Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày do người cao tuổi trong làng thực hiện, theo sau là các thôn nữ đi gieo hạt giống. Đây là lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.
Năm nay, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 2/2/2025 đến ngày 4/2/2025 (tức ngày 5 – 7 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại khu vực chùa Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Theo sử sách ghi chép lại, lễ hội bắt nguồn từ khi vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam vào mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987).
Khi cày ruộng Tịch điền ở Đọi Sơn, vua bắt được chum vàng. Năm 988, nhà vua cày ruộng ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này sau được gọi là Kim Điền, Ngân Điền.
Kể từ đó, Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại về sau thực hiện trang trọng, thành kính như Lý, Trần, hậu Lê. Đặc biệt, đến triều Nguyễn, lễ Tịch điền có nhiều “niêm luật” cụ thể, được tổ chức quy mô, do bộ Lễ chủ trì.
Sau nhiều thời gian dài gián đoạn, từ năm 2009 phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại bài bản và duy trì cho đến nay.
Lễ hội Tịch điền được coi là lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, bởi nó mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong tư tưởng trọng nông, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, khuyến khích người dân chăm chỉ làm ăn trên chính đồng đất quê hương, để có cuộc sống ấm no, sung túc.
![Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ - Ảnh 1.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1738412948_560_Tiet-lo-ve-nguoi-duoc-chon-dong-vai-vua-Le.jpeg)
Lễ Tịch điền mang ý nghĩa khuyến nông đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.
![Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ - Ảnh 2.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Nguon-goc-va-y-nghia-cua-le-hoi-xuong-dong.jpeg)
Sau thời gian dài gián đoạn, từ năm 2009 phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại bài bản và duy trì cho đến nay.
Lễ hội Tịch điền của Hà Nam được tổ chức hàng năm, đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng bởi đây là một lễ hội giàu tính nhân văn, khuyến nông, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng, đề cao tinh thần gần dân, trọng nhà nông, nghề nông…
Theo đó, khi vào nghi lễ chính thức, một vị bô lão đọc văn trình. Tiếp đến là lễ dâng hương lên đàn tế Thần Nông linh vị Vua Lê và các vị phúc thần. Sau nghi lễ bái yết Thần Nông là màn trống khai hội do đội trống nữ làng Đọi Tam biểu diễn kết hợp với múa rồng.
![Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ - Ảnh 3.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Tiet-lo-ve-nguoi-duoc-chon-dong-vai-vua-Le.jpeg)
Buổi lễ tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày do bô lão đức cao vọng trọng trong làng Đọi Sơn thực hiện…
![Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ - Ảnh 4.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1738572320_263_Nguon-goc-va-y-nghia-cua-le-hoi-xuong-dong.jpeg)
…theo sau là các thôn nữ đi gieo hạt giống.
Ngay sau đó, lễ hội tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày do bô lão đức cao vọng trọng trong làng Đọi Sơn thực hiện, theo sau là các thôn nữ đi gieo hạt giống.
Theo đó, các bước tiến hành và diễn trình nghi lễ của lễ hội do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng.
Năm nay lễ hội gồm 2 phần, phần lễ sẽ diễn ra các nghi thức: Lễ cáo yết, Lễ rước nước lên đàn tế, Lễ sái tịnh, Lễ cầu an, Lễ rước kiệu…
Phần hội sẽ có các hoạt động thi đấu thể thao và trò chơi dân gian; hội thi vẽ, trang trí trâu; thi làm bánh dầy của các dòng họ làng Đọi Tam; hội thi cày giỏi; hoạt động trưng bày triển lãm các gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của thị xã và tỉnh…
Nguồn: https://danviet.vn/nguon-goc-va-y-nghia-cua-le-hoi-xuong-dong-lon-nhat-vung-dong-bang-bac-bo-20250203115458255.htm