Vương quốc Anh gia nhập CPTPP, không những không tạo ra rào cản mà còn mang đến nhiều thuận lợi, cơ hội lớn cho doanh nghiệp giày dép, thủy sản trong nước.
Hàng Việt Nam hưởng lợi thế nhân đôi
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với thị trường các nước thành viên Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ước đạt 102,1 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2023, chiếm 13,1% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung… Kết quả này là minh chứng, khẳng định các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong nước đã hiểu và tận dụng tương đối tốt những ưu đãi thuế quan trong CPTPP.
Hiệp định CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97 – 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Việt Nam cũng xóa bỏ tới 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5-10 năm.
Theo các chuyên gia, CPTPP đã tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam để tiếp cận thị trường mới. Đáng chú ý, kể từ ngày 15/12/2024, khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Vương quốc Anh, cơ hội mở ra cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước ngày càng lớn.
![]() |
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Lương Hoàng Thái chia sẻ những lợi thế đối với hàng hóa Việt Nam khi Vương quốc Anh gia nhập CPTPP |
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – cho biết, thông qua CPTPP, Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ thuế quan ngay đối với 93,9% (chung cho các nước CPTPP) và 94,4% (riêng cho Việt Nam) số dòng thuế. Đồng thời, cam kết dành hạn ngạch thuế quan với lượng quota chung cho tất cả các nước và riêng cho từng nước đối với 181 dòng thuế: Thịt (bò, lợn, gà), gạo, đường, một số loại hoa quả và phương tiện vận tải.
Cùng với đó, thông qua CPTPP, Vương quốc Anh cũng cam kết xóa bỏ thuế quan dài nhất đối với các mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam là 11 năm đối với 53 dòng thuế (các sản phẩm từ sữa).
Vụ trưởng Lương Hoàng Thái nhấn mạnh, Vương quốc Anh gia nhập CPTPP, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như: Gạo, thủy sản, tinh bột sắn… được hưởng mức cam kết tốt hơn so với cam kết trong Hiệp định UKVFTA.
Từ góc độ hiệp hội, ngành hàng, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – cho biết, hiện có khoảng 150 doanh nghiệp thủy sản trong nước hợp tác, làm ăn kinh doanh với Anh quốc với giá trị kim ngạch đạt từ 310 – 320 triệu USD/năm. Đây là con số rất ấn tượng, chiếm 30% lượng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Liên minh châu Âu. Vương quốc Anh là thị trường quan trọng đối với ngành thủy sản Việt Nam cả về xuất khẩu và nhập khẩu.
Vương quốc Anh gia nhập CPTPP mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp thủy sản cả về thuế quan, về xuất xứ nội khối…, nhất là đối với mặt hàng cá ngừ.
“Với CPTPP, rào cản về hạn ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Vương quốc Anh được tháo gỡ” – Phó Tổng thư ký VASEP thông tin và cho biết, đây là nguồn lực động viên rất lớn đối với doanh nghiệp.
![]() |
Vương quốc Anh gia nhập CPTPP mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp thủy sản cả về thuế quan, về xuất xứ nội khối… nhất là đối với mặt hàng cá ngừ. Ảnh: Chí Nhân |
Bổ sung thông tin, bà Lê Hằng – Giám đốc truyền thông của VASEP – cũng cho biết, với UKVFTA, thuế nhập khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam vào Anh hầu hết về 0%. Tuy nhiên, còn một vài mã sản phẩm như như tôm chế biến HS 160521 và 160529 vẫn đang bị mức thuế 7%.
Tất nhiên, hai dòng sản phẩm này của Việt Nam đều đang chiếm vị trí số một tại Anh, chi phối 36% thị phần, nhưng dư địa sẽ lớn hơn khi tôm Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP khi xuất khẩu sang thị trường này.
![]() |
Vương quốc Anh gia nhập CPTPP không những không tạo ra rào cản mà còn đã và đang mang đến nhiều thuận lợi, tạo cơ hội hơn cho doanh nghiệp giày dép, túi xách ở trong nước. Ảnh: Bình Dương |
Cùng quan điểm, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da – Giầy – Túi xách Việt Nam (Lefaso) – cho biết, Vương quốc Anh gia nhập CPTPP không những không tạo ra rào cản mà còn đã và đang mang đến nhiều thuận lợi, tạo cơ hội hơn cho doanh nghiệp giày dép, túi xách ở trong nước.
Thứ nhất, doanh nghiệp trong nước đã và đang làm rất tốt các thủ tục để tận dụng ưu đãi từ CPTPP để xuất khẩu sang các nước thành viên trong Hiệp định. Thêm thị trường Vương quốc Anh, các doanh nghiệp có thể tận dụng các bộ thủ tục sẵn có, như vậy vừa tiết kiệm chi phí, thời gian, thủ tục hành chính.
Thứ hai, doanh nghiệp da giày, túi xách có thêm cơ hội mở rộng nguồn cung nguyên vật liệu từ các nước thành viên, trong đó có Vương quốc Anh để sản xuất, xuất khẩu trong khối CPTPP.
Bên cạnh lợi thế về thương mại hàng hóa, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP cũng mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam. Bởi vừa qua, Vương quốc Anh đã có văn bản chính thức công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Điều đó rất thuận lợi cho nước ta trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt là điều tra chống bán phá giá. Với kết quả này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử và được áp dụng mức thuế chống bán phá giá hợp lý hơn.
Cơ hội song hành cùng thách thức
Tuy nhiên, theo phân tích từ các chuyên gia, Vương quốc Anh gia nhập CPTPP, cơ hội luôn đi cùng với thách thức. Bởi, những biến động kinh tế toàn cầu, xung đột địa chính trị leo thang… khiến nhu cầu tiêu dùng của thị trường Vương quốc Anh giảm, do lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu.
Cùng với đó, Anh quốc cũng là thị trường có yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Những yêu cầu về chứng chỉ xanh, quy định chống phá rừng ngày càng được ưa chuộng, áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa khiến các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn, từ đó làm tăng chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm…
“Trên thực tế, Anh là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới đối với tiêu chuẩn hàng hóa lưu hành nội địa. Do đó, để tận dụng cơ hội trong CPTPP, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn lưu hành nội địa.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu” – bà Hoàng Lê Hằng – Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh – khuyến nghị.
Đưa ra các giải pháp để vừa tận dụng những ưu đãi xuất khẩu thuế quan trong Hiệp định CPTPP cũng như trong Hiệp định UKVFTA, lãnh đạo Lefaso cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng đến công tác xây dựng thương hiệu, uy tín, trách nhiệm trong hoạt động giao thương. Cùng đó, chú trọng đến điều khoản về môi trường, lao động… trong Hiệp định CPTPP để đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu bền vững.
Lãnh đạo Hiệp hội VASEP kiến nghị, Chính phủ cùng các bộ, ngành, cơ quan hai bên xem xét, tạo điều kiện kết nối, hỗ trợ VASEP gặp gỡ, hợp tác với Seafish (hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực thủy sản tại Vương quốc Anh) để học hỏi kinh nghiệm. Từ đó, mở ra cơ hội hợp tác giao thương, vừa thúc đẩy thương mại, đầu tư song phương giữa hai bên. |
Nguồn: https://congthuong.vn/anh-gia-nhap-cptpp-nganh-da-giay-thuy-san-gap-doi-loi-the-375064.html