Báo chí Cách mạng & sứ mệnh dẫn lối LTS: Gần một thế kỷ qua, nền Báo chí Cách mạng Việt Nam đã không ngừng phát triển, luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhưng bên cạnh những người làm báo chân chính, học tập và làm theo Bác cũng còn một số người làm báo đã không vượt qua được cám dỗ, cạm bẫy, lầm đường lạc lối, để rồi, nhẹ thì bị kỷ luật nêu gương, nặng thì tù tội… Những ngày tháng 6 – kỷ niệm 98 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhớ lời Bác Hồ căn dặn “cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng” mà không khỏi xót xa trước những “ung nhọt” ấy của nghề báo. Phải cắt bỏ chúng bằng cách nào? Những nút thắt, rào cản nào cần tháo gỡ? Chuyên đề “Báo chí Cách mạng và sứ mệnh dẫn lối” của Báo Nhà báo & Công luận sẽ phần nào tìm lời giải xung quanh vấn đề này. |
Rất xót xa nhưng không thể phủ nhận được thực tế đáng buồn là đã có một bộ phận người làm báo thiếu tự trọng, sẵn sàng bỏ qua mọi quy chuẩn đạo đức để vụ lợi, lạm quyền, đánh đấm dọa dẫm doanh nghiệp, viết báo một đằng, nói năng ngoài xã hội một nẻo; Phát ngôn trên MXH trái quy định của Hội Nhà báo Việt Nam; moi móc tìm điểm xấu của chính quyền, doanh nghiệp, câu view bằng nội dung rẻ tiền, khẩu chiến trên mạng xã hội…
1. Không khó để “điểm danh” những vụ việc phóng viên, cộng tác viên bị công an bắt liên tiếp xảy ra thời gian qua. Chỉ mới cuối tháng 5/2023 vừa qua, cơ quan CSĐT Công an TP. Đồng Hới (Quảng Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Lê Toàn (SN 1996, trú TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), là phóng viên của một tạp chí (đã được cấp thẻ nhà báo) và Trần Thị Nhung (SN 1988, trú phường Nam Lý, TP. Đồng Hới) về tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”.
Theo cơ quan công an, trước đó, Lê Toàn cùng Trần Thị Nhung phát hiện một số cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu sai phạm. Sau khi thu thập thông tin mang tính đe dọa, hai đối tượng này tìm gặp chủ doanh nghiệp, xuất trình thẻ nhà báo, khoe có nhiều mối quan hệ rộng, uy hiếp và yêu cầu phải đưa số tiền khoảng 40 – 50 triệu đồng để bỏ qua mọi chuyện. Nếu doanh nghiệp không chịu đưa tiền, Toàn sẽ viết bài đăng báo phản ánh sai phạm, khiến cho cơ sở này buộc phải đóng cửa, dừng hoạt động… Vụ việc được đưa ra ánh sáng nhưng không còn là chuyện bất ngờ hay động trời gì nữa vì có vẻ như chuyện bắt bớ này giờ đã khá quen rồi.
Cũng là vụ việc điển hình cho chiêu trò dọa nạt tống tiền, kết quả là ngày 25/5, bị cáo Phan Mạnh Chi bị TAND huyện Minh Hóa (Quảng Bình) tuyên phạt 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Theo kết luận của cơ quan công an, Phan Mạnh Chi là phóng viên của một tạp chí. Đầu năm 2022, sau khi nắm được thông tin ông Đinh Tiến Dũng (43 tuổi, trú tại thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa) đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét để bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa nên Chi đã tiếp cận ông Dũng. Tại các buổi nói chuyện, Phan Mạnh Chi thông báo rằng ông Dũng có một số sai phạm về đất đai và đe dọa, uy hiếp tinh thần đối với ông Dũng nhằm buộc ông Dũng phải đưa số tiền 300 triệu đồng theo yêu cầu để không viết bài đăng báo. Do không có tiền cùng việc liên tục bị Chi cứ thúc ép nên ông Dũng đã trình báo cơ quan công an giải quyết với toàn bộ tài liệu liên quan…
Tạo trang web giả mạo cơ quan báo chí, đăng bài sai phạm rồi ép chi tiền “gỡ bài”… cũng là một dạng của tội phạm mang danh báo chí. Ngày 4/5, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an phối hợp với Công an TP. Hà Nội đã thông tin về vụ cưỡng đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Các đối tượng là cộng tác viên của một tạp chí đã tạo lập hệ thống rất nhiều trang web có tên gọi, giao diện, hình thức như một cơ quan báo chí. Sau đó, thu thập thông tin để viết, đăng tải tin bài phản ánh về những dấu hiệu sai phạm của các tổ chức, cá nhân, gây sức ép, đe dọa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phải chi tiền để gỡ, sửa bài. Nhiều vụ làm ăn trót lọt, ăn chia chóng vánh giữa các đối tượng khiến cho công chúng không khỏi hoang mang về một kiểu “thế lực”… coi trời bằng vung. Đối tượng dùng thẻ nhà báo đến đặt vấn đề làm việc, lấy số điện thoại của lãnh đạo, sau đó về nhắn tin, gửi bài viết đe dọa, uy hiếp các cơ quan, tổ chức chi tiền để gỡ bài. Các đối tượng hoạt động có tổ chức, phân công vai trò từng người. Trong đó, có người thu thập thông tin, chụp ảnh các công trình có dấu hiệu sai phạm; người viết và đăng bài; người đến đe dọa và người nhận tiền…
2. Điểm danh một số vụ việc bắt phóng viên, cộng tác viên liên tiếp được đưa ra ánh sáng đã cho thấy cách thức, chiêu trò dùng danh nghĩa báo chí để cưỡng đoạt tài sản hết sức tinh vi, trắng trợn… Các đối tượng chủ yếu ở các tờ tạp chí nhỏ, hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích, lợi dụng hoạt động báo chí, lợi dụng danh nghĩa là phóng viên cơ quan báo chí, giả mạo cơ quan báo chí để thực hiện hành vi lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, vi phạm pháp luật.
