Bước ra từ tâm bão Ian được như gia đình tôi thì có thể nói là may mắn hơn quá nhiều người. Khoảng 4 – 5 giờ chiều 28-9 (giờ địa phương), khi mắt bão đi ngang North Port, bang Florida, sức gió đo được là 155 dặm/giờ (tương đương 249 km/giờ). Bão Ian trở thành cơn bão lịch sử mà hơn 100 năm khu vực này của Florida mới gặp, với sức mạnh đạt gần cấp 5 theo thang đo 5 cấp Saffir-Simpson.
Từ hai hôm trước khi bão vào, tôi quyết định cho con nghỉ học bởi cảm giác không yên trong bụng, dù đa số dân Florida vốn quen với bão tố tin rằng “Bão sẽ giảm cấp, đừng lo!”. Tôi vẫn sợ, bởi khi bão Irma đánh thẳng vào Clearwater – nơi tôi từng sống – hồi năm 2017, người ta cũng mang niềm tin tương tự.
Irma chỉ đạt cấp 1 khi vào bờ, nhà tôi khi đó cách mắt bão hơn 3 km, vậy mà sau khi bão tan, chúng tôi sống cảnh không điện, không nước suốt 10 ngày với nhiệt độ bên ngoài hơn 35 độ C. Thức ăn thối rữa trong tủ lạnh mà đến 1 tháng sau mùi hôi vẫn còn lởn vởn trong nhà. Tôi đủ kinh nghiệm để hiểu không thể đùa với bão Ian!
Sau bão Ian, con đường trước nhà tôi trở thành sông….
…người dân mang thuyền kayak ra chèo
Tôi và chồng chuẩn bị nước đóng chai và thực phẩm một tuần trước ngày bão dự kiến đổ bộ vì ám ảnh cảnh mọi người chen chúc, giành giật từng chai nước, khúc bánh mì, đến quả chuối, miếng thịt đợt năm 2017. Để quá cận ngày mới gom góp phòng thân là sai lầm.
Những tấm chắn bão được chúng tôi chuẩn bị sẵn chờ ngày cuối gắn lên. Từ cửa sổ tới cửa ra vào được che chắn hết, cần ra ngoài thì dùng cửa nhà xe. Đèn pin, sạc dự phòng, bình gas nấu cơm, bếp gas đều có sẵn.
2 giờ sáng ngày 28-9, gió bắt đầu gào rít. Càng lúc gió càng mạnh, tới 2 giờ chiều, điện chớp nháy. Tôi còn kịp giặt, sấy mớ quần áo sau cùng trước khi điện mất hẳn. 4 giờ chiều — tuy không còn tín hiệu điện thoại lẫn radio, mọi người ai cũng cảm nhận tâm bão đang ở trên đầu mình.
Tiếng gió như tiếng xe lửa rầm rập ngoài cửa. Kiếng rung bần bật. Cây sau nhà nghiêng lắc loạn xạ. Giàn cửa lưới che hồ bơi rách toạc trong gió — một phần văng xuống đáy hồ, một phần bay thẳng lên trời. Cái nhà kho nhỏ chúng tôi chứa máy cắt cỏ cũng lật nghiêng và phần mái bị xé toạc ra khỏi khung kim loại như miếng bánh tráng.
Đứng ở trong nhà, chồng tôi quay video cảnh gió quất ràn rạt bên ngoài
Bên ngoài khung cửa tò vò, nước đã tràn lên tới bãi cỏ, không còn thấy vỉa hè đâu nữa. Bốn chiếc xe của gia đình, mỗi chiếc nặng chừng 2,5 tấn, dập dềnh vì lực cuốn nước lũ.
Và trong dòng nước đó — tôi cứ ngỡ mình nhìn lầm — một con cá sấu dài hơn 2 m thản nhiên bơi. Nó bị nước xô lên cửa nhà tôi, ngáo ngơ nằm đó vài phút cho tỉnh hồn, xong lại lao xuống nước bơi đi. Tôi vừa chụp hình vừa tự hỏi mình mới chứng kiến cái quái gì thế này?
