CHÚNG TÔI ĐẾN GẶP THẦY NGUYỄN TRỌNG THẮNG (88 TUỔI, HUYỆN THƯỜNG TÍN) TRONG MỘT NGÀY CẬN KỀ 20.11. KHÔNG KHÍ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM ĐÃ RỘN RÀNG KHẮP CÁC CON PHỐ VÀ LEN LỎI TỚI CẢ CĂN NHÀ NHỎ CỦA NGƯỜI THẦY ĐÃ NGHỈ HƯU 40 NĂM VỀ TRƯỚC…

“Các bạn ăn cam đi, ngọt lắm. Ngày xưa người ta vẫn hay nói vui ngày nhà giáo là ngày “hiến cam”. Học trò đến chơi với thầy cô đứa nào cũng cầm mấy quả cam. Vui lắm”, thầy Thắng cười móm mém đưa đĩa cam ra mời chúng tôi. Những quả cam ấy không còn là của học sinh tặng người thầy già nữa nhưng kỷ niệm về ngày nhà giáo thì vẫn luôn in đậm trong ký ức của ông cho tới tận bây giờ.
Rồi thầy lấy trong túi ra chiếc điện thoại bấm số đã cũ, hồ hởi khoe những học sinh đã thành đạt, có người giờ đã ở bên Đức, Canada mới hôm qua vẫn nhớ gọi điện để hỏi thăm sức khoẻ thầy. Tuổi 88, mắt đã kém, tay đã run, nhưng với ông, đó là niềm vui lớn, nhất là trong những ngày này.
Trước khi tới gặp thầy, chúng tôi – những người trẻ hai mươi mấy tuổi đã từng nghe về thời chiến tranh, về những ông giáo đi dạy học thời chiến và cho tới khi gặp thầy Thắng sự hào hứng khi nghe kể về thời xưa vẫn không hề giảm bớt chút nào. Thầy trò chuyện một cách tự nhiên, liên tục nhắc chúng tôi có gì hỏi ông luôn, vì “nếu để tôi ngồi kể hết nhiều lắm, kể hết bây giờ tí nữa lại không có gì để kể nữa”. Đó là do thầy lo xa, sợ rằng ở tuổi này, có lúc nhớ nhớ quên quên vì thầy thật sự muốn kể rất nhiều điều, về chuyện nghề và cả về cuộc sống.
Sinh năm 1934, thầy Nguyễn Trọng Thắng chứng kiến đủ những thăng trầm của thời đại, là những ngày chiến tranh, nạn đói năm 1945, khi đất nước đổi mới rồi cả những bước chuyển mình của đất nước cho tới tận bây giờ.
Ngay từ ngày nhỏ, thầy Thắng đã có niềm yêu thích với nghề dạy học, bởi thế mà từ khi 11, 12 tuổi, ông đã xung phong tham gia vào phong trào “diệt giặc dốt”. “Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ coi giặc đói, giặc dốt là kẻ thù ngăn cản sự phát triển của đất nước. Ngoài giặc ngoại xâm, giặc đói làm người ta khổ, giặc dốt làm người ta không làm ăn được nên thời kỳ đó, toàn dân thực hiện lời dạy của Bác là tấn công giặc dốt. Thời đó, từ thành thị tới nông thôn, ngay cả bức tường hay gốc cây cũng có những bảng kẻ chữ để nhắc nhở mọi người. Người biết chữ dạy người không biết chữ, học sinh lớp 1, lớp 2 cũng dạy được. Tôi thích nghề dạy học từ bé mà nên hồi đó cũng xung phong dạy cho mọi người: “O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ thì thêm râu…”, thầy nhẩm nhẩm lại câu thơ vừa mỉm cười như đang sống lại những ngày xưa ấy.
Thầy kể, có cả huy hiệu, bằng khen “chiến sĩ diệt giặc dốt” nhưng thời gian đã trôi qua quá lâu, theo những lần chuyển công tác, những kỷ vật đó đã thất lạc ít nhiều.

