(CLO) Cơ quan giám sát dữ liệu của Hàn Quốc và Ireland vừa tuyên bố sẽ yêu cầu startup trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc DeepSeek làm rõ cách họ xử lý thông tin cá nhân của người dùng.
Động thái này diễn ra khi nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu chú ý đến dịch vụ AI này.
DeepSeek tự tin tuyên bố rằng chatbot R1 của họ có khả năng cạnh tranh với các mô hình AI tiên tiến nhất của Mỹ, nhưng với mức đầu tư chỉ bằng một phần nhỏ so với các công ty công nghệ Mỹ.
Thông tin này đã khiến thị trường công nghệ biến động mạnh, trong đó cổ phiếu của Nvidia lao dốc 17% vào thứ Hai, làm dấy lên nhiều nghi vấn về hàng trăm tỷ USD mà các công ty Mỹ đã đầu tư vào AI trong những năm gần đây.
Một quan chức thuộc Ủy ban Bảo vệ Thông tin Cá nhân Hàn Quốc cho biết cơ quan này sẽ gửi yêu cầu chính thức vào thứ Sáu (31/1) để thu thập thông tin về cách DeepSeek xử lý dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, vị quan chức này không cung cấp thêm chi tiết.
Tại châu Âu, Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland (DPC) cũng yêu cầu DeepSeek giải trình về cách thức xử lý dữ liệu của người dùng tại Ireland. Đây là cơ quan giám sát công nghệ hàng đầu của châu Âu, do nhiều tập đoàn lớn đặt trụ sở tại Ireland để hưởng các chính sách thuế ưu đãi của Dublin.
Trước đó, Ý đã mở cuộc điều tra và chặn DeepSeek R1 thu thập dữ liệu của người dùng tại nước này. Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Italy đặt câu hỏi về nguồn dữ liệu DeepSeek sử dụng để huấn luyện AI, cũng như cách công ty này thông báo cho người dùng về việc xử lý dữ liệu cá nhân.
Tại Pháp, cơ quan giám sát dữ liệu CNIL cũng cho biết họ sẽ yêu cầu DeepSeek cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động của chatbot này và các rủi ro liên quan đến bảo vệ dữ liệu.
Còn tại Úc, Bộ trưởng Khoa học Ed Husic đã bày tỏ lo ngại về quyền riêng tư của DeepSeek và khuyến cáo người dùng cần suy nghĩ kỹ trước khi tải về ứng dụng này. “Có rất nhiều câu hỏi về chất lượng, sở thích người tiêu dùng và quản lý dữ liệu mà chúng ta cần giải quyết trong thời gian tới”, ông Husic nói trên kênh ABC.
Hành động của các quốc gia này làm gợi nhớ lại vụ việc Ý từng tạm thời cấm ChatGPT vào tháng 3/2023 do lo ngại về quyền riêng tư, trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên áp đặt lệnh cấm đối với AI của OpenAI.
Việc DeepSeek trỗi dậy đã khiến thị trường chứng khoán Seoul chao đảo khi mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ dài. Samsung mất hơn 2%, trong khi SK Hynix có thời điểm giảm gần 12%.
Dù vậy, một số nhà lãnh đạo ngành công nghệ vẫn hoan nghênh sự xuất hiện của DeepSeek, cho rằng nó mang đến sự cạnh tranh cần thiết, giúp thúc đẩy sự đổi mới trong ngành AI. Các chuyên gia phân tích cũng đánh giá đây có thể là cú hích giúp thị trường AI toàn cầu trở nên sôi động hơn.
Cao Phong (theo ABC, CNA, CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nhieu-nuoc-dieu-tra-deepseek-ve-cach-xu-ly-du-lieu-nguoi-dung-post332573.html