Trong suốt những năm tháng qua, Samsung đã không ngừng đổ vốn đầu tư để đưa Việt Nam trở thành một cứ điểm chiến lược toàn cầu. Nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam này cũng đã rất nỗ lực trong đào tạo nhân tài công nghệ và hỗ trợ nâng tầm doanh nghiệp Việt, để có thể sát cánh cùng Việt Nam trên con đường đi tới thịnh vượng.
Samsung – nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam: Cùng Việt Nam vươn mình
Trong suốt những năm tháng qua, Samsung đã không ngừng đổ vốn đầu tư để đưa Việt Nam trở thành một cứ điểm chiến lược toàn cầu. Nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam này cũng đã rất nỗ lực trong đào tạo nhân tài công nghệ và hỗ trợ nâng tầm doanh nghiệp Việt, để có thể sát cánh cùng Việt Nam trên con đường đi tới thịnh vượng.
Cứ điểm chiến lược
Khi năm mới 2025 vừa sang, Samsung Display đã chính thức nhận chứng nhận đăng ký đầu tư để tăng vốn đầu tư cho nhà máy đang được đặt tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Khoản đầu tư tỷ USD này đã như một lời khẳng định cho cam kết biến Việt Nam trở thành cứ điểm chiến lược của Samsung trên toàn toàn cầu.
Bắt đầu đầu tư lớn vào Việt Nam năm 2008, với ban đầu chỉ là một nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh, sau gần 17 năm, giờ đây, Samsung đã có 6 nhà máy, một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và một pháp nhân bán hàng tại Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn, không chỉ đơn thuần là cứ điểm sản xuất, Việt Nam đã chính thức trở thành cứ điểm chiến lược, đảm nhận song hành nhiệm vụ sản xuất và R&D của Samsung toàn cầu. Và giờ đây, cứ điểm chiến lược Việt Nam đang tiếp tục nhận thêm “nhiệm vụ mới”.
Còn nhớ, hồi tháng 7/2024, trong khuôn khổ chuyến công du Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae Yong. Tại cuộc gặp này, Chủ tịch Lee Jae Yong cho biết, Samsung có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ trong 3 năm tới để nhà máy tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của Tập đoàn trên toàn cầu.
Như vậy, chỉ một thời gian ngắn sau cuộc gặp đó, Samsung đã bắt đầu hiện thực hóa kế hoạch này. Với khoản đầu tư lên tới hàng tỷ USD, Samsung Display Việt Nam sẽ trở thành cơ sở sản xuất màn hình lớn nhất thế giới của Samsung. Và điều đó cũng có nghĩa, Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất các thiết bị di động, cứ điểm R&D, mà còn là cứ điểm sản xuất các loại màn hình thế hệ mới của Samsung toàn cầu.
“Trong 36 năm, kể từ khi sản xuất chiếc điện thoại di động đầu tiên vào năm 1988, Samsung toàn cầu đã sản xuất được khoảng 6,3 tỷ sản phẩm. Trong khi đó, chỉ trong thời gian ngắn, cả hai nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đã đạt được tổng sản lượng gần 2 tỷ sản phẩm”, một lãnh đạo của Samsung Việt Nam đã hồ hởi “khoe” như vậy.
Trong câu chuyện của mình, các nhà lãnh đạo của Samsung Việt Nam thường không giấu nổi niềm tự hào về sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của Samsung tại Việt Nam. Chỉ hơn chục năm trước, khu vực Khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên) chỉ là những cánh đồng chè, nhưng giờ đây, đã vươn mình trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại lớn nhất Việt Nam. Bắc Ninh cũng thế, gần 20 năm trước, khu vực quanh Khu công nghiệp Yên Phong vẫn là những khu đất trống. Nhưng giờ đây, là những nhà máy hiện đại bậc nhất sừng sững mọc lên, đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất thiết bị di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu. Hiện tại, khoảng 55% thiết bị di động của Samsung được sản xuất tại Việt Nam.
