Được sự quan tâm, đầu tư từ nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc, giảm nghèo, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền xã và sự nỗ lực của nhân dân, đời sống và bộ mặt nông thôn xã Chiềng On (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) đang đổi thay từng ngày.
Địa phương này đã triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhờ vậy bộ mặt nông thôn nơi đây đang đổi thay từng ngày.
Nỗ lực vươn lên thoát nghèo nơi biên giới
Khi những nương ngô, nương dong riềng đến kỳ thu hoạch, chúng tôi có dịp trở lại Chiềng On, xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Yên Châu (Sơn La). Chiềng On có những bản cách trung tâm xã cả chục cây số. Đường giao thông đi lại khó khăn. Trình độ dân trí chưa đồng đều.
Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư từ nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc, giảm nghèo, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền xã và sự nỗ lực của nhân dân, đời sống và bộ mặt nông thôn nơi đây đang đổi thay từng ngày.
Để triển khai có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, xã Chiềng On tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình đầu tư của Nhà nước, như: Thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa; tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững; các chương trình hỗ trợ cây, con giống. Tăng cường hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ để nâng cao thu nhập.
Theo chân cán bộ xã Chiềng On, chúng tôi đến thăm mô hình canh tác mận trái vụ của gia đình ông Vàng A Vạng (người dân tộc Mông ở bản Đin Chí, xã Chiềng On, Yên Châu, Sơn La). Gia đình ông Vạng là một trong những hộ có điều kiện nhất vùng này, nhờ thực hiện có hiệu quả chủ trương của tỉnh, của huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất đốc.
Nhà ông Vạng ở cách biên giới Việt – Lào không xa. Ngôi nhà bề thế mọc lên giữa bốn bề mây núi. Hôm chúng tôi đến thăm, ông Vạng đang ở ngoài vườn. Mới chớm lạnh mà vườn mận đã nở hoa trắng muốt. Hương hoa mận quyện với hương rừng thoang thoảng khiến lòng người khách lạ như nhẹ lại.
Ông Vạng chia sẻ: Vài chục năm về trước, gia đình ông cũng thuộc dạng khó khăn, thế nhưng từ khi huyện, tỉnh triển khai chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cũng như được các cấp Hội Nông dân vận động tuyên truyền, được tham gia học tập các mô hình phát triển cây ăn quả, ông nhận thấy gia đình mình có điều kiện phát triển cây mận hậu trái vụ. Nghĩ là làm, ông đã bàn bạc với gia đình, chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng ngô, trồng sắn sang canh tác cây mận hậu.
“Gia đình đầu tư hệ thống đường ống tưới nước tự động hiện đại. Nước được bơm cách vườn mận cả nửa cây số. Mỗi gốc mận có một vòi tưới tự động. Nhờ vậy mà cây mận được kích nước sớm hơn 3 tháng so với mận chính vụ.
Ngoài ra, phải tỉa những cành vượt, việc này để dưỡng chất tụ lại ở những cành bánh tẻ. Sau hơn một tháng cắt tỉa, bón phân, thúc nước, cây mận sẽ bật nụ và ra hoa sớm”- ông Vạng nói.
Đến nay, gia đình ông trồng được gần 2.000 gốc mận, trong đó có 600 cây mận đã cho thu hoạch.
Theo ông Vạng trồng mận trái vụ bán được giá cao gấp 6 – 7 lần so với mận chính vụ. Năm 2024, gia đình ông đã thu được hơn 130 triệu đồng từ vườn mận bói quả. Năm nay, theo dự tính của ông Vạng sản lượng và thu nhập sẽ tăng gấp 3 lần so với năm ngoái.
Đồng bộ các giải pháp để thoát nghèo
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lại Hữu Hưng – Chủ tịch UBND xã Chiềng On cho biết: Chiềng On là xã vùng III, biên giới của huyện Yên Châu; có chiều dài đường biên giới là 15km. Xã cách trung tâm huyện 30km. Toàn xã có 1.322 hộ, dân số 6.368 nhân khẩu, có 12 bản đều là bản đặc biệt khó khăn, gồm 5 dân tộc anh em cùng sinh sống: đồng bào Xinh Mun chiếm 71,18%, đồng bào Mông chiếm 24,36%, còn lại là các dân tộc Kinh (chiếm 3,58%), Thái (chiếm 0,71%) và Khơ Mú (chiếm 0,17%).
Để triển khai có hiệu quả xóa đói nghèo trên địa bàn, xã Chiềng On đã tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình đầu tư của Nhà nước. Xây dựng kế hoạch toàn khóa và từng năm, đề ra chỉ tiêu cụ thể, phân công nhiệm vụ các đồng chí trong cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, kêu gọi các doanh nghiệp nông nghiệp đến liên kết đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.
Thông qua các đợt tham quan học tập kinh nghiệm một số mô hình trồng cây mắc ca, chanh, nuôi bò nhốt chuồng, tham quan Nhà máy mía đường Sơn La, nghe những chính sách trong phát triển vùng mía nguyên liệu… xã Chiềng On đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như: Trồng 17,8 ha mía tại bản Ta Liễu, Đin Chí, sản lượng đạt 623 tấn/năm; mô hình nuôi 1.000 con gà đen tại bản Nà Dạ và Suối Cút, gà sinh trưởng và phát triển tốt, một số hộ đã bán ra thị trường với giá bình quân 120.000 đồng/kg.
Từ các mô hình thí điểm, đến nay xã Chiềng On đã phát triển gần 300 ha mận hậu, sản lượng 135 tấn/năm; mở rộng diện tích mía lên 90ha, cung cấp nguyên liệu cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn La.
Hiện nay, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; tăng giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 35 triệu đồng/ha đất trồng trọt.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Chiềng On, không chỉ đẩy mạnh phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội của xã Chiềng On cũng có nhiều khởi sắc. Hiện nay, xã có trường học từ bậc mầm non đến trung học cơ sở, các trường học tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là trẻ có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách được quan tâm.
Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; vận động bà con tham gia tố giác, phát giác tội phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư. Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra đường biên, cột mốc giới thuộc địa phận xã.
Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn đảm bảo, người dân yên tâm phát triển kinh tế. Đến nay, kinh tế nông nghiệp, nông thôn của xã có bước chuyển dịch tích cực; từng bước làm thay đổi phương thức sản xuất, đời sống của nhân dân dần được nâng lên.
Xã Chiềng On tiếp tục chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ gắn với nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Đồng thời, vận động các hộ liên kết thành lập HTX; phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt đạt 35 triệu đồng, sản lượng lương thực có hạt trên 3.800 tấn; phát triển diện tích cây ăn quả 495 ha, diện tích cây công nghiệp 30,8 ha; mỗi năm phấn đấu giảm 5,8% số hộ nghèo.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền cùng đồng bào các dân tộc Chiềng On sẽ từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Nguồn: https://danviet.vn/noi-nay-o-son-la-thay-ngoi-nha-be-the-cua-trieu-phu-nguoi-mong-co-mot-loai-hoa-no-can-dau-co-kip-20250121150300996.htm