Hà NộiNhiều giáo viên phụ thuộc vào sách giáo khoa, dạy theo cách cũ và thiếu sự chủ động trong năm đầu lớp 10 học theo chương trình mới, theo Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tại Hội nghị ngày 16/5 về sơ kết một năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) với bậc THPT, ông Nguyễn Xuân Trường, hiệu trưởng trường THPT Thanh Oai A, nói nhiều thầy cô chậm chạp, thiếu chủ động triển khai phương pháp dạy mới. Theo ông Trường, đa số vẫn chú trọng truyền đạt kiến thức, trong khi chương trình mới yêu cầu người dạy tổ chức các hoạt động, giúp học sinh học và phát huy tối đa năng lực, phẩm chất cá nhân.
Cùng quan điểm, hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp, trường THPT Chu Văn An, nhận định không ít giáo viên dạy theo lối mòn, dựa vào kinh nghiệm, chỉ đọc chép. Theo bà Nhiếp, kinh nghiệm rất quan trọng, nhưng không thể chỉ dùng điều này để thực hiện chương trình mới.
Lấy ví dụ với bước giao nhiệm vụ cho học sinh, giáo viên thường hỏi chung chung như “Em cảm nhận thế nào về bài học này?”, trong khi, theo bà Nhiếp, câu hỏi tốt hơn là “Em nhớ những chi tiết nào tả cảnh đẹp?”.
“Mục tiêu, nhiệm vụ phải cụ thể, rõ ràng, từ đó giáo viên mới xác định được mình sẽ dùng phương pháp gì để thực hiện”, bà Nhiếp nói.
Cả nước bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021 với lớp 1, thực hiện cuốn chiếu với các khối lớp khác, song song với việc thay sách giáo khoa. Năm học 2022-2023 là lần đầu bậc THPT học theo chương trình mới với lớp 10.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đánh giá việc giáo viên chưa thích ứng, đổi mới tư duy, phương pháp dạy là rào cản khi triển khai chương trình mới. Khi thầy cô quá phụ thuộc sách giáo khoa, sách giáo viên, việc xây dựng bài giảng sẽ máy móc, nặng nề, xa rời mục tiêu cần đạt là phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nhiều giáo viên có tổ chức hoạt động nhưng lại nặng hình thức hoặc không phù hợp với khả năng, quỹ thời gian của các em. Điều này cũng khiến học sinh quá tải, giảm hứng thú.
Theo Sở, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là thói quen “học gì thi nấy” đã tồn tại lâu nay, khiến người dạy cũng chưa thể thay đổi ngay lập tức. Theo hiệu trưởng Nguyễn Xuân Trường, một phần còn do các trường chưa có tiêu chí để đánh giá về phương pháp dạy nên giáo viên vẫn chọn dạy theo cách cũ “cho an toàn”.
Ngoài ra, Sở đánh giá một số môn học, chuyên đề như Giáo dục thể chất, Giáo dục kinh tế – pháp luật có nhiều nội dung và cách tiếp cận mới, đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo hơn so với những gì được viết trong tài liệu. Tuy nhiên, thời gian bồi dưỡng, cập nhật kiến thức không nhiều.
Để khắc phục tình trạng này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương yêu cầu các trường THPT rà soát chất lượng giáo viên; tăng số lượng, hình thức và quy mô tập huấn, bồi dưỡng; chú trọng việc kết nối, học tập và chia sẻ kinh nghiệm từ các trường bạn.
Đây là cách trường THPT Bất Bạt đang áp dụng. Hiện, trường này và trường THPT Cầu Giấy trao đổi học liệu, tổ chức hội thảo triển khai chương trình mới. Còn trường THPT Thanh Oai A tổ chức dạy mẫu cho giáo viên hoặc dự giờ để góp ý. Hiệu trưởng Nguyễn Xuân trường nói mục tiêu trong năm học tới là tất cả giáo viên thành thạo việc triển khai các phương pháp dạy mới theo yêu cầu của chương trình.
“Khi đó, việc so sánh, đánh giá chất lượng giáo viên sẽ chính xác hơn”, ông Trường nói.
Giám đốc Trần Thế Cương nhận định kỳ vọng của xã hội, người dân rất lớn, nên ngành giáo dục luôn đối mặt sức ép nhất định. Dù vậy, đổi mới cần quá trình, một năm vẫn là thời gian ngắn để thay đổi toàn diện giáo dục. Trong hai năm tới, chương trình mới sẽ được áp dụng lần lượt với lớp 11 và 12 ở bậc THPT.
Thanh Hằng