Huy động vốn trên sàn chứng khoán vẫn là kênh hiệu quả với nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp bất động sản còn dè chừng khi diễn biến cổ phiếu không thuận lợi.
Huy động vốn qua sàn chứng khoán: Người tăng tốc, kẻ dè chừng
Huy động vốn trên sàn chứng khoán vẫn là kênh hiệu quả với nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp bất động sản còn dè chừng khi diễn biến cổ phiếu không thuận lợi.
Trong ngành chứng khoán, có hơn chục công ty hoàn tất tăng vốn trong năm 2024. Ảnh: Đức Thanh |
Nhóm bất động sản lùi kế hoạch chờ… thời
Năm thứ hai liên tiếp, kế hoạch phát hành cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG) phải bỏ dở. Lần tăng vốn này, DIC Corp dự định chào bán thêm 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Với giá phát hành 15.000 đồng/cổ phiếu, DIC Corp có thể huy động tối đa 3.000 tỷ đồng, dự tính được phân bổ vào Dự án Khu phức hợp Cap Saint Jacques (1.135 tỷ đồng), Dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh (1.426 tỷ đồng) và thanh toán nghĩa vụ trái phiếu.
Quyết định trên của HĐQT DIC Corp được đưa ra chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu. DIC Corp thậm chí đã công bố bản cáo bạch gửi đến các cổ đông. “Việc dừng phát hành nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông trong điều kiện chứng khoán không thuận lợi”, Nghị quyết của HĐQT nêu.
Được biết, giá cổ phiếu DIG đang ở vùng giá thấp nhất kể từ tháng 4/2023. Thay vì huy động vốn, dòng tiền của DIC Corp dự kiến đến từ bán tài sản. DIC Corp quyết định bán tối đa 16,2 triệu cổ phiếu DC4 của Công ty cổ phần Xây dựng DIC Holdings để cơ cấu danh mục đầu tư, dự kiến có thể thu về hơn 200 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo thông tin hồi trung tuần tháng 12/2024 từ phía doanh nghiệp này, DIC Corp lên kế hoạch bán 599 lô đất tại Khu dân cư thương mại Vị Thanh đã đủ các thủ tục pháp lý gồm giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
DIC Corp không phải trường hợp duy nhất “phanh” kế hoạch tăng vốn. Đáng chú ý là, các trường hợp này đều ở nhóm bất động sản. Tháng 9/2024, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát phải dừng phương án chào bán hơn 152 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông do thị trường không thuận lợi và đảm bảo tính khả thi.
Còn trong tháng 12, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội dừng kế hoạch gọi vốn. Trước đó, doanh nghiệp này đã chốt kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng với tỷ lệ 100:20, giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian thực hiện từ quý IV/2024 đến quý I/2025. Với gần 88,35 tỷ đồng dự kiến huy động, Tổng công ty sẽ dùng 50 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các dự án, 30 tỷ đồng chi trả các khoản nợ và gần 8,35 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Nam Hà Nội, việc thay đổi phương án chào bán nhằm phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh hiện tại, kế hoạch huy động vốn và sử dụng vốn trong thời gian tới. Dòng tiền của Tổng công ty không bị ảnh hưởng. Còn với kế hoạch kinh doanh, Tổng công ty cũng đã sớm vượt 6% kế hoạch lợi nhuận ngay từ cuối quý III/2024.
Vẫn có nhiều gam màu sáng
Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng mức huy động vốn qua chào bán cổ phiếu và chào bán trái phiếu của công ty đại chúng đến ngày 30/11 là 173.052 tỷ đồng. Bức tranh huy động vốn thực tế không quá u ám khi doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực vẫn thành công trên thị trường sơ cấp.
Liên tiếp các đợt phát hành thông qua chào bán riêng lẻ và ra công chúng hoàn thành với tỷ lệ phân phối thành công cho cổ đông rất cao. Riêng trong ngành chứng khoán, có hơn chục công ty hoàn tất tăng vốn trong năm 2024. Gần nhất, Công ty cổ phần Chứng khoán Kafi hoàn tất đợt chào bán 250 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 17/12. Theo đó, Gentle Sun Investment tiếp tục góp vốn và duy trì tỷ lệ sở hữu 20% tại Kafi, trong khi Uniben không còn trong danh sách cổ đông lớn sau phát hành.
Cách đây một tháng, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng phân phối hết hơn 151,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua. Cũng nhờ đợt tăng vốn này, Công ty nâng vốn lên gần 20.000 tỷ đồng và lấy lại vị trí số một về quy mô vốn điều lệ.
Tuy nhiên, “ngôi vương” trên có thể sẽ sớm chuyển lại Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) khi công ty này vừa được duyệt phương án phát hành riêng lẻ cho 25 cá nhân. Với tổng cộng 118,8 triệu cổ phiếu, giá 11.585 đồng/cổ phiếu, số tiền TCBS thu về là 1.376,7 tỷ đồng; quy mô vốn điều lệ tăng lên 20.801,5 tỷ đồng.
Các kế hoạch mới vẫn đang được nhiều công ty chứng khoán liên tục tung ra cho thấy làn sóng đua tăng vốn này chưa hạ nhiệt, như phương án chào bán gần 360 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) được thông qua vào đầu tháng 12/2024.
Theo ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu, VPBankS Research, dư nợ cho vay khách hàng (margin) toàn thị trường cao kỷ lục (232.000 tỷ đồng), tăng 20% so với thời kỳ Covid-19. Tốc độ tăng trưởng về giá trị tài sản các công ty chứng khoán được tài trợ bởi chính các đợt góp thêm vốn từ các cổ đông, nhà đầu tư. Động lực tăng trưởng cho lợi nhuận ngành cũng nhờ nguồn vốn tăng thêm đáng kể này.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng công bố kế hoạch huy động vốn hàng ngàn tỷ đồng. Theo phương án đã được cổ đông thông qua, thời gian chào bán dự kiến không còn xa, vào quý IV/2024 hoặc quý I/2025, Vinpearl sẽ phát hành 70 triệu cổ phiếu. Với giá chào bán 71.350 đồng/cổ phiếu, Vinpearl ước tính huy động gần 5.001 tỷ đồng, nếu phân phối thành công cho các cổ đông.
Cổ đông của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã MCH) đã chốt kế hoạch chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 45,1%, tương ứng 326,8 triệu cổ phiếu mới. Masan Consumer dự kiến huy động được lượng vốn lớn nhất kể từ khi lên sàn, với 3.268 tỷ đồng, đồng thời tăng vốn điều lệ lên trên 10.623 tỷ đồng.
Nguồn: https://baodautu.vn/huy-dong-von-qua-san-chung-khoan-nguoi-tang-toc-ke-de-chung-d235809.html