“Giữa trùng khơi vẫn xanh ngời/Giữa biển trời vẫn sống yêu đời…”, lời bài hát của nhạc sĩ Thập Nhất cũng là lời tâm tình của một người lính quân y trên đảo Hòn Khoai “Tôi đã công tác 16 năm trên đảo này!”.

16 năm công tác trên đảo, không ít lần anh Quang đối mặt với các ca bệnh khó, nguy hiểm – Ảnh: AN VI
Anh là đại úy Nguyễn Văn Quang, công tác tại trạm ra đa 595 trên đảo Hòn Khoai (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) – đảo lớn nhất, hùng vĩ nhất và cũng nhiều khó khăn bậc nhất trong những viên ngọc thuộc vùng biển tây nam Tổ quốc.
Đại úy Nguyễn Văn Quang
Người lính quân y chân chất trên đảo
Để đến được Hòn Khoai, chúng tôi phải đi ngược những con sóng có khi vồ lên gần cả mét. Sau đó leo thêm vài km đường đèo mới đến được trạm ra đa 595.
Vào trạm, trong những gương mặt tươi rói chào đón, đại úy Nguyễn Văn Quang xuất hiện dễ khiến người khác chú ý. Nụ cười của người chiến sĩ tuyến đầu suốt ngày tỉ mẩn với vườn thuốc nam sau trạm, rồi lại vào trực ở phòng quân y ánh lên những nét dễ mến, gần gụi khó tả.
16 năm công tác ngoài đảo Hòn Khoai khiến anh có vẻ ngoài nổi bật nhất trong những cán bộ, chiến sĩ tại đây. Làn da của người lính gốc Hà thành đã đen sạm đi sau chừng ấy năm phục vụ trên đảo, gương mặt nghiêm nghị, song nụ cười của anh lại cho thấy sự yêu đời, yêu đảo đến lạ.
Mở cửa vào căn phòng vừa là nơi trực hỗ trợ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, ngư dân trên đảo, vừa là chỗ đặt chiếc giường nhỏ để nghỉ ngơi, không hề thấy một tấm ảnh gia đình hay vật dụng trang trí cá nhân.
“Lính bọn tôi đâu có cái gì bày biện nhiều, phải tuân thủ gọn gàng, sạch sẽ. Ngoài ra, phòng này cũng là nơi tôi lưu trữ thuốc, tài liệu khám chữa bệnh nên càng tiết kiệm được không gian thì càng tốt”, anh Quang giải thích.
Phòng khám chữa bệnh chỉ vỏn vẹn một tủ thuốc cùng vài món đồ nghề cơ bản. Vậy mà người chiến sĩ quân y này vẫn cứu chữa, chẩn đoán không biết bao nhiêu trường hợp từ nhẹ cho đến nặng trên hòn đảo xinh đẹp này.
Dù dày dạn kinh nghiệm nhưng khi được các y bác sĩ từ đất liền chuyển giao quy trình sơ cấp cứu, các thuốc đặc trị thông dụng cho phòng quân y, đại úy Quang không giấu được sự căng thẳng và lúng túng.
“Tôi phải hỏi lại cho chắc, tại lâu lâu mới có một đoàn ra như vậy, đặc biệt lần này được chuyển giao máy móc, kỹ thuật mới, tôi đâu có hiểu nhiều đâu, lỡ các anh chị ấy về lại quên mất thì hỏng. Thôi cứ làm đi làm lại cho chắc vậy”, người lính thật thà chia sẻ.
16 năm thanh xuân gửi lại Hòn Khoai
Sau khi được các y bác sĩ trong đất liền chuyển giao kỹ thuật, anh Quang lại lụi cụi lấy quyển vở trong hộp tủ ra ghi chép lại từng động tác. Theo anh đây là quyển vở rất quý, bởi từng ca bệnh, từng dấu hiệu và cách anh đã cứu chữa bệnh nhân đều được ghi lại trong này suốt 16 năm qua.
Trung bình mỗi năm anh chỉ điều trị khoảng 10-15 ca của ngư dân đánh cá quanh đảo. Còn các đồng đội trên đảo anh đều hiểu rõ tình hình sức khỏe và đặc điểm từng người nên không phải ghi chép nhiều.
16 năm công tác tại đây, không ít lần anh Quang gặp những ca khó, cực kỳ nguy hiểm khiến anh không thể nào quên.
“Tôi nhớ có lần tàu đánh cá của ngư dân Bạc Liêu bị sóng đánh, dây văng vào rách hết cả mặt, được đưa vào đây cấp cứu trong tình trạng rất nặng.
Thuốc thang ở đây cũng không đầy đủ, tôi đã khâu vết thương lại cho anh ấy. Sau đó túc trực theo dõi, “bắt” ngư dân ấy nghỉ ngơi một thời gian trong trạm khi vết thương ổn mới được về”, anh Quang nhớ lại.
Hay những lần gặp trường hợp viêm ruột thừa cũng khiến anh vô cùng vất vả. Khi đó anh Quang phải liên lạc vào đất liền, hội chẩn các dấu hiệu, nếu chính xác là viêm ruột thừa anh sẽ sơ cứu bước đầu rồi nhanh chóng chuyển bệnh nhân vào bờ.
