Để bảo vệ sức khỏe dịp tết, nhất là ở người có bệnh tim mạch chuyển hóa, mọi người có thể tham khảo phương pháp và mẹo ứng phó khi có các biểu hiện phát bệnh dưới đây.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Diễm Hương, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3, một số bệnh có khả năng trở nặng những ngày tết và sau tết do chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng bị đảo lộn, cụ thể:
Tăng đường huyết
Triệu chứng: Nhanh đói, khát nước, tiểu đêm nhiều lần, người mệt mỏi; có thể kèm theo triệu chứng mắt mờ, chân tay tê bì, bứt rứt, cảm giác khó thở, hồi hộp…
Cách xử trí: Uống nhiều nước để đào thải bớt lượng đường trong máu ra ngoài qua nước tiểu. Bệnh nhân suy thận hoặc suy tim, không nên áp dụng cách này.
Uống thêm 1 ly trà xanh (có thể thêm 2-3 lát gừng) mỗi ngày.
Đi bộ 30-60 phút để thúc đẩy khả năng tiêu hao glucose.
Điều chỉnh lại chế độ ăn và theo dõi đường huyết tại nhà, đến thăm khám sớm tại cơ sở y tế nếu tình trạng chưa được kiểm soát hoặc có dấu hiệu tăng cao.
Tăng huyết áp
Nếu huyết áp tâm thu cao trên 140 mmHg nhưng dưới 160 mmHg: Người bệnh có thể theo dõi tại nhà, hạn chế đi lại, chủ yếu nghỉ ngơi, cần tiếp tục dùng thuốc huyết áp trong ngày theo toa điều trị. Hạn chế ăn mặn, không hút thuốc lá, tránh lo âu… để huyết áp về ổn định. Nếu vẫn còn bất thường, nên đi tái khám sớm để bác sĩ điều chỉnh thuốc cho phù hợp.
Nếu huyết áp tâm thu cao trên 160 mmHg: Người bệnh cần sử dụng thuốc hạ áp có sẵn tại nhà đã được tham khảo bác sĩ từ trước. Trong thời gian này, bệnh nhân cần nghỉ ngơi và theo dõi huyết áp. Trong trường hợp huyết áp vẫn còn cao hoặc không có thuốc kiểm soát huyết áp tức thời, nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm nhất có thể.
Nếu huyết áp tâm thu cao vượt quá 180 mmHg và hoặc huyết áp tâm trương trên 120 mmHg, kèm theo các dấu hiệu đau đầu dữ dội, rối loạn thị giác, khó thở, đau ngực hoặc các dấu hiệu thần kinh bất thường…, cần lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong thời gian đợi cấp cứu đến, để người bệnh ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái, đầu cao hơn tim, thường là tư thế nửa nằm nửa ngồi; đồng thời, nới lỏng quần áo, thắt lưng, cà vạt…
Cơn đau thắt ngực
Biểu hiện: Bệnh nhân có cảm giác tức ngực như có gì bóp, đè chẹn sau xương ức hoặc phía bên tim.
Đau lan lên hai vai, lên hai bên quai hàm dưới ra phía trong tay trái, lên cổ.
Trường hợp không điển hình, cơn đau xuất hiện bên phải, ở vùng thượng vị mà có khi nhầm là cơn đau dạ dày cấp. Cũng có khi đau ở bả vai, cổ tay và cổ.
Có cảm giác bồn chồn, hốt hoảng, lo sợ.
Thời gian đau kéo dài từ vài giây đến 10, 15 phút. Bình thường, cơn đau khỏi rất nhanh, bệnh nhân có thể đi lại được bình thường nhưng nếu gắng sức, cơn đau lại tái phát.
Cách xử trí: Khi đang đau, bệnh nhân cần phải dừng mọi cử động, nằm yên hoặc theo tư thế nửa nằm nửa ngồi, tránh di chuyển, thường chỉ nghỉ ngơi như vậy cũng có thể hết đau. Nếu cơn đau kéo dài hơn 20 phút, nên cảnh giác vì có thể bị nhồi máu cơ tim, cần phải đi bệnh viện ngay.
“Trong dịp tết, người bệnh tim mạch chuyển hóa nên duy trì chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi điều độ, đặc biệt tuân thủ chế độ thuốc mà bác sĩ điều trị đặt ra. Nếu có đi chơi hoặc du lịch dài ngày, cần chuẩn bị thuốc và uống thuốc đầy đủ để phòng tránh các biến cố có thể xảy ra”, bác sĩ Diễm Hương lưu ý.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-dieu-nen-lam-khi-bi-tang-huyet-ap-tang-duong-huyet-ngay-tet-185250201163519764.htm