(CLO) Kể từ cuộc đảo chính quân sự 4 năm trước, hàng triệu người Myanmar đã bỏ nhà cửa và chạy trốn khỏi đất nước để tìm kiếm sự an toàn ở các quốc gia láng giềng.
Thái Lan, một điểm đến phổ biến, đã trở thành nơi trú ẩn cho hàng triệu người Myanmar chạy trốn khỏi bạo lực và nghĩa vụ quân sự mà họ không muốn tham gia. Nhưng cuộc sống của họ tại đây không hề dễ dàng.
Những người tị nạn phải đối mặt với một loạt vấn đề mới, từ nguy cơ bị tống tiền, lạm dụng lao động cho đến lỡ mất những năm tháng học tập quan trọng trong đời.
Theo Liên hợp quốc, hơn 3,7 triệu người Myanmar, chủ yếu là thanh niên, đã di cư sang Thái Lan vào năm 2023, tìm kiếm công việc và cơ hội mới trong khi tránh cuộc chiến tranh tàn khốc và chế độ quân sự.
Tuy nhiên con đường di cư này không dễ dàng. Người di cư phải đối mặt với những chuyến đi nguy hiểm và tốn kém qua các con đường bất hợp pháp, trả tiền hối lộ cho các quan chức và môi giới để có thể tìm được việc làm, nơi trú ẩn.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, khoảng 60% người di cư Myanmar tại Thái Lan không có giấy tờ tùy thân hợp lệ. Mặc dù Thái Lan đã triển khai hệ thống giấy phép lao động tạm thời để hợp lý hóa dòng lao động nhưng nhiều người di cư vẫn bị đẩy vào nền kinh tế ngầm.
Họ phải làm công việc nặng nhọc tại các công trường xây dựng, trang trại và nhà máy, thường xuyên bị lạm dụng và trả lương thấp hơn mức bình thường. Bên cạnh đó, nhiều người di cư gặp thách thức trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục chính quy.
Một vấn đề lớn khác đối với người di cư là chi phí di chuyển. Để trốn khỏi Myanmar, một người có thể phải trả khoảng 600 USD cho chuyến đi qua biên giới, khoản tiền lớn đối với những người nghèo.
Patima Tungpuchayakul, từ Mạng lưới Bảo vệ Lao động (LPN), cho biết người lao động di cư và thanh niên Myanmar rất quan trọng đối với nền kinh tế Thái Lan, nhưng nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp, họ sẽ tiếp tục phải sống trong cảnh nghèo đói và bấp bênh.
Ngọc Ánh (theo SCMP, AFP)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nguoi-ti-nan-myanmar-doi-mat-voi-cuoc-song-bap-benh-o-thai-lan-post332598.html