Cứ như thế, chúng tôi ngồi trong ánh sáng lờ mờ của đèn pin, sợ hãi, cảm nhận sức gió rung lắc căn nhà vốn cực kỳ kiên cố, cho đến 9 giờ tối thì gió giảm. Lùa 3 đứa con vào giường mà tôi mừng thầm vì mái nhà vẫn còn trên đầu và vì cơn bão cuốn theo không khí lạnh chứ không hầm hập nóng như đợt Irma 2017. Nhiệt độ tuột xuống còn 15,5 độ C trong đêm. Nhờ đó, chúng tôi ngủ đến sáng.
Ngôi nhà kiên cố của chúng tôi may mắn trụ vững trong bão
Con cá sấu bị nước đánh dạt lên trước cửa nhà tôi
7 giờ sáng hôm sau, khi trời còn tờ mờ và tiếng mưa dứt hẳn, tôi kéo cửa nhà xe chui ra ngoài. Trước mắt tôi là con sông chứ không phải con đường S. Salford quen thuộc. Chỉ nước và nước. Bảng hiệu giao thông, cây cối nằm rạt trong nước. Người dân lôi thuyền kayak ra chèo, một chiếc chở người già đi đâu đó.
Xe bán tải bánh lớn cố gắng rẽ nước đi về phía đường 41, đến đoạn cua cùi chỏ thì ngừng lại, quay đầu vì nước ngập hơn 1,8 m, cả chiếc “xe tải quái vật” (loại xe tải bánh lớn) cũng không thể thoát cảnh nước tràn vào buồng máy. Một người chèo xuồng ghé vào cho tôi hay qua khỏi khúc cua cùi chỏ nước ngập sâu hơn 2 m.
Hơn hai tiếng đồng hồ tôi và chồng đứng ngoài cửa, vừa thu gom cành cây gẫy vừa ra hiệu cho những chiếc xe cố đâm đầu về hướng đường 41, thuyết phục họ quay đầu. 4 chiếc sedan gầm thấp vẫn cố sống cố chết đi tiếp và khựng hẳn giữa đường, bốn bề nước ngập, van vỉ những chiếc bán tải chạy ngang kéo giùm nhưng không ai dám.
Hàng xóm tôi bị mất hàng rào, một nửa nổi lềnh phềnh trong nước, nửa kia bay mất phương nào. Người quen của tôi gọi báo cửa kính của họ bể nát khi tâm bão đi qua nên nhà ướt sũng từ trong ra ngoài. Một người bạn tôi chụp được cảnh cái chòi hóng mát nhà hàng xóm nhảy phắt ra khỏi sân sau, tung cánh lên trời, hai giây sau hạ thổ thành trăm mảnh.
Hình ảnh khu vực ven biển ngập nặng và tan hoang trong bão lũ mà các bạn tôi gửi cho tôi
Khu tôi ở ngập nặng nhưng tính ra vẫn khá hơn vùng ven biển. Tin tức đổ về, với những tấm hình đau lòng sẽ còn ám ảnh nhiều năm sau nữa. Nhà sập, tàu bè đan vào nhau, bể nát thành nhiều mảnh. Những căn hộ cao tầng nước ngập gần đến nóc…
Và câu hỏi to lớn nhất sau khi bão tan — bao giờ chúng tôi có điện, nước trở lại? Bao giờ nước rút để mọi người có thể ra ngoài mua thực phẩm, thuốc men?
Chúng tôi cho nhà bên trái một thùng nước uống vì biết con của họ mới được bốn tháng. Chúng tôi cho nhà bên phải một phần cơm vì bà chủ nhà sống một mình cô đơn với con chó cũng già không kém. Chúng tôi nhìn đống đổ nát quanh nhà, thở dài vì viễn cảnh dọn dẹp không tính bằng ngày mà bằng tuần, bằng tháng.
Biết rằng thành phố này sẽ phải nhọc nhằn trên con đường hồi phục nhưng chúng tôi biết ơn vì mái nhà vẫn còn nguyên, xe cộ vẫn còn nguyên và chúng tôi vẫn có nhau bước ra khỏi cơn bão lịch sử!