Rồi việc dạy học của ông cũng bị gián đoạn vì chiến tranh, vì nạn đói. Đã có nhiều người khuyên về làm nhân viên phòng thuế, làm cảnh sát nhưng vì lòng yêu nghề, nên thầy vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê. “Nhiều người bảo tôi nghề sư phạm bạc bẽo lắm, không nên theo. Nhưng với tôi, sư phạm là ngành đem lại niềm vui giúp những cháu nhỏ được học hành và cũng là điều kiện để tôi dạy dỗ con tôi nên người”, thầy nói rồi bước từng bước chậm rãi vào phòng lấy cho chúng tôi xem những bức ảnh thời trẻ.
Khi ấy, thanh niên Nguyễn Trọng Thắng chỉ mới 23 tuổi đã theo tiếng gọi của tổ quốc, rời xa thành thị để lên miền núi dạy học. Thầy dạy ở trường Bố Hạ (Bắc Giang), lúc đó vẫn còn là nơi núi đèo hẻo lánh, có trường, có lớp nhưng chỉ là những nhà tranh vách đất tạm bợ giữa núi đồi. Miền Bắc mới giải phóng, kinh tế đất nước còn vô vàn khó khăn và cuộc sống của người giáo viên cũng không ngoại lệ.

“Mặc dù tôi tốt nghiệp ở trường Sư phạm Hà Nội nhưng là giáo viên dân lập (giáo viên do người dân trả lương), một tháng sẽ được hợp tác xã trả cho mấy chục cân lúa, cân thóc. Mỗi người tháng này được 40 phân vải nylon che mưa, khi được chia về thì nhường nhịn nhau mỗi người một chút, từ cái áo may ô cho đến các vật dụng cần dùng đều phải bàn bạc, chia cho nhau. Khó khăn là thế nhưng khi lên lớp gặp các em thì chúng tôi lại quên hết, cũng chẳng nghĩ đến chuyện khó nhiều. Hồi đó thanh niên mà, cũng chẳng nghĩ đến những chuyện khó đó, vì chưa có gia đình, không phải nuôi ai, mình cứ lo tự thân mình thôi”.
Nhắc về thời trẻ, thầy bồi hồi vì tuổi trẻ đã chẳng tiếc gì để cống hiến cho giáo dục. Rồi thầy rời Bắc Giang tới K9 Suối Hai, Hồng Châu rồi lại quay về Hà Nội dạy học.
Tới những năm kháng chiến chống Mỹ căng thẳng, thầy vừa dạy học vừa là chiến sĩ bảo vệ học trò. Nhớ lại thời sơ tán, hàng ngày đi dạy học tối đến làm hầm, làm mũ rơm để chuẩn bị cho học trò. Đang trong tiết dạy, máy bay địch tới, thầy Thắng cùng các đồng nghiệp phải cho học sinh xuống hầm trú ẩn. Các thầy cô ngồi ở cửa hầm, để quan sát tình hình và che đạn cho các em.
Khó khăn, chiến tranh, bom đạn khốc liệt là thế nhưng mọi thứ đã quá lâu đến nỗi, đủ để người thầy giáo già cảm thấy bình thản khi nhớ lại. Tất cả tưởng như mới hôm qua mà thật ra đã trôi qua cả mấy chục năm, gần cả một đời người.

“Thầy còn giữ những bức hình thầy đi dạy học hồi đó không?” – tôi hỏi.
“Hồi đó lương còn không đủ ăn 3 bữa, lấy đâu ra tiền mà chụp ảnh hả cháu? Người ta còn có câu “Nhất Y – nhì Dược – tạm được Bách khoa – bỏ qua Sư phạm” kia mà” – thầy cười nói. Câu nói đùa nhưng cũng đủ để diễn tả những nỗi vất vả thời bấy giờ. Thật vậy, với mức lương ít ỏi, 1 tháng 50 đồng, chỉ bằng hơn 1 tạ gạo thì làm sao đủ sống? Hai vợ chồng cùng làm nghề giáo nên việc sáng đi dạy, tối về làm thêm ở nhà là chuyện quá đỗi bình thường không chỉ với gia đình thầy ở thời bấy giờ.
“Thời đó khổ, nhiều người khuyên tôi chịu khó đội cái mũ xụp xuống, đeo kính, bên cạnh là hộp thuốc lá với cái bơm ngồi đầu đường để kiếm thêm. Nhưng tôi không làm được, mình ngồi như thế học trò đi qua thì làm sao được? Tôi có thể làm việc khác, việc gì không ảnh hưởng đến danh dự của người thầy thì tôi làm, đói cho sạch, rách cho thơm mà”.
Thế là thầy nhận làm may buổi tối ở nhà, còn vợ nhận thổi xôi, đan thuê, sáng sáng hai vợ chồng cùng lên lớp… Cứ như thế mấy chục năm, cũng gồng gánh đủ nuôi 4 người con nên người. Sau này, khi đất nước đổi mới, các con dần khôn lớn, cuộc sống cũng khấm khá hơn, thầy và vợ cũng có thể chuyên tâm vào dạy học.
Thầy nói, trải qua rất nhiều thăng trầm nhưng thật sự chưa bao giờ thầy và vợ muốn từ bỏ nghề giáo, vì nhờ nghề cao quý này, thầy được dạy học trò và nhất là có thể giáo dục được những người con trở nên ngoan ngoãn và thành đạt.

