Người tiêu dùng Canada ưu tiên mua điều nguyên liệu và chế biến từ Việt Nam

0
257
Người tiêu dùng Canada quan tâm tới hạt điều hữu cơ và thương hiệu riêng
#image_title

Canada có nhu cầu tiêu thụ các loại hạt đã chế biến tăng nhanh qua các năm do nhu cầu ăn sạch, ăn các nguồn đạm thực vật để bảo vệ sức khoẻ. Thị trường Canada nhập khoảng 400 triệu USD/năm các sản phẩm hạt đã chế biến. Mức tăng trưởng của thị trường hạt chế biến giai đoạn 2018-2021 là 16%, trong khi của Việt Nam là 51%, thể hiện hiệu ứng tích cực của CPTPP, giúp Việt Nam có thêm các đơn hàng.

9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều chế biến sang Canada tiếp tục tăng (14,8%) so với cùng kỳ năm 2021, đạt 24,3 triệu USD. Cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hạt điều chế biến của Việt Nam sang Canada đạt trên 30 triệu USD.

Hạt điều của Việt Nam là sản phẩm được người tiêu dùng Canada tin dùng. Ảnh Internet

Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật của thị trường hạt chế biến của Canada là do các nhà sản xuất Canada nắm giữ. Các nhà sản xuất Canada nhập nguyên liệu thô từ các nước và chế biến, đóng gói, một phần tiêu thụ trong nước và một phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ, các nước vùng Caribe và Pháp.

Đối với nhân hạt điều bóc vỏ, Việt Nam là nước có thị phần chủ yếu và ổn định qua các năm, không có nhiều cạnh tranh (78-79%). Năm 2012, Canada chỉ nhập 73 triệu USD giá trị nhân hạt điều thô, con số này đã lên đến 120 triệu USD vào năm 2017 và đạt đỉnh gần 130 triệu USD vào năm 2018. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất được 68,7 triệu USD, tuy nhiên, dự báo, nhu cầu của thị trường chỉ tương đương hoặc còn thấp hơn mức năm 2021, vì vậy xuất khẩu nhân hạt điều thô vào thị trường năm 2022 đạt tương đương 86 triệu USD trong kịch bản lạc quan nhất.

Ngoài hạt điều bóc vỏ, hàng năm Canada cũng nhập một lượng không đáng kể điều chưa bóc vỏ từ Việt Nam. Giá trị xuất điều chưa bóc vỏ năm 2021 đạt gần 800.000 USD. Trong 9 tháng đầu năm 2022, nhu cầu nhập khẩu của Canada với mặt hàng này tăng đột biến (160% so với cùng kỳ năm 2021); đến nay, Canada đã nhập 1,38 triệu USD giá trị điều nhân nguyên vỏ từ Việt Nam.

Tổng hợp từ các số liệu cho thấy mỗi năm Canada nhập khoảng 17-18.000 tấn hạt điều. Giá bình quân trong năm 2021 đạt gần 7.000 USD/tấn nhân. Mức giá này tăng mạnh so với giá năm 2020 do giá vận chuyển tăng cao. Sau khi chế biến, giá hạt điều trung bình là 9.800 USD/tấn, tức khoảng 10-12 USD/kg. Giá hạt điều chế biến xuất đi từ Canada trung bình là 12.000 USD/tấn.

Với chất lượng tốt, các doanh nghiệp Canada vẫn ưu tiên mua điều nguyên liệu và điều chế biến từ Việt Nam dù giá cao hơn. Vì vậy, cho dù thị trường sở tại không ổn định về cầu (biến động nhiều qua các năm), dự báo, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam vào địa bàn sẽ ổn định quanh 115-120 triệu USD/năm cho cả điều nguyên liệu và điều chế biến. Tuy nhiên, theo TS Trần Thu Quỳnh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada, thị trường yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (bao gồm tỷ lệ tạp chất, vết sâu bệnh trên bề mặt hạt, độ đồng nhất của sản phẩm về mùi vị và màu sắc).

Về dài hạn, do chi phí nhân công ở Canada ngày một tăng, nhiều khả năng các doanh nghiệp chế biến và đóng gói hạt điều lớn của Canada như Basse, Kirkland sẽ chuyển dịch mắt xích sản xuất cho Việt Nam để gia công cho thương hiệu của họ. Công ty Dan D Park của Canada đã đi đầu trong xu hướng này và hoàn toàn sản xuất tại Việt Nam cho thương hiệu của Dan D Park và các thương hiệu mà công ty này gia công.

Xuất khẩu hạt điều chế biến sang Canada tiếp tục tăng. Ảnh Internet

Người tiêu dùng Canada quan tâm nhiều đến sản phẩm hữu cơ và các chứng chỉ xác nhận quy trình sản xuất xanh, bền vững, và công bằng (bình đẳng giới) của doanh nghiệp. Ngoài ra, người tiêu dùng Canada cũng rất quan tâm đến cách thức đóng gói và bảo quản (hút chân không, bao bì có khả năng tái chế).

TS Trần Thu Quỳnh  đưa ra lưu ý, trước khi xuất hàng, các doanh nghiệp nên tìm văn phòng luật sư hỗ trợ trong việc xây dựng hợp đồng, nhất là các điều khoản thanh toán và giải quyết tranh chấp cũng như trong quá trình giao dịch để tránh rủi ro. Ngoài ra, để đảm bảo xuất khẩu điều của Việt Nam vào thị trường bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý xây dựng thương hiệu riêng. Hiện nay, hạt điều chủ yếu vẫn xuất thô vào thị trường và gia công, đóng gói tại Canada. Tại các chuỗi bán lẻ, các nhãn hàng của Canada và Hoa Kỳ vẫn là chủ yếu. Các thương hiệu hạt điều Việt vào được thị trường chủ yếu ở dạng bánh kẹo đặc sản, bán tại các cửa hàng châu Á./.

Công Đảo