Đánh giá thêm về thực trạng này, đồng chí Trần Thanh Lâm – Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, hiện nay còn một số phóng viên dao động về lập trường tư tưởng do chưa được đào tạo bài bản, thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp, đề cao danh vị, đồng tiền và vốn sống; có trường hợp bị một số thế lực xấu dụ dỗ, lôi kéo, nên đã có những bài viết vi phạm đạo đức, pháp luật; gây khó dễ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Cùng với đó là tình trạng phóng viên tham gia mạng xã hội có những phát biểu, bài viết về một số vấn đề nóng, vụ việc tiêu cực trái quan điểm chỉ đạo, có xu hướng kích động, gây rối nhiễu dư luận… Chưa hết, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên của một số cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao, gây phiền hà cho các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước…; có trường hợp cấu kết với một số đối tượng xấu nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, cơ quan, ép ký hợp đồng quảng cáo, đăng tải tin, bài thiên lệch quá nhiều vào mặt trái…
Thêm nữa, có tình trạng phóng viên thiếu trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, rộ lên một xu hướng phóng viên nhận tài liệu nhưng không dám viết bài vì đó là thông tin một chiều, nhưng lại đưa thông tin lên mạng, viết status bằng tên của mình hoặc tên khác. Những phóng viên này sử dụng chuyên nghiệp các kỹ xảo để lan toả thông tin, nêu đích danh doanh nghiệp, doanh nhân. Rõ ràng là lâu nay việc quản phóng viên lên mạng ở nhiều báo còn rất lỏng lẻo…
Thực trạng đáng báo động này đã thúc đẩy công tác rà soát, phát hiện và quyết liệt xử lý các thông tin sai sự thật, vi phạm đạo đức thời gian qua. Năm 2022, lần đầu tiên, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí, chấn chỉnh việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện trách nhiệm chủ quản đối với cơ quan báo chí. Kết quả kiểm tra 07 cơ quan chủ quản báo chí cho thấy nhiều bất cập cần chấn chỉnh như: Chưa bảo đảm điều kiện hoạt động ban đầu cho cơ quan báo chí theo đề án xin phép hoạt động báo chí; dấu hiệu buông lỏng quản lý ở một số cơ quan chủ quản, để cơ quan báo chí vi phạm trong thời gian dài; cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí không có tổ chức Đảng, hoặc có tổ chức Đảng nhưng lại không trong cùng một hệ thống (tổ chức Đảng của cơ quan chủ quản và tổ chức Đảng của cơ quan báo chí trực thuộc các đảng ủy, đảng bộ khác nhau), hạn chế trong việc thống nhất chỉ đạo, định hướng về thông tin, tổ chức bộ máy, nhất là công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí…
Đặc biệt, thực trạng đạo đức báo chí ngày một xuống cấp rất nóng với muôn hình vạn trạng, Quy định số 101/QĐ-TW về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí vừa được ban hành mới đây cũng “nóng” không kém. Theo các lãnh đạo báo chí đánh giá thì đây là một cách chấn chỉnh, siết kỷ cương trong hoạt động báo chí thực sự đi vào thực chất. Không ít lãnh đạo báo chí phải rốt ráo “soi” lại bản thân, “căn chỉnh” lại mình và “chấn chỉnh” lại mọi hoạt động của đơn vị. Bởi với quy định này, những cơ quan báo chí có phóng viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp bị xử lý về pháp luật sẽ xem xét cả trách nhiệm của người đứng đầu, thậm chí cả trách nhiệm của cơ quan chủ quản… Nếu do quản lý lơ là thì đó lại là một chuyện, nhưng nếu tiếp tay, đứng sau, thậm chí là hỗ trợ phóng viên vi phạm đạo đức và thực hiện tống tiền thì cách xử lý sẽ phải khác vì lúc đó đã trở thành tòng phạm.
