Những chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bao gồm hạn chế xuất khẩu chip AI, việc xem xét bãi bỏ đạo luật CHIPS và căng thẳng thuế quan với các quốc gia, đang tác động mạnh mẽ đến ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, đây có thể là một cơ hội lớn để mở rộng vai trò trong chuỗi cung ứng quốc tế và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn nội địa.

Việt Nam có lợi thế trong bối cảnh biến động của ngành bán dẫn

Theo TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), những chính sách mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như các chính quyền tiền nhiệm, đều hướng đến việc tái định hình chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. 

“Mỹ mong muốn đưa các dòng chip công nghệ cao về sản xuất trong nước, nhưng đối với các phân khúc khác, họ vẫn duy trì hợp tác với các đối tác, trong đó có Việt Nam”, TS Võ Xuân Hoài nói.

Trao đổi với VietNamNet, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho rằng: “Hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ, trong đó có lĩnh vực bán dẫn và đổi mới sáng tạo nói chung không bị ảnh hưởng, hay hiện nay chưa bị ảnh hưởng”. 

W-TS Vo Xuan Hoai (1).jpg
TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Ảnh: Trọng Đạt

Việc Mỹ này tái cơ cấu chuỗi cung ứng có thể giúp Việt Nam thu hút thêm các doanh nghiệp FDI và khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào lĩnh vực bán dẫn.

Nhờ đó, Việt Nam có cơ hội phát triển các doanh nghiệp thiết kế chip, đóng gói và kiểm thử – những mảng không nằm trong tầm kiểm soát chặt chẽ của chính phủ Mỹ.

Như dự báo của Thủ tướng, có thể sẽ có chiến tranh thương mại trong năm nay. Đây là khó khăn cho Việt Nam, nhưng thuận lợi lại có vẻ nhiều hơn. Qua đó, sẽ kích thích Việt Nam phát triển các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp trong nước có khả năng tham gia sâu và chuỗi cung ứng toàn cầu“, lãnh đạo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phân tích. 

Một trong những tác động của chiến tranh thương mại là sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn.

Khi các công ty công nghệ lớn muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để phát triển các doanh nghiệp bán dẫn nội địa.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, Việt Nam cần tạo điều kiện để doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Điều này không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu mà còn nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Chiến lược bán dẫn của Việt Nam vẫn phù hợp với tình hình mới

Ông Võ Xuân Hoài cho rằng, Việt Nam đã có Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn bài bản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các mục tiêu rõ ràng.

Trong đó có những nội dung về việc thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia thiết kế chip, thu hút đầu tư vào đóng gói, kiểm thử chip và phát triển nguồn nhân lực về bán dẫn. 

Theo TS Võ Xuân Hoài, Mỹ hiện rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn. Họ cũng đánh giá cao năng lực của kỹ sư Việt Nam.

Việc tiếp tục đầu tư vào đào tạo nhân sự không chỉ giúp Việt Nam có lợi thế trong hợp tác với Mỹ mà còn tạo nền tảng vững chắc cho ngành bán dẫn trong nước.

W-chip ban dan 2.jpg
Một vài sản phẩm của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Ảnh: NIC

Đối với việc thu hút đầu tư vào mảng đóng gói, kiểm thử chip, đây là lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và không nằm trong diện kiểm soát chặt chẽ của chính phủ Mỹ.

Hạ tầng công nghệ, các chính sách ưu đãi và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao đã tạo ra môi trường thuận lợi để Việt Nam có thể thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Tại Việt Nam, thiết kế chip là một trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn và đang thu hút nhiều startup cũng như chuyên gia người Việt từ nước ngoài về nước khởi nghiệp.

Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào các khâu thiết kế, đóng gói và kiểm thử chip, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành.

Từ những nhận định trên, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho rằng, mặc dù chính sách của Mỹ đang theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn với các công nghệ bán dẫn cao cấp, nhưng đối với phân khúc thấp hơn, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội phát triển. 

Theo ông Hoài, trong 5 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có thể mở rộng khả năng sản xuất và ứng dụng công nghệ bán dẫn trong các lĩnh vực như AI và công nghệ cao, mà không gặp phải trở ngại lớn từ chính sách mới của chính phủ Mỹ.

Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip quy mô nhỏ để phục vụ sự phát triển lâu dài của ngành. Đây là một bước đi quan trọng giúp chúng ta nâng cao năng lực sản xuất trong nước và dần tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, TS Võ Xuân Hoài chia sẻ.

Trong bối cảnh hiện nay, những thay đổi trong chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump tuy tạo ra thách thức cho ngành bán dẫn toàn cầu, nhưng với Việt Nam, đây có thể là cơ hội để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nội địa, thu hút đầu tư và mở rộng vai trò trong chuỗi cung ứng. 

Với chiến lược rõ ràng, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và lợi thế về nguồn nhân lực, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng bối cảnh mới để vươn lên trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Người trẻ Việt phải hiểu và biết ứng dụng AITheo Khung năng lực số cho người học vừa ban hành, ứng dụng AI trong học tập, làm việc là một trong những năng lực số cần chú tâm đào tạo trong các cơ sở giáo dục.