Ngồi cả buổi với chúng tôi, anh chỉ kể về đảo Hòn Khoai, kể về đồng đội và công tác y tế trên đảo. “Vậy hậu phương anh thế nào?” – chúng tôi hỏi.
Người lính hơi chút bối rối: “À, vợ con tôi giờ vẫn ở ngoài Hà Nội. Tôi được hai cháu rồi, đứa lớn học lớp 9, đứa nhỏ lớp 7. Một năm tôi được một lần phép để về thăm gia đình, biết mình ở xa nên đơn vị cũng hỗ trợ cho về phép được nhiều ngày”.
Nói là nhiều nhưng ngày phép của quân nhân, đặc biệt với người công tác trên các đảo tiền tiêu chẳng được bao nhiêu. Ánh mắt đượm buồn, anh nói nhớ vợ nhớ con thì ai cũng nhớ, nhưng anh luôn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu.
“Phải an tâm công tác tư tưởng, bảo vệ biển đảo quê hương cũng giống như bảo vệ gia đình mình vậy”, anh Quang xúc động chia sẻ.
Nhìn xa xăm ra bờ biển những ngày sóng vỗ dữ dội, anh Quang kể thứ níu giữ anh ở Hòn Khoai đến ngày hôm nay là con sóng, vườn rau, núi rừng và các đồng đội nơi đây.
Ngày anh đến đảo là ngày vừa chập chững tốt nghiệp Trường cao đẳng Quân y 1, đến nay đã đeo lon đại úy, nghiệp vụ vững vàng, anh Quang nói mình không thể nào rời bỏ hòn đảo thân thương này được.
“Tôi coi đây là ngôi nhà thứ 2, nơi giúp tôi trưởng thành nên khó lòng từ bỏ lắm. Mấy lúc về Hà Nội, không nghe tiếng sóng vỗ, không được đi chăm vườn thuốc hay cấp thuốc cho đồng đội là lại cảm thấy buồn”, anh Quang tâm sự.
Chúng tôi rời đảo với nhiều sự vấn vương của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Đứng trước phòng y tế, anh Quang vẫy tay chào, rồi ngước nhìn ra bờ biển hồi lâu. Nơi cứ độ giờ này các ngư dân đánh bắt quanh đây lại đem cá, đem tôm tới tặng anh cũng như những người lính tiền tiêu trên đảo.
Đôi bàn tay của người quân y không được mềm mại như nhiều bác sĩ khác, bởi nó còn phải khuân vác, còn chăm vườn thuốc nam và làm nhiều phần việc mà chỉ những người lính nơi đảo xa như anh mới hiểu hết được.
Đối diện phòng quân y có dòng chữ “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”, nhưng có lẽ với anh Quang, đó còn là tình yêu với đảo Hòn Khoai, tình yêu với quê hương đất nước. Chỉ vậy mới kết nên sợi dây níu giữ anh suốt 16 năm qua trên hòn đảo này.
Lính quân y trên nhà giàn DK1/10

Thiếu tá Bùi Văn Thọ – quân y của nhà giàn DK1/10 – đã có 8 năm công tác ở các nhà giàn – Ảnh: AN VI
Quân y ở đảo xa vốn đã nhiều khó khăn, còn với những người công tác giữa biển khơi như thiếu tá Bùi Văn Thọ – quân y của nhà giàn DK1/10, khó khăn đối với anh lúc này chỉ được miêu tả bằng 2 từ: quen rồi!
Nay đã là năm thứ 8 thiếu tá Thọ công tác tại các nhà giàn và 7 năm trong số đó anh đón Tết với biển và gió. Sống và làm việc trong một không gian có diện tích hạn chế, cơ sở vật chất không thể bì được với đất liền, song người lính biển vẫn khẳng khái cho biết mình có thể khắc phục, sáng tạo từ những gì đang có để hỗ trợ sức khỏe cho đồng đội công tác trên đảo.
Ngoài khám chữa bệnh cho quân nhân, anh từng không ít lần điều trị cho ngư dân bị thương tìm đến nhà giàn.
“Lính mình thì quen rồi, còn như ngư dân mỗi lần đến vào hôm sóng lớn, phải rất vất vả mới đưa được bệnh nhân lên nhà giàn. Nếu các bệnh hay tai nạn nhẹ, chúng tôi sẽ điều trị tại chỗ, còn với trường hợp nặng hơn thì vẫn cần sự hỗ trợ từ đất liền”, thiếu tá Thọ chia sẻ thêm.
Trải lòng với chúng tôi, thiếu tá Thọ chỉ kịp nói về nhiệm vụ của mình. Về hậu phương, anh cho biết vẫn rất nhớ nhà, nhưng khi ra đây buộc phải gác lại việc đó, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo cách lý giải của anh thì anh yêu quê hương đất nước và cũng yêu hậu phương của mình, chỉ là theo một cách khác.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nguoi-linh-quan-y-cong-hien-16-nam-tuoi-xuan-tren-dao-hon-khoai-20250224100513399.htm