Ngoài sản xuất thiết bị di động, các nhà máy của Samsung Việt Nam còn sản xuất tất cả các linh kiện quan trọng để tạo ra chiếc điện thoại di động, bao gồm cả các linh kiện cốt lõi nhất, ví như vỏ điện thoại kim loại. Trước đây, Samsung Việt Nam chỉ sản xuất 50%, nhưng hiện giờ chịu trách nhiệm sản xuất toàn bộ điện thoại kim loại cho Samsung toàn cầu. Bên cạnh đó, công đoạn FTG – độc quyền tại Việt Nam – cũng đảm bảo cung ứng toàn bộ nhu cầu về kính cho các sản phẩm của Samsung.
“Các nhà máy của Samsung ở Việt Nam là nhà máy ‘all in one’ duy nhất trên toàn cầu. Chúng tôi có thể chủ động từ linh kiện nhỏ nhất, đến sản xuất thành phẩm ở Việt Nam. Chỉ duy nhất Samsung Việt Nam làm được điều này. Vì thế, năm 2022, chúng tôi chỉ mất 3 tháng để sản xuất hoàn chỉnh sản phẩm Samsung Galaxy S22”, lãnh đạo Samsung Việt Nam chia sẻ.
Trí tuệ Việt trong thương hiệu toàn cầu
Samsung, vào ngày 23/1/2025, đã giới thiệu ra thị trường dòng Galaxy S series thế hệ mới nhất. Nhiều năm nay, các nhà máy của Samsung Việt Nam vẫn luôn được giao sản xuất những dòng sản phẩm cao cấp nhất, bao gồm cả dòng Galaxy Z Fold và dòng Galaxy Z Flip. Việc “phân công sản xuất” cũng đã được thực hiện giữa hai nhà máy, nếu như SEVT là “thủ phủ” của Galaxy Z Flip, thì Bắc Ninh là “thủ phủ” của dòng Galaxy Fold.
Ngay khi nhận “lệnh” của Samsung toàn cầu, cả hai nhà máy SEV và SEVT sẽ phải gấp rút chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo sản xuất tốt nhất, xuất hàng đúng thời gian và đảm bảo chất lượng khắt khe của dòng sản phẩm mới.
“Nhiều năm trước, Samsung Việt Nam cần rất nhiều sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài. Họ đến các nhà máy của chúng tôi để bàn giao công nghệ, quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm và hỗ trợ xây dựng các dây chuyền sản xuất. Nhưng hiện nay, bằng tinh thần học hỏi không ngừng, chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ tiên tiến và ứng dụng vào dây chuyền sản xuất hàng loạt”, Dương Ngọc Duy, Trưởng Bộ phận Sản xuất SEVT nói và cho biết, tập đoàn mẹ ở Hàn Quốc giờ đây hoàn toàn đặt niềm tin vào các nhà máy ở Việt Nam trong sản xuất các mẫu sản phẩm chiến lược cao cấp nhất.
Mà cũng không chỉ là sản xuất, kể từ khi Trung tâm R&D được đưa vào hoạt động, thì dấu ấn của các kỹ sư, nhân viên sản xuất Việt trong một sản phẩm mang thương hiệu toàn cầu càng lớn hơn nữa.
Năm ngoái, các kỹ sư Việt Nam ở Trung tâm R&D đã gây dấu ấn đặc biệt khi được tham gia Dự án AI dành cho dòng điện thoại Galaxy S24, với một trong những tính năng quan trọng là phiên dịch trực tiếp, trợ lý phiên dịch, trợ lý chat thông minh. Dù trước đó các kỹ sư của Trung tâm R&D đã từng được tham gia nhiều dự án quy mô toàn cầu, như phát triển ứng dụng SmartThings, hay các dự án kiểm thử cho các mẫu điện thoại flagship…, nhưng dự án AI là một dấu ấn rất đặc biệt, một bước ngoặt lớn.
Khi Samsung ngày càng đặt trọng tâm vào việc phát triển AI trong các dòng sản phẩm, thậm chí với dòng Galaxy S series mới, Samsung còn gọi đó là “chương mới của AI di động”, thì các kỹ sư Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội được đóng góp hơn nữa trí tuệ Việt cho các sản phẩm công nghệ đỉnh cao.
Trí tuệ Việt đã góp phần không nhỏ đưa Samsung Việt Nam ngày càng thành công trong các hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh, qua đó đóng góp lớn cho kinh tế – xã hội Việt Nam. Không chỉ đóng góp lớn cho xuất khẩu, Samsung còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và đưa Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Chỉ riêng trong năm 2024, doanh số của các nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên đã đạt trên 58 tỷ USD, bất chấp những ảnh hưởng từ sự suy giảm của thị trường toàn cầu.
