ảnh: Googe Map

Thực hiện đo mực nước liên tục trong quá trình sản xuất lúa. Ảnh: Đ.A
Mới đây, trước sự chứng kiến của ngành chuyên môn, đại diện Công ty Cổ phần Net Zero Carbon và Công ty BSB Nanotech – 2 đơn vị phối hợp hướng dẫn nông dân ứng dụng biện pháp tưới ngập khô xen kẽ và đo phát thải khí nhà kính đã tổ chức trao tổng số tiền thưởng (được tính dựa vào lượng giảm phát thải khí nhà kính đo được trong quá trình sản xuất) trên 14,3 triệu đồng cho 4 nông dân. Theo đó, mỗi hộ dân được thưởng từ 954 nghìn đồng đến 6,3 triệu đồng (tuỳ diện tích tham gia thực hiện và mức giảm phát thải đạt được). Như vậy, người dân có 2 nguồn thu nhập trong 1 vụ lúa.
Cũng với cách trồng lúa kiểu mới nói trên, mô hình thực hiện tại hợp tác xã Hiệp Xuân Phú (xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân) đã giảm được 53,48 tấn CO2e trên diện tích canh tác 16,55ha; mô hình 12,71ha tại Tổ hợp tác Huệ Đức (thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn) giảm 49,66 tấn CO2e và mô hình 15,41ha ở hợp tác xã Phú Thuận (xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn) giảm 51,75 tấn CO2e.

Nông dân tuân thủ biên pháp tưới ngập khô xen kẽ khi thực hiện mô hình. Ảnh: H.X
Trong tháng 2 này, 2 công ty sẽ lần lượt trao thưởng cho nông dân thực hiện 3 mô hình trên, với tổng số tiền 76,3 triệu đồng. Số tiền thưởng này là sự ghi nhận sự tham gia tích cực của bà con trong việc ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, để cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, tạo động lực để bà con tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất xanh, bền vững trong thời gian tới.
Riêng đối với Hợp tác xã Hiệp Xuân Phú (xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân), lượng giảm phát thải đo được đạt cao nhất. Do đó, sắp tới đây, ngành nông nghiệp địa phương sẽ chọn làm điểm mới để đưa vào kế hoạch thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL của Bộ NNPTNT. Song song đó, sẽ tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, mời đại diện nông dân 17 xã và cán bộ địa phương, cán bộ bảo vệ thực vật đến tham dự.
Nguồn: https://danviet.vn/nong-dan-an-giang-trong-lua-kieu-nay-duoc-huong-2-nguon-thu-nhap-ho-ngheo-cung-lam-duoc-20250215153413981.htm