Bệnh nhi trú tại H.Tam Nông (Phú Thọ), được chuyển đến từ trung tâm y tế huyện với chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi, cúm A dương tính. Khoảng 4 ngày trước nhập viện, trẻ có sốt cao, ho khò khè mức độ tăng nặng, có khó thở nên được gia đình đưa đến trung tâm y tế huyện. Do tình trạng khó thở tăng nặng, bệnh nhi được đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ. Tại đây, trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), viêm phổi nặng trên nền cúm A, được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, can thiệp thở máy.
![Ngăn ngừa biến chứng do cúm A trên trẻ nhỏ- Ảnh 1. Ngăn ngừa biến chứng do cúm A trên trẻ nhỏ- Ảnh 1.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Ngan-ngua-bien-chung-do-cum-A-tren-tre-nho.jpg)
Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ nhỏ và thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế
Bác sĩ nội trú Nguyễn Võ Lộc, Phó trưởng phụ trách Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ, thông tin: Với phác đồ điều trị tích cực, kết hợp điều trị kháng sinh và vật lý trị liệu hô hấp, tình trạng suy hô hấp của trẻ được cải thiện rõ rệt. Sau 18 ngày điều trị, sức khỏe của trẻ ổn định và được xuất viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Võ Lộc, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) là một trong những biến chứng nặng của cúm A, tính chất diễn biến phức tạp. Đây là hội chứng bệnh lý tổn thương cấp tính các phế nang mao mạch phổi, đặc trưng bởi tình trạng suy hô hấp diễn biến nhanh. Trong nhiều trường hợp, ARDS khiến ô xy trong máu sụt giảm nghiêm trọng, cần được phát hiện và điều trị kịp thời.
Không tự điều trị cho con
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ, gần đây xuất hiện các bệnh nhi nhiễm cúm A phải nhập viện, trong đó ghi nhận một số trường hợp tình trạng rất nặng, biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim, phù não, tổn thương gan nặng… Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo: Khi trẻ mắc cúm, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời. Cần chú ý giữ ấm cho trẻ, giữ vệ sinh cá nhân bằng cách sát khuẩn, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người nghi mắc cúm.
Tại bệnh viện đầu ngành về chuyên khoa truyền nhiễm, TS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết: Triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các vi rút gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau. Trẻ thường có sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng…, cha mẹ thường rất khó phân biệt được có phải trẻ mắc cúm A hay không.
Do đó, trong thời điểm bệnh cúm