Chăm chút cho “ngôi nhà thứ hai”
Cùng với những thành tích đáng tự hào trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, Samsung luôn coi trọng các hoạt động trách nhiệm xã hội (CRS). Coi Việt Nam là “ngôi nhà thứ hai”, nỗ lực “chăm chút” cho ngôi nhà của mình, nên Samsung đã liên tục duy trì và phát triển cả về quy mô đầu tư và tần suất thực hiện các dự án CSR với tầm nhìn xuyên suốt: Together for Tomorrow, Enabling people (Cùng nhau vì ngày mai, trao quyền cho mọi người). Từ các chương trình đào tạo nhân tài công nghệ tương lai đến các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho cộng đồng, Samsung đã và đang hiện thực hóa cam kết đồng hành và phát triển bền vững cùng Việt Nam.
Nhớ hôm Samsung tổ chức Ngày hội Samsung CSR lần thứ hai, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, đã không ngừng bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực của Samsung trong thực hiện các dự án vì cộng đồng tại Việt Nam.
“Mong rằng, với tiềm lực lớn mạnh của mình, thời gian tới, Samsung tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác, thực sự trở thành cầu nối quan trọng trong quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nói.
Còn các nhà lãnh đạo Samsung Việt Nam thì hiểu rằng, với Samsung, Việt Nam không chỉ đơn thuần là thị trường đầu tư, mà còn là mảnh đất nuôi dưỡng các doanh nghiệp, do đó, Samsung đã không ngừng nỗ lực để bồi đắp mảnh đất này.
Nỗ lực bồi đắp bằng các dự án như “Ngôi trường Hy vọng Samsung”, hay hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Trong đó, Ngôi trường Hy vọng Samsung là một trong những dự án nhận được rất nhiều tình cảm yêu mến của người dân Việt Nam. Bởi từ khi các Ngôi trường Hy vọng Samsung Việt Nam được xây dựng, cho đến nay là ở 4 địa phương, ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang và Lạng Sơn, hơn 5.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được tiếp cận các chương trình giáo dục toàn diện, được sinh hoạt và học tập trong điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, an toàn và lành mạnh. Hai ngôi trường tiếp theo ở Bình Phước và Đà Nẵng cũng đã và đang trong quá trình triển khai. Sẽ có thêm nhiều hơn nữa những trẻ em Việt Nam được tiếp cận những cơ hội học hành, mở ra tương lai tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, các chương trình như Hiến máu tình nguyện, CSR Kiosk, hỗ trợ đồng bào bão lụt… cũng đã được Samsung và hàng chục ngàn nhân viên Samsung nỗ lực thực hiện. Bằng cách đó, Samsung đang hiện thực hóa cam kết đồng hành và phát triển bền vững cùng Việt Nam.
Cùng Việt Nam vươn mình
Khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo đang được coi là “chìa khóa vàng” để Việt Nam vươn mình. Trong đó, một trong những nhiệm vụ hàng đầu, đó là nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Samsung, từ nhiều năm nay, đã luôn nỗ lực hết mình để hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Nguyễn Ngọc Hùng, một trong những kỹ sư tham gia dự án AI ở Trung tâm R&D của Samsung chính là một trong những người nhận được sự hỗ trợ đào tạo của Samsung. Khi còn là sinh viên Đại học Bách khoa, Hùng đã được nhận học bổng của Samsung. Sau khi tốt nghiệp, Hùng đã đến Samsung làm việc, cho đến nay đã được hơn 10 năm.
Trong khi đó, Lê Hoàng Tuấn cũng đã trở thành một trong hàng ngàn kỹ sư đang làm việc tại Trung tâm R&D của Samsung. Năm 2023, Đội thi WARRIOTS từ Đại học Duy Tân – Đà Nẵng của Lê Hoàng Tuấn đã xuất sắc trở thành một trong hai đội chiến thắng của Cuộc thi Sáng tạo khoa học – công nghệ Innovation Tech Challenge – 2023, thuộc khuôn khổ Dự án Phát triển nhân tài công nghệ Samsung Innovation Campus (SIC), mà Samsung nỗ lực triển khai nhiều năm nay.
