(LĐXH) – Nhà báo, kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng là chuyên gia có uy tín, luôn nặng lòng với kiến trúc đô thị.
Ông luôn có cái nhìn, sự phản biện xác đáng, đóng góp cho sự phát triển đô thị trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan.
KTS Phạm Thanh Tùng (SN 1949, quê Hưng Yên), sống và làm việc tại Hà Nội. Ông là con trai nhà thơ Xuân Thiêm – thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Từ nhỏ, ông Tùng may mắn được tiếp xúc, lắng nghe những câu chuyện của nhiều nhà thơ, nhà văn cùng thời với cha mình, như Thanh Tịnh, Nguyễn Khải, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng; các họa sĩ Mai Văn Hiến, Huy Toàn…
Bởi thế chất văn nghệ ngấm vào ông và hun đúc niềm đam mê mạnh mẽ với lĩnh vực kiến trúc, đô thị và cả văn chương, báo chí. Năm 1967, sau khi tốt nghiệp Trường Văn hóa quân đội – Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, ông vào học Khoa đô thị – Trường Đại học Xây dựng, năm 1969, chuyển sang học Trường Đại học Kiến trúc (lúc này mới thành lập).
Nhờ tâm huyết truyền thụ của các KTS thế hệ đầu tiên tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương, như Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh, Trần Hữu Tiềm, Khổng Toán…
KTS Phạm Thanh Tùng có được nền tảng tốt để có cái nhìn thấu đáo, sâu sắc hơn về kiến trúc. Ra trường năm 1972, ông lăn lộn, dấn thân vào nghề, tham gia thiết kế, phục hồi Nhà máy điện Hàm Rồng (Thanh Hóa), Nhà máy điện Bến Thủy (Nghệ An)… và một số công trình kiến trúc khác.
Trong quá trình làm việc, ông nghiệm ra nhiều vấn đề. “Tôi hiểu rằng, kiến trúc không đơn thuần là việc vẽ nhà, công trình mà còn là câu chuyện xã hội. Tôi luôn tâm niệm, muốn làm gì thì làm, KTS phải trân trọng những giá trị, di sản văn hóa của dân tộc”, ông Tùng nêu quan điểm.
Sau nhiều năm hoạt công tác chuyên sâu nơi các công trình, công trường, năm 1982, ông Tùng về công tác tại Hội KTS Việt Nam, góp phần xây dựng tạp chí kiến trúc của hội.
Năm 1987, ông được cử sang Liên Xô công tác và năm 1990 về Trường Đại học Kiến trúc, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc. Sau đó, Bộ Xây dựng muốn thành lập tạp chí Kiến trúc Việt Nam thuộc Bộ, KTS Phạm Thanh Tùng được gọi lên bàn giao xây dựng tờ tạp chí.
Từ đó đến năm 2008 ông gắn bó, giữ nhiều cương vị khác nhau trong hệ thống báo chí của Bộ Xây dựng. Khi trở lại công tác tại Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng vẫn tham gia nhiều hội đồng phản biện, đóng góp ý kiến về quy hoạch, xây dựng của một số bộ, ngành…
KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, kiến trúc là lĩnh vực có tính đặc thù, bởi đó là sự tổng hòa giữa nghệ thuật sáng tạo và kỹ thuật trong việc tạo ra các công trình kiến trúc, không gian sống an toàn, bền vững cho con người. Vì thế, người muốn trở thành KTS thì phải được đào tạo trong các trường đại học chuyên ngành. Hành nghề của KTS liên quan đến xã hội.
Nó làm cho thành phố đẹp lên hay xấu đi. Nó làm thay đổi nhận thức của con người, làm con người tốt hơn, hạnh phúc hơn nếu được sống trong những ngôi nhà có kiến trúc đẹp, thoáng đãng, mát mẻ và tiện nghi, nhiều cây xanh, mặt nước hài hòa với thiên nhiên. Hiểu rõ điều đó, nên với cương vị là Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam, ông Tùng luôn gợi cảm hứng cho các KTS trẻ.
Ông Tùng cũng dành cho Thủ đô Hà Nội rất nhiều tình cảm, đóng góp. Ông chia sẻ, cũng như nhiều nước trên thế giới, trong quá trình đô thị hóa và phát triển các đô thị đều gặp và phải vượt qua rất nhiều thách thức giữa bảo tồn và phát triển. Đó là quy luật. Hà Nội và các đô thị khác của nước ta cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, với Hà Nội, một thành phố siêu đô thị vào loại 17 thành phố lớn nhất trên thế giới.
Trải qua những giai đoạn phát triển, vui có buồn có, nhiều di tích kiến trúc của Thủ đô đã bị tàn lụi, mất đi… nhưng về cơ bản Hà Nội vẫn giữ được hồn cốt của mình. Đó là điều rất trân trọng.