3. Trên thực tế, có thể nói chưa khi nào số lượng cơ quan báo chí bị xử phạt nhiều như giai đoạn mấy năm trở lại đây, trong đó một bộ phận người làm báo đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tha hóa; nhiều nhà báo lợi dụng nghề để vụ lợi… bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam, bị xử lý kỷ luật và tước thẻ… Hành vi vi phạm này đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan báo chí hoạt động nghiêm túc, làm nghề thực sự. Đau xót vì những “con sâu” đang làm hỏng “nồi canh” nhưng đau xót hơn nữa khi chúng ta đang mất dần niềm tin nơi độc giả do sự “lạm quyền” của một bộ phận phóng viên trong tác nghiệp. Không chỉ là những vụ việc đã thành án mà tiềm ẩn trong tác nghiệp của một số phóng viên còn là những mánh khóe, những cách thức tống tiền mang danh người cầm bút cũng biến hóa khôn lường… Vì thế mà diện mạo và gương mặt người làm báo đâu đó cũng đã trở nên méo mó, thật giả lẫn lộn.
Câu hỏi thao thiết là, điều gì khiến một số người làm báo ngày càng trở nên đáng sợ trong con mắt của người dân, doanh nghiệp? Điều gì khiến một bộ phận người làm báo bẻ cong ngòi bút, quên đi trách nhiệm của mình dẫn đến vị thế, hình ảnh nghề nghiệp bị coi thường, rẻ rúng trong con mắt công chúng? Trả lời được câu hỏi ấy sẽ thấy thấm thía điều mà cố nhà báo Hữu Thọ chia sẻ trong cuốn “Đèn xanh – Đèn đỏ”: “Trong nghề buôn đừng bao giờ buôn chữ. Nghèo đói có thể bán thứ này thứ khác nhưng không bao giờ bán ngòi bút. Làm nghề báo mà bán bút là bán tất cả. Trước đây người ta hay nói, “nhà giáo, nhà báo, nhà văn, cộng ba nhà ấy thành ba nhà nghèo”. Nhưng xem ra, có một số nhà báo không nghèo nữa, thậm chí có người rất giàu”. “Xem ra” là chữ dùng với cảm thán thật chua xót, cũng phần nào lý giải về nguyên nhân của thực trạng này.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra môi trường truyền thông mở, sự xuất hiện của các loại hình truyền thông mới tạo áp lực cạnh tranh ngày càng cao, đòi hỏi báo chí cách mạng phải nỗ lực hơn nữa để vượt qua thách thức, thích ứng với xu thế phát triển, khẳng định rõ vai trò trong thời kỳ mới. Đồng thời, luôn luôn nhìn rõ, nhìn thẳng thắn vào nội tại của nghề nghiệp để “soi và sửa mình”, để sàng lọc, để cùng nhìn về một hướng… vì đất nước, vì nhân dân. Bởi Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, qua nhiều thăng trầm luôn là một nền báo chí của dân, vì dân.
“Đảng ta coi báo chí là ngọn cờ, là vũ khí đi đầu trong công tác tư tưởng , là phương tiện giao lưu, hội nhập quốc tế. Đảng giao cho báo chí vai trò giám sát xã hội. Đảng coi người làm báo là chiến sĩ. Sự tin cậy ấy cắt nghĩa vì sao báo chí luôn có mặt ở tuyến đầu cuộc chiến đấu cứu nước, giữ nước, thống nhất non sông trước đây và sự nghiệp xây đắp cuộc sống mới hôm nay” – nhà báo Phan Quang từng chia sẻ. Vậy nên trong lúc có rất nhiều sức ép, thách thức thì người làm báo cách mạng lại nghĩ về Bác, về Đảng, về nhân dân, nghĩ về lý do tồn tại, để nỗ lực lấy lại niềm tin nơi công chúng, giữ vững giá trị cốt lõi, giữ gìn tính cách mạng trong mạch nguồn văn hóa nghề nghiệp. Từ đó, gạt đi những nỗi đau xót, nhìn ra con đường cần phải kiên định xây dựng và bồi đắp thì ắt hẳn không có thế lực đen tối nào có thể cản bước, cũng không có cạm bẫy nào có thể khiến người làm báo gục ngã. Giữ được phẩm chất đạo đức thì mới có thể bảo vệ các giá trị tốt đẹp của ngòi bút, của thông tin là sự trung thực, khách quan, chính xác, nhân văn. Và chắc chắn, trên hành trình ấy sẽ luôn vang vọng lời Bác Hồ kính yêu “Nhà báo trước hết là người cán bộ cách mạng!”; “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng, Phải giữ đạo đức cách mạng mới là người cán bộ chân chính. Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức hay không?”…
Sông Mây