Những tưởng ở tuổi 88, có những kỷ niệm về học trò thầy không thể nhớ hết nhưng không, vẫn có những nỗi day dứt, những nỗi trăn trở với học trò mà có lẽ không bao giờ thầy có thể quên. Đó là về một lần thầy đánh học trò, vì cậu học sinh mang rắn vào lớp để trêu bạn bè. Đó cũng là lần duy nhất thầy “cho vọt” học sinh của mình. “Đêm về cứ nghĩ mãi vì lúc đó không kiềm chế được bản thân. Đánh cậu ấy xong mà tôi cũng rơi nước mắt. Bây giờ, cậu học sinh đó cũng đã mất rồi nhưng tôi cứ cảm thấy ân hận mãi”, thầy rơm rớm nước mắt khi nhớ lại.

Nghề giáo là nghề cao quý và là niềm mơ ước của thầy Nguyễn Trọng Thắng cũng như nhiều thế hệ tiếp nối. Mang trong mình biết bao hoài bão, thầy đã một thời sẵn sàng rời xuôi để chở con chữ, gánh ước mơ đến những miền sơn cước xa xôi. Ở đó, ngay trong hoàn cảnh nghèo khó giữa núi rừng đại ngàn, lớp học tranh tre thiếu thốn từ trang vở, chiếc bút, cái bảng đen đến viên phấn trắng, thầy giáo trẻ vẫn vượt qua nghịch cảnh, dốc tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Đến nay, đã tròn 40 năm rời bục giảng, nhưng kí ức về một thời “i tờ” vẫn vẹn nguyên trong tâm trí cựu nhà giáo. Thầy vẫn nhớ bảng đen, phấn trắng, thi thoảng vẫn bắt gặp những nét chữ, câu văn của học trò trong giấc mơ.

Tận tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, thầy Nguyễn Trọng Thắng khẳng định, nghề giáo là nghề đáng tự hào. Dù ở vai trò là chiến sĩ “diệt giặc dốt” hay khi rời bục giảng dõi theo ngành Giáo dục, thầy vẫn luôn tự hào về nghề của mình, một nghề vinh quang nhưng cũng gánh trên vai nhiều trọng trách. Thầy nói, theo dòng thời gian và sự phát triển của xã hội, vị thế của người thầy ít nhiều đã có sự đổi thay với từng giai đoạn lịch sử.
Trong xã hội xưa, người thầy có vị trí vô cùng quan trọng, thứ bậc của người thầy được tôn vinh. Thầy yêu trò, trò kính thầy, nhân dân tôn trọng thầy. Người thầy không chỉ là người dạy chữ mà còn dạy những lễ nghi, phép tắc, đạo đức, dạy cách làm người theo chuẩn mực. Vì thế, người thầy trong truyền thống là người mẫu mực về nhân cách, uyên thâm về trí tuệ. Còn trong thời đại nhấn mạnh nhiều đến sự phát triển kinh tế, tôn vinh các công ty khởi nghiệp, đề cao các yếu tố giải trí như hiện nay, vị trí nghề giáo có lẽ không còn như xưa.
Trong năm 2022, hơn 16.000 giáo viên đã xin nghỉ việc hoặc chuyển qua khối tư thục. Nguyên nhân chính là do thu nhập từ nghề không đáp ứng đủ nhu cầu căn bản của cuộc sống, quá tải với các thủ tục hành chính, môi trường làm việc nhiều rủi ro và nhiều áp lực khiến họ trở nên kiệt quệ về cảm xúc và tinh thần. Thầy Thắng trăn trở vì những người theo nghề giáo bây giờ phải chịu áp lực từ nhiều phía, gia đình, nhà trường và dư luận xã hội. Thầy hy vọng, Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục chú trọng triển khai nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là kiến tạo trường học hạnh phúc, để từng thành viên đều cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trường học thực sự là “nơi ước đến, chốn mong về”.

Cựu nhà giáo tin vào sức trẻ, lòng nhiệt thành và tinh thần cống hiến của lớp trẻ. Thầy khuyên thanh niên hãy dũng cảm làm những điều mình thích, không ngại khó, ngại khổ, không chùn bước trước thử thách và hãy tự tin chinh phục ước mơ.

Laodong.vn