Ta có thể thấy, ngoài hàng trăm nghìn di tích kiến trúc văn hóa như đình, chùa, đền, miếu… thì vẫn còn đó một Hoàng thành Thăng Long dấu tích vàng son rực rỡ của một thủa cha ông ta dựng nước, một khu phố cổ mang đậm nét sinh hoạt buôn bán của các phố hàng xưa.
Vẫn còn đó các đường phố của khu phố cũ với rất nhiều biệt thự vườn, công trình công cộng, công thự, văn hóa, tôn giáo có kiến trúc đặc sắc tọa lạc trên các đường phố rộng rãi, sạch sẽ, rợp mát bóng cây xanh…
Nhà văn Băng Sơn nổi tiếng với những áng tùy bút về Hà Nội cũng đã dành cho Phạm Thanh Tùng sự trân trọng: “Phạm Thanh Tùng là người hát rong về kiến trúc”. Cũng bởi, KTS Phạm Thanh Tùng luôn bám sát đời sống, yêu tha thiết những ngõ phố, con đường, hàng cây… Hà Nội.
Và ông tình nguyện làm người hát rong để kể lại những gì mình nhìn thấy và cảm nhận về kiến trúc, những biến đổi sâu sắc về kiến trúc đô thị nói chung, Thủ đô nghìn năm văn hiến nói riêng. Dù tuổi đã cao nhưng có thời điểm “người hát rong về kiến trúc” liên tục những hành trình công tác.
Còn nhớ, những năm 50, 60 của thế kỷ XX, gia đình ông Tùng sống trên tầng hai ngôi nhà có kiến trúc kiểu Pháp ở đầu phố Trần Phú, ngay sát đường tàu hỏa. Ngày cũng như đêm, vị trí này chẳng mấy khi vắng tiếng còi tàu hú.
Phố xá Hà thành đã bồi đắp bao nhiêu kỷ niệm, ký ức, để sau này lớn lên, ông Tùng càng yêu và trong mọi công việc, muốn góp sức mình xây dựng văn hóa, kiến trúc đô thị.
Ông Tùng giãi bày: “Năm tháng trôi đi, tôi lớn lên và vào học Trường Văn hóa quân đội – Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Gia đình tôi cũng chuyển nhà, không ở phố Trần Phú nữa. Thế nhưng, những kỷ niệm về đường phố thơm mát mùi hoa sấu, cùng những tiếng rao đêm cứ ngày càng sâu đậm trong tôi.
Bây giờ, đã qua tuổi tri thiên mệnh, nhưng tôi vẫn thường lang thang trên những con phố thân quen của Hà Nội mỗi khi rảnh rỗi, để tìm lại kỷ niệm một thời”.
20 năm qua, KTS Phạm Thanh Tùng viết báo nhiều hơn khi chứng kiến Hà Nội đổi thay, rộng hơn, diện mạo kiến trúc đô thị cũng vạm vỡ, hiện đại hơn với muôn vàn ngôi nhà cao vài chục tầng mọc lên san sát.
Song ông cũng trăn trở: “Bên cạnh những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt được thì công tác quy hoạch kiến trúc và quản lý đô thị của thành phố này vẫn còn nhiều bất cập.
Chúng ta xây dựng nhiều nhưng ít công trình kiến trúc đẹp mang tầm thời đại. Đường phố mở rộng, hiện đại nhưng nhiều đoạn, nhiều tuyến phố lại không đàng hoàng, khang trang bởi công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, vỉa hè bị lấn chiếm, những công trình xây dựng lộn xộn sai phép và không phép…”.
Qua quá trình làm việc, ông Tùng cũng chỉ ra, công tác quy hoạch nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học sẽ làm ảnh hưởng lớn đến đô thị, nhất là việc điều chỉnh quy hoạch.
Ông nói: “Hệ lụy của điều chỉnh quy hoạch đã nhìn thấy rõ, nhưng mục đích của điều chỉnh quy hoạch, ai có quyền điều chỉnh quy hoạch lại là câu hỏi. Tôi cho rằng, cấp nào duyệt quy hoạch, cấp đó điều chỉnh, nhưng hiện nay, điều chỉnh manh mún.
Mặt khác, khi duyệt quy hoạch có hội đồng nhưng điều chỉnh thì hội này lặng lẽ “biến mất”. Vì vậy, việc siết lại phải trên tư duy phát triển, tức là vẫn cho phép điều chỉnh quy hoạch nhưng phải quản lý chặt”.
Kết quả của những năm tháng làm nghề, suy tư là hàng trăm bài báo phân tích, có cái nhìn trực diện thực tế. Mới đây, ông xuất bản cuốn sách “Kiến trúc, một góc nhìn”, gồm 61 bài được lựa chọn trong hàng trăm bài. Có thể nói, cuốn sách đã chắt lọc kinh nghiệm 50 năm làm việc, hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc của KTS Phạm Thanh Tùng.
Ông vinh dự nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Kiến trúc Việt Nam; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo vệ an ninh Tổ quốc. |
Diên Khánh
Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/nguoi-nang-long-voi-kien-truc-do-thi-20250122105513971.htm