Một trong những điểm nổi bật của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là chuyển trọng tâm từ việc kiểm tra kiến thức và kỹ năng sang đánh giá năng lực thực tiễn của người học. Dự kiến đầu tháng 3 tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sẽ ban hành công văn hướng dẫn tổ chức thi để các địa phương, nhà trường sẵn sàng tâm thế.
Thầy trò chủ động ôn tập
Thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã được thực hiện từ sớm, từ xa. Cơ bản hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đã được ban hành.
Về đề thi và ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi, Cục Quản lý chất lượng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho giáo viên trên toàn quốc. Hiện thầy cô đã làm quen với hình thức đánh giá năng lực theo đúng Chương trình GDPT 2018.
So với những năm trước, đề thi tham khảo năm nay được công bố sớm trước 5 tháng, từ tháng 10/2024. Căn cứ vào 18 đề tham khảo, giáo viên đã chủ động dạy và cho học sinh ôn tập ngay từ đầu năm học. Đến nay, các địa phương đã cho học sinh lớp 12 đăng ký thi thử lần 1 các môn dự kiến chọn thi tốt nghiệp THPT (ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn) và tổ chức học, thi thử theo dạng thức thi của Bộ GDĐT đã công bố.

Theo ông Huỳnh Văn Chương, đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học và xã hội, giúp thí sinh không chỉ ghi nhớ kiến thức mà còn biết cách áp dụng vào thực tiễn. Tỷ lệ phân bố câu hỏi cũng có sự điều chỉnh với 40% câu hỏi ở mức nhận biết; 30% câu hỏi ở mức thông hiểu; 30% câu hỏi ở mức vận dụng và vận dụng cao; đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp, vừa tạo sự phân hóa cần thiết để phục vụ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Năm nay môn Ngữ văn có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Các đoạn văn, thơ, bài báo hoặc tình huống mang tính thời sự, xã hội sẽ được đưa vào đề thi nhằm kiểm tra khả năng đọc hiểu, cảm thụ của thí sinh. Việc này giúp đánh giá toàn diện tư duy ngôn ngữ thay vì chỉ ghi nhớ nội dung sách vở.
Sớm ban hành hướng dẫn tổ chức thi
Do số lượng môn thi trong kỳ thi tăng so với trước đây và thí sinh được phép chọn 2 môn để dự bài thi tự chọn nên việc sắp xếp phòng thi sẽ phức tạp hơn, công tác coi thi sẽ có nhiều điểm mới. Theo đó, thí sinh sẽ không cần phải thay đổi phòng thi sau mỗi buổi thi như phương án thi từ năm 2024 trở về trước. Thay vào đó, từ năm 2025, thí sinh sẽ chỉ dự thi tại một phòng thi cố định duy nhất trong suốt các buổi thi. Việc này tạo thuận lợi hơn hẳn cho thí sinh khi không phải di chuyển vất vả, theo dõi sát sao để không nhầm phòng thi, tập trung tốt nhất cho kỳ thi. Điều này đã được Bộ GDĐT tính toán kỹ lưỡng cũng như tổ chức nhiều đợt thực nghiệm để tối ưu hóa từ quy trình như bóc đề thi, phát đề thi, thu bài thi cũng như thử nghiệm hệ thống sắp xếp phòng thi nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi đầu tiên theo chương trình mới.
Với những thay đổi quan trọng khi lần đầu tiên áp dụng theo Chương trình GDPT 2018 một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, Cục trưởng Huỳnh Văn Chương cho biết trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ ban hành công văn hướng dẫn tổ chức thi, hoàn thiện các hệ thống phần mềm tổ chức thi và thử nghiệm trên diện rộng, kiểm tra đánh giá an ninh, an toàn trước khi đưa vào sử dụng; tiếp tục tập huấn đội ngũ giáo viên để xây dựng câu hỏi thi; tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo tập huấn để các địa phương nắm rõ mô hình, cách thức tổ chức kỳ thi, cấu trúc định dạng đề thi, thời gian thi, lịch thi…
Bộ GDĐT yêu cầu các địa phương chú trọng tổ chức dạy học, đánh giá bám sát chương trình và nội dung thi tốt nghiệp THPT, tổ chức thi thử để giáo viên, học sinh làm quen với cách thức tổ chức thi. Trong bối cảnh kỳ thi sẽ không chỉ đánh giá kiến thức mà còn chú trọng năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn, các trường THPT cần chủ động đổi mới trong công tác ôn luyện để giúp học sinh dễ dàng tiếp cận và giải quyết các tình huống trong đề thi. Đặc biệt, cùng với việc bám sát chuẩn kiến thức và năng lực của từng môn học, bài học, tiết học; công tác kiểm tra đánh giá cũng cần được đổi mới toàn diện, từ việc ra đề đến cách thức chấm điểm, sao cho phù hợp với ma trận đề thi mà Bộ GDĐT đã công bố.
Nguồn: https://daidoanket.vn/thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-nhung-doi-moi-dang-mong-doi-10300424.html