Theo chia sẻ của Lê Hoàng Tuấn, đam mê công nghệ của em đang dần được hiện thực hóa, nhờ các cuộc thi và các khóa đào tạo nhân tài công nghệ của Samsung. “Các khóa học SIC được thiết kế bài bản, linh hoạt, cho phép người học ứng dụng kiến thức để tạo ra các sản phẩm riêng. Ngoài ra, chúng tôi còn được rèn luyện nhiều kỹ năng mềm trong suốt quá trình học”, Tuấn chia sẻ.
Không chỉ được học hỏi từ các khóa học, từ các cuộc thi, kể cả khi đã vào Samsung làm việc, Tuấn tiếp tục được đào tạo để nâng cao trình độ. “Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để biến niềm đam mê công nghệ thành những sản phẩm có giá trị, góp phần vào sự phát triển của Công ty”, Tuấn nói.
Cùng với Tuấn, kể từ năm 2019 tới nay, đã có hơn 12.000 học sinh, sinh viên đến từ 95 trường học tại 21 tỉnh, thành phố trên cả nước đã được đào tạo và phát triển năng lực công nghệ cao thông qua Dự án SIC của Samsung Việt Nam.
Là chương trình giáo dục công nghệ thông tin toàn cầu dành cho giới trẻ, SIC tập trung nuôi dưỡng các tài năng trẻ bằng cách trang bị những kỹ năng cốt lõi và khả năng giải quyết vấn đề, giúp họ phát triển bền vững trong tương lai. Chương trình cung cấp các khóa học chuyên sâu về phát triển năng lực công nghệ, dành cho thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 14 đến 24, góp phần thúc đẩy thế hệ trẻ Việt Nam tiến xa hơn trong lĩnh vực công nghệ.
Bên cạnh Samsung Innovation Campus, Samsung còn triển khai nhiều hoạt động bồi dưỡng thế hệ trẻ tương lai khác. Chẳng hạn, Cuộc thi Solve for Tomorrow là nơi học sinh được khuyến khích ứng dụng kiến thức STEM để đưa ra giải pháp thực tiễn cho các vấn đề xã hội và cộng đồng địa phương. Hay các dự án như Huấn luyện thí sinh tham dự Kỳ thi Tay nghề thế giới, rồi Ngôi trường Hy vọng… Tất cả đều thể hiện nỗ lực của Samsung trong việc đồng hành cùng thế hệ trẻ Việt Nam trên con đường xây dựng tương lai.
Cùng với các hoạt động bồi dưỡng thế hệ trẻ, với triết lý “đồng thịnh vượng”, các hoạt động trách nhiệm xã hội của Samsung cũng đã được triển khai nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng chuỗi cung ứng. Bắt đầu từ năm 2015, Samsung đã triển khai nhiều chương trình nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.
Tính đến nay, đã có 379 doanh nghiệp Việt Nam được hỗ trợ cải tiến sản xuất, 406 chuyên gia tư vấn năng suất/chất lượng hoàn thành khóa đào tạo, 209 kỹ sư khuôn mẫu được nâng cao tay nghề, hoàn thành đào tạo cho 123 chuyên gia tư vấn nhà máy thông minh và hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh cho 72 doanh nghiệp. Hiện, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 306 doanh nghiệp vào cuối năm 2023…
Không chỉ đóng góp trực tiếp cho kinh tế – xã hội, mà quan trọng hơn, góp phần đào tạo, bồi dưỡng nhân tài công nghệ và hỗ trợ nâng tầm doanh nghiệp Việt. Samsung đã đưa các chàng trai, cô gái Việt vào công xưởng, nhà máy và hơn cả là các trung tâm R&D, trao cho họ các cơ hội tương lai. Samsung cũng đã đưa các doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, qua đó, góp phần quan trọng “nâng chất” nền kinh tế Việt Nam. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể vươn mình giàu mạnh. Và đó cũng chính là cách để Samsung cùng Việt Nam vươn mình…
Nguồn: https://baodautu.vn/samsung—nha-dau-tu-nuoc-ngoai-lon-nhat-viet-nam-cung-viet-nam-vuon-minh-d243078.html