Đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tổng thể, toàn diện làm “đòn bẩy” thực hiện chuyển đổi số (CĐS), phát triển kinh tế số, ngành công thương Thanh Hóa đang quyết liệt hành động, giải quyết điểm nghẽn, tạo môi trường CĐS toàn diện.
Cán bộ Sở Công Thương Thanh Hóa giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Những nỗ lực đáng ghi nhận
Thực hiện nhiệm vụ CĐS trên các lĩnh vực, Sở Công Thương đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 26-1-2022 về kế hoạch thực hiện đề án “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 – 2030” trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh đăng ký các đề án, chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2024; tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức về kiến thức pháp luật và nghiệp vụ thương mại điện tử cho đội ngũ cán bộ, công chức, quản lý Nhà nước, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; ký hợp đồng chuyên môn với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để triển khai các đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2023.
Về tổ chức triển khai phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực năng lượng; phát triển lưới điện thông minh trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương thường xuyên đôn đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa áp dụng hoàn toàn công nghệ trạm biến áp không người trực điều khiển từ xa tại các trạm biến áp 110 KV; triển khai các công nghệ tiên tiến, tích hợp nhiều chức năng cho hệ thống điện trung áp, hạ áp; rà soát các dự án phát điện đang vận hành và đã có trong quy hoạch bảo đảm an toàn, tin cậy, ổn định theo hướng đa dạng hóa, chú trọng nâng cao hệ số công suất khả dụng và có dự phòng công suất phù hợp; đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn vệ sinh lao động; đôn đốc UBND TP Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng chuẩn mô hình lưới điện hiện đại, thông minh, trước mắt thí điểm tại các dự án đô thị trên địa bàn TP Thanh Hóa. Tổ chức triển khai điều phối hoạt động hỗ trợ CĐS cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; triển khai mô hình CĐS tới các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó dẫn dắt phong trào CĐS và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp sản xuất. Tổ chức triển khai nền tảng số kết nối doanh nghiệp sản xuất với các chuyên gia công nghệ và các nhà cung cấp giải pháp chuyên nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp CĐS; tăng cường liên kết kinh doanh theo mô hình hợp tác tiên tiến giữa các doanh nghiệp sản xuất với đối tác trong nước và nước ngoài để tạo ra các giá trị mới, chia sẻ mạng lưới dịch vụ và tài nguyên dữ liệu, thông tin.
Tại các đơn vị được giao phụ trách như Cục Hải quan Thanh Hóa, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa và các huyện Như Thanh, Như Xuân, hoạt động CĐS cũng được các đơn vị đẩy mạnh thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Thực hiện vai trò đầu mối, Sở Công Thương liên tục phối hợp với VNPT Thanh Hóa hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể tham gia sàn giao dịch điện tử nông sản Thanh Hóa; đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử nông sản Thanh Hóa; hỗ trợ cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm OCOP… Đây là một trong những giải pháp được đánh giá mang lại hiệu quả cao, “cánh tay nối dài” của các kênh phân phối hàng hóa truyền thống. Từ đó, giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, tận dụng ưu thế của công nghệ theo xu hướng 4.0.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh, ngành công thương đã áp dụng hiệu quả các phần mềm như: phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TDOfice); phần mềm theo dõi bảo hiểm xã hội; phần mềm quản lý nhân sự; phần mềm quản lý tài sản cố định; phần mềm một cửa điện tử hiện đại; phần mềm hệ thống kê khai thuế; hệ thống quản lý và đánh giá về kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC); hệ thống lưu trữ; phần mềm kế toán; cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia. Ngoài ra, 100% công chức, người lao động tại cơ quan sở và viên chức tại các đơn vị sự nghiệp thuộc sở được cấp sử dụng email công vụ để giao dịch trong công việc. Việc lưu trữ hồ sơ đã được ngành thực hiện số hóa trên phần mềm lưu trữ của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi phục vụ cho công tác lưu trữ, tra cứu hồ sơ.
Đến nay, Sở Công Thương đã công khai 145 TTHC và đã hoàn thành đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC với Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh. Từ ngày 1-1-2023 đến ngày 13-6-2023 trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 11.393 hồ sơ trực tuyến/tổng số 11.521 hồ sơ (đạt 98,89% hồ sơ tiếp nhận tại sở, tỷ lệ hồ sơ được xử lý đúng hạn đạt 100%. Hệ thống đã được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia hoạt động ổn định, đảm bảo kết nối, cung cấp thông tin và dịch vụ công mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, triển khai, ứng dụng zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết TTHC (tra cứu mã hồ sơ, quét mã QR code qua zalo…), cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, các thông tin về kinh tế – xã hội nhanh chóng, hiệu quả.
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành, Sở Công Thương cũng đặc biệt quan tâm, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống ứng dụng CNTT của sở, trong đó các hệ thống thông tin quan trọng được kết nối trao đổi dữ liệu thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước. Năm 2023, Sở Công Thương đã ban hành quy chế bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng và camera giám sát trong hoạt động ứng dụng CNTT của sở, được Sở Thông tin và Truyền thông phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin mạng nội bộ và camera giám sát tại sở.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Theo kế hoạch CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Công Thương Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, 90% các dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực công thương liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ lĩnh vực công thương đạt từ 75% trở lên; tối thiểu 95% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC;… Phát triển kinh tế số: đến hết năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP. Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số với mục tiêu đến hết năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình…
Để thực hiện được mục tiêu đặt ra, ngành công thương đang nỗ lực thực hiện các giải pháp như: triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý CĐS cho lãnh đạo các đơn vị, chương trình CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan và các đơn vị trực thuộc, làm lực lượng nòng cốt để lan tỏa, thúc đẩy CĐS trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; phát triển các hệ thống nền tảng; xây dựng cơ sở dữ liệu; phát triển các ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn thông tin. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ số. Tiến hành đánh giá các tác động của công nghệ số đến xã hội để có các giải pháp chủ động giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ số. Ban hành các quy tắc ứng xử trên môi trường số cho doanh nghiệp và người dân. Phát triển các trung tâm giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực bởi công nghệ số. Ưu tiên CĐS trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp theo hướng nhà máy thông minh (smart factory); tập trung vào số hóa hoạt động của nhà máy và hiện đại hóa quy trình hoạt động theo hướng kết nối thực – ảo; thực hiện chế tạo thông minh, sản xuất thông minh, vận hành thông minh, tạo ra các sản phẩm thông minh. Ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao như CNTT, viễn thông, công nghiệp điện tử, thiết bị tự động tích hợp trí tuệ nhân tạo… tạo ra các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Bài và ảnh: Linh Hương