Tính đến cuối tháng 2, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng giảm 153.000 tỉ đồng so với tháng trước đó, xuống còn 6,523 triệu tỉ đồng. Nếu so với cuối năm 2023, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã giảm 4,66%, tương ứng số tiền 318.000 tỉ đồng đã ra khỏi hệ thống ngân hàng chỉ trong 2 tháng.
Trong khi đó, lượng tiền gửi của cá nhân cuối tháng 2 tăng 139.000 tỉ đồng so với cuối tháng 1, lên 6,637 triệu tỉ đồng. Ghi nhận mức tăng dương thay vì âm như hồi tháng 1. So với cuối năm 2023, lượng tiền gửi của các cá nhân tăng thêm 105.000 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 1,6%.
Dù vậy, tổng phương tiện thanh toán của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng âm, đạt 15,914 triệu tỉ đồng. Ngoài ra, tỷ trọng tiền mặt trong lưu thông cũng giảm từ mức 10,9% của tháng 1 xuống còn 10% trong tháng 2.
Lý do biến động tiền gửi bởi tháng 2 là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cao cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi đây cũng là thời điểm cá nhân nhận lượng thưởng cuối năm. Do đó lượng tiền gửi tổ chức kinh tế sụt giảm, còn cá nhân lại tăng. Hơn nữa, lãi suất tiết kiệm tháng 2 của các ngân hàng ở mức thấp và đến tháng 3 – 4 tiếp tục giảm xuống đáy. Lãi suất xuống thấp khiến lượng tiền gửi của tổ chức, cá nhân vào hệ thống ngân hàng sụt giảm. Trong khi tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu phục hồi trở lại. Qua tháng 5, lãi suất tiết kiệm hồi phục tăng trở lại, có khoảng 20 ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi huy động. Đối với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng hiện đang ở mức 2,5 – 3,6%/năm, 6 tháng từ 3,3 – 5%/năm, 12 tháng từ 4,3 – 5,4%/năm. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 0,5 – 1%/năm từ vùng đáy.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nguoi-dan-van-chon-goi-tiet-kiem-o-ngan-hang-185240601152656459.htm