VHO – Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành Di sản văn hóa TP.HCM năm 2025 diễn ra cuối tuần qua, câu chuyện về hai di tích nhà cổ Vương Hồng Sển và lò gốm cổ Hưng Lợi lại một lần nữa mang ra “mổ xẻ”. Đây là những di sản quý nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị.
![Nỗi niềm di sản - ảnh 1](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Noi-niem-di-san.jpg)
Lò gốm cổ Hưng Lợi tọa lạc tại phường 16, quận 8 là di tích khảo cổ quốc gia có giá trị đặc biệt, được khai quật vào năm 1997. Đây là di tích khảo cổ duy nhất ở khu vực nội thành TP.HCM và đã được khoanh vùng bảo vệ từ năm 1998. Tuy nhiên, sau 28 năm, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Trong khi chờ đợi các dự án tu bổ và phục dựng, khu vực này vẫn chỉ là một khu đất trống, mặc dù đã có tường rào, camera và các biện pháp bảo vệ tạm thời.
Đại diện Phòng VHTT quận 8 cho biết, trước đây khu vực lò gốm cổ Hưng Lợi không có tường rào, một số người dân còn sử dụng đất để trồng rau và cây kiểng. Vào năm 2023, việc tu sửa di tích đã được thống nhất, tuy nhiên hiện trạng của di tích vẫn chưa có nhiều thay đổi. Quận 8 đã triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ di tích cho người dân, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Tương tự, di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển (tọa lạc đường Nguyễn Thiện Thuật, quận Bình Thạnh), hiện đang xuống cấp và cũng đang đối mặt với khó khăn trong việc bảo vệ. Nhà cổ này được xếp hạng là di tích cấp thành phố từ năm 2003. Kể từ khi xác lập quyền sở hữu nhà nước và được xếp hạng di tích cho đến nay, Sở VHTT chưa được nhận bàn giao đối với nhà di tích này. Các con của cụ Vương Hồng Sển thường xuyên khiếu kiện, khiếu nại nên không thể triển khai công tác tu bổ, phục hồi và trưng bày tại di tích theo quy định hiện hành.
Nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển hiện có nhiều hộ dân sinh sống và có tình trạng xây cất trái phép… Do vướng mắc pháp lý và tranh chấp giữa các hộ dân, việc thực hiện cưỡng chế vẫn chưa thể tiến hành ngay, dù quyết định đã được ban hành từ tháng 8.2023. Gần đây, UBND quận Bình Thạnh có thêm quyết định số 5279/QĐ-CCXP ngày 12.9.2024 về việc buộc khắc phục tình trạng ban đầu và cưỡng chế phần công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị do xây dựng công trình không có giấy phép. Theo ông Phạm Văn Hoa, Phó trưởng Phòng VHTT quận Bình Thạnh, chi phí để thực hiện cưỡng chế có thể hơn 285 triệu đồng (chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, không tính chi phí nhân công). Theo quy định pháp luật, kinh phí này phải tiến hành đấu thầu, đây là một trong những yếu tố khiến quá trình cưỡng chế diễn ra chậm trễ, nên chậm nhất vào tháng 3.2025 mới có thể thực hiện được.
Trước những khó khăn mà các di tích gặp phải, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM chia sẻ những trăn trở về tình hình bảo tồn di sản văn hóa. Ông cho rằng, dù công tác bảo tồn và phát huy di sản đã có những tiến bộ, nhưng nếu không hành động quyết liệt, tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế sẽ khiến các giá trị di sản bị mai một, mất đi. Theo Sở VHTT, di tích vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc tu bổ và phục dựng. Những di tích như lò gốm Hưng Lợi hay nhà cổ Vương Hồng Sển là minh chứng rõ ràng cho việc bảo tồn đang gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án phục hồi và bảo vệ. Ông Hoàng Nghị, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VHTT TP.HCM) cho biết, công tác quản lý di sản văn hóa đang ngày càng được chú trọng, với nhiều chính sách và quy định pháp luật hỗ trợ phát triển bảo tàng, di tích, đồng thời thu hút du khách. Các hoạt động phối hợp giữa ngành văn hóa, giáo dục và du lịch cũng đã góp phần hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhà nước và xã hội cũng đã quan tâm đầu tư cho công tác tu bổ di tích.
Tuy nhiên, ngành Di sản văn hóa TP.HCM vẫn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất của các bảo tàng chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống kho và trang thiết bị bảo quản của một số bảo tàng thiếu thốn cả về số lượng và chất lượng, không đảm bảo được công tác lưu giữ, bảo quản lâu dài tài liệu và hiện vật. Các dự án xây dựng, tu bổ bảo tàng và hiện đại hóa trưng bày cũng gặp ảnh hưởng, làm gián đoạn hoạt động của bảo tàng. Kinh phí dành cho việc tu bổ di tích lịch sử, văn hóa vẫn còn hạn chế, gây khó khăn cho công tác tu bổ và bảo tồn. Hơn nữa, nhiều di tích vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút du khách, làm cho giá trị của chúng chưa được phát huy đầy đủ. Trong năm 2024, tổng lượng khách tham quan các bảo tàng đạt gần 3 triệu lượt, tăng hơn 10% so với năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt trên 1,1 triệu lượt, khách nội địa đạt trên 1,8 triệu lượt, và học sinh, sinh viên chiếm hơn 516.000 lượt. Mặc dù đã có sự quan tâm đầu tư cho công tác tu bổ di tích từ ngân sách và xã hội hóa, tiến độ giải ngân cho các dự án này vẫn chưa đạt theo kế hoạch ban đầu.
Theo các chuyên gia, để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, TP.HCM cần tăng cường đầu tư cho các hoạt động tu bổ, phục hồi di tích và nâng cấp cơ sở vật chất bảo tồn. Ngoài ra, việc liên kết các di tích với các chương trình du lịch đặc trưng của từng quận, huyện sẽ giúp phát huy giá trị của di sản và thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Để bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của TP.HCM, việc tăng cường đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, bảo vệ di tích là hết sức quan trọng. Nếu không hành động kịp thời, những tài sản quý giá này có thể sẽ bị mất đi vĩnh viễn.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/noi-niem-di-san-119212.html