Lạm phát giảm tốc giúp giới đầu tư lạc quan nhưng người dân Anh còn chịu áp lực lớn khi giá cả hàng hóa và lãi vay vẫn đắt đỏ.
Lạm phát ở Anh – nơi người dân chịu sức ép tiêu dùng lớn hơn hầu hết nước giàu khác – đã hạ nhiệt vào tháng trước. Cụ thể, giá tiêu dùng tháng 6 tăng 7,9% so với cùng kỳ 2022, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS). Hồi tháng 5, lạm phát tại nước này đến 8,7%.
Dữ liệu bất ngờ này khiến cổ phiếu của Anh tăng mạnh với hy vọng rằng Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ không cần tăng lãi suất mạnh như dự đoán trước đây. Chỉ số FTSE 250 tăng gần 3% hôm 19/7. Các nhà đầu tư hạ dự báo đỉnh lãi suất cơ bản của BoE còn 5,85% vào năm tới, so với mức 6,5% mà họ đưa ra chỉ mới hai tuần trước, theo dữ liệu của Tradeweb.
Theo Ellie Henderson, nhà kinh tế tại Investec, thông tin lạm phát tốt hơn dự báo đã thúc đẩy thị trường đánh giá lại mức độ mà BoE sẽ cần tăng lãi suất để giảm bớt áp lực lạm phát. “Kỳ vọng lãi suất của Anh đã được thu nhỏ lại đáng kể”, người này nói.
Thị trường chứng khoán vốn rất nhạy cảm với những thay đổi nhỏ trong dữ liệu lạm phát của Anh. Tuy nhiên, đằng sau những thay đổi này, giá tiêu dùng của Anh tiếp tục tăng với tốc độ nhanh hơn so với hầu hết nước giàu khác. Điều này đang dẫn đến mức giảm thu nhập thực tế lớn nhất trong bảy thập kỷ của người dân.
“Đối với các gia đình ở khắp nơi trên đất nước, giá cả vẫn đang tăng quá nhanh và còn một chặng đường dài phía trước”, Jeremy Hunt, Bộ trưởng Tài chính Anh nói.
Không giống ở Mỹ, nơi lãi suất cho các khoản vay thế chấp được cố định trong khoảng từ 15 đến 30 năm, các khoản vay thế chấp ở Anh thường có lãi suất cố định chỉ trong từ 2 đến 5 năm. Jon Glenister, một thợ điện sống ở phía Tây London, gần đây chứng kiến lãi suất khoản vay tăng vọt lên hơn 5%, từ 1,6%.
“Tôi gần như không thể chịu nổi giá cả và tiền trả nợ vay tăng cao. Tôi không đi ra ngoài nhiều, không ăn tiệm nhiều. Tôi ăn ít thịt hơn vì quá đắt đỏ”, Glenister nói. Theo cuộc khảo sát với 2.156 người do ONS thực hiện từ ngày 28/6 đến 9/7, gần một phần ba người Anh được hỏi đang sử dụng tiền tiết kiệm để thanh toán hóa đơn, gần một nửa gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà và nợ ngân hàng.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt là một trong những lý do dẫn đến nguy cơ thất bại chính trị của Thủ tướng Rishi Sunak. Cuộc khảo sát của YouGov từ ngày 10 đến ngày 11/7 cho biết 43% sẽ bỏ phiếu cho đảng Lao động đối lập và chỉ 25% cho Thủ tướng Rishi Sunak. Các cuộc thăm dò cũng cho thấy chính phủ có nguy cơ thất bại trong các cuộc bầu cử đặc biệt sẽ được tổ chức tới đây.
Giá lương thực là lý do chính khiến lạm phát của Anh cao hơn nhiều nước giàu khác. Lạm phát lương thực đã giảm trong tháng 6 nhưng vẫn ở mức 17,3%. Tại Mỹ, giá thực phẩm trong tháng 6 cao hơn 4,7% so với một năm trước đó.
Đối mặt với chi phí thiết yếu tăng cao, người lao động ở Anh đã được đảm bảo tăng lương nhiều hơn mức bình thường trong những thập kỷ gần đây. Theo ONS, mức lương trung bình hàng tuần không bao gồm tiền thưởng trong ba tháng tính đến tháng 5 cao hơn 7,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhanh nhất được ghi nhận ngoài thời kỳ đại dịch.
Nhưng ngay cả như vậy, khả năng chi tiêu của người lao động vẫn giảm 0,8% so với một năm trước đó do thu nhập thực tế giảm khi tính đến lạm phát. Trong năm qua, Anh đã trải qua các cuộc đình công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải và giáo dục khi các công nhân đấu tranh để bảo vệ sức mua của họ. Tuần trước, chính phủ đề nghị tăng lương ít nhất 6% cho hàng triệu công chức trong nỗ lực chấm dứt những tranh chấp đó.
Sức chi tiêu giảm cùng với tình trạng thiếu lao động gây thiệt hại cho một số doanh nghiệp. Andy Kehoe điều hành một quán rượu ở London và đã tăng giá bia để theo kịp chi phí năng lượng cao hơn. Cú sốc giá khiến một số khách quen của ông không thể đến ăn uống và giờ ông phải vật lộn để giữ chân nhân viên. “Tôi đang thua lỗ. Giá cao đang khiến mọi người ở nhà, nhưng tôi phải trả tiền cho người của mình và tiếp tục hoạt động”, ông nói.
Các nhà hoạch định chính sách tại BoE từ lâu đã lo lắng về khả năng xảy ra vòng xoáy giá cả – tiền lương. Theo đó, giá tăng ban đầu sẽ kích hoạt tiền lương tăng vọt khiến các doanh nghiệp phải tiếp tục tăng giá. Gần đây hơn, họ còn bày tỏ lo ngại về vai trò của lợi nhuận trong việc khiến lạm phát neo cao. Nhiều người cho rằng việc các doanh nghiệp tìm cách duy trì hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận sẽ giữ giá cả ở mức cao.
Phát biểu với các chủ ngân hàng vào tuần trước cùng với Thống đốc BoE Andrew Bailey, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, cho biết các cơ quan quản lý sẽ hành động để đảm bảo rằng lợi nhuận không tăng quá nhanh. “Tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý để đảm bảo nhu cầu của các gia đình được ưu tiên trong giai đoạn khó khăn”, ông cho biết thêm.
Tuy nhiên, vũ khí chính trong cuộc chiến chống lạm phát vẫn là lãi suất do BoE quyết định. Các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra một số tín hiệu thận trọng, với 2 trong số 9 lãnh đạo BoE bỏ phiếu chống lại việc tăng lãi suất hơn nữa trong các cuộc họp gần đây. Họ lập luận rằng phải mất thời gian để việc tăng lãi suất phát huy tác dụng.
Phiên An (theo WSJ)