Công tác chuẩn bị nguồn hàng, điều hành thị trường Tết Ất Tỵ được đánh giá là thành công khi nguồn hàng được chuẩn bị đầy đủ, giá cả ổn định.
Chuẩn bị từ sớm, từ xa
Đánh giá cao công tác chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết Ất Tỵ, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, những năm gần đây, công tác chuẩn bị hàng hoá đều được Chính phủ chỉ đạo từ sớm và các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội… chuẩn bị chu đáo. Do đó, nhìn chung, không còn tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Tuy nhiên, nếu nhìn ngược lại về khoảng gần 10 năm về trước, có thể thấy, cứ đến gần Tết, tình trạng sốt giá liên tục xảy ra với nhiều mặt hàng, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết. Thời điểm đó, lực lượng quản lý thị trường phải vào cuộc hết sức vất vả mỗi dịp Tết. Chưa kể, có không ít doanh nghiệp cố tình găm hàng, gây ra tình trạng thiếu ảo, sốt ảo trên thị trường.
“Chính vì vậy, tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị nguồn hàng từ sớm, từ xa của, từ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Công Thương, sự quyết tâm nỗ lực của các Hiệp hội, doanh nghiệp, không chỉ trong dịp Tết Ất Tỵ mà còn nhiều năm gần đây” – chuyên gia Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Nguồn hàng được các doanh nghiệp chuẩn bị từ sớm |
Theo đó, ngay từ cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước quý III/2024 diễn ra vào cuối tháng 9/2024, công tác chuẩn bị hàng Tết Ất Tỵ đã được đưa ra thảo luận.
Sau đó, Bộ Công Thương đã ban hành 12/CT-BCT ngày 20 tháng 11 năm 2024 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trong đó, Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa. Triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm…
Báo cáo tình hình thị trường và công tác phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho thấy, bên cạnh việc ban hành các văn bản chỉ đạo, Bộ Công Thương đã làm việc với Sở Công Thương TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị Tết tại các địa phương, đồng thời đến kiểm tra thực tế tình hình cung ứng hàng hóa tại một số hệ thống phân phối trên địa bàn 2 thành phố.
Tại các địa phương, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BCT của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành có liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết tại địa phương. Đã có 52 tỉnh/thành phố có báo cáo về việc triển khai xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán 2025. Phần lớn các địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường dựa vào nguồn vốn xã hội hoá của doanh nghiệp và thông qua chương trình kết nối với các tổ chức tín dụng để được vay với lãi suất ưu đãi trong thời gian thực hiện chương trình.
Bình ổn thị trường là hoạt động trọng tâm
Song song với chuẩn bị nguồn hàng, nhiều địa phương tổ chức triển khai chương trình bình ổn thị trường với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối chiếm lĩnh thị phần lớn, có sức chi phối thị trường như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Lotte, BRG Mart, AEON…
Theo ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, lượng hàng thiết yếu thực hiện bình ổn thị trường trên địa bàn Thủ đô đáp ứng 35% nhu cầu thị trường trong 01 tháng.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 21% – 32% thời điểm tháng thường và tăng lên 24 – 43% thời điểm tháng tháng Tết, bảo đảm đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngoài việc có kế hoạch tìm kiếm, tạo nguồn hàng, dự trữ hàng hoá từ sớm thì cũng đã sẵn sàng phương án tăng sản lượng cung ứng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ, không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống. Các mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn thị trường chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết như lương thực, thực phẩm (thịt heo, thịt gia cầm, trứng, thực phẩm chế biến…), gia vị (dầu ăn, đường…), bánh, mứt, kẹo…
Nhiều chương trình khuyến mãi được triển khai |
Trong những năm gần đây, chương trình bình ổn thị trường mặc dù được thực hiện chủ yếu dựa trên nguồn lực xã hội hóa từ nguồn vốn tự chủ của doanh nghiệp nhưng vì uy tín của Chương trình trong những năm qua với phương châm hàng hoá chất lượng, giá cả bình ổn và đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia, thực hiện Chương trình và cam kết bình ổn giá mà không cần hoặc ít sử dụng tới sự hỗ trợ về vốn vay của Nhà nước.
Về giá bán, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết cung ứng đủ hàng hóa cho thị trường với giá bán thấp hơn từ 5-10% so với giá thị trường theo từng thời điểm, một số doanh nghiệp cam kết giữ ổn định giá bán trong 1 tháng trước, trong và sau Tết. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, nhất là trong những ngày cận Tết để thúc đẩy sức mua, đồng thời chia sẻ khó khăn với người dân. Tại Hồ Chí Minh, Chương trình “Kết nối tiêu dùng – Lan toả yêu thương” đã nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nghiệp, nhiểu chính sách ưu đãi được áp dụng với hơn 500 mặt hàng giảm giá tới 80%.
Nỗ lực đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Bên cạnh hàng hoá thiết yếu, xăng dầu cũng là mặt hàng được chuẩn bị sẵn sàng phục vụ Tết Ất Tỵ.
Nhằm đảm bảo cung – cầu xăng dầu trong nước, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Bộ Công Thương tổ chức làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam về công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ Tết nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 trong hệ thống của Tập đoàn trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Xuân Hùng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, để đáp ứng nguồn phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Tập đoàn đã nhập mua 1.022.00 m3, tấn xăng dầu.
Đến tháng 1/2025 (tháng Tết), để đảm bảo nguồn phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán, Tập đoàn đã nhập mua khoảng 1.020.000 m3, tấn xăng dầu, trong đó mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước khoảng 650.000 m3; nhập khẩu khoảng 370.000 m3 xăng dầu các loại. Ngoài ra, để chủ động trong công tác đảm bảo nguồn, trong đầu tháng 1/2025, Tập đoàn đã thực hiện tạo nguồn và đưa hàng về các kho cảng trực thuộc khoảng 280.000 m3 xăng các loại và 400.000 m3 DO, tương đương 70-80% đơn hàng trong tháng.
Dự kiến, đến tháng 2/2025, Tập đoàn sẽ nhập khoảng 830.000m3, tấn. Từ đó hoàn toàn đảm bảo đầy đủ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong hệ thống phân phối đồng thời nâng mức dự trữ tồn kho lưu thông đảm bảo mức 23 ngày.
Về công tác điều hành giá xăng dầu, tại kỳ điều hành Mùng 4 Tết Ất Tỵ ngày 01 tháng 02 năm 2025, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định phương án điều hành giá xăng dầu nhằm bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đồng thời tuân thủ quy định tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Với các giải pháp kể trên, thị trường Tết năm nay được đánh giá là ổn định, nguồn hàng dồi dào, giá cả bình ổn.
Còn theo báo cáo nhanh tình hình giá cả thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Bộ Tài chính, có thể đánh giá thị trường Tết năm nay đã thực sự đi vào hình thái mới: Hình thái tiết kiệm, mua đủ dùng, bán đủ hàng, giảm đáng kể tình trạng khan hàng, sốt giá. Thêm vào đó, tại các thành phố lớn, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tiếp tục là những địa điểm được người tiêu dùng lựa chọn do tạo sự yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn.
Theo Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nguồn hàng Tết Ất Tỵ được chuẩn bị tăng lên 20-30% so với ngày thường. Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 ước tăng khoảng 10% so với tháng thường và tăng so với Tết năm trước. |
Nguồn: https://congthuong.vn/thi-truong-tet-at-ty-nguon-hang-day-du-gia-on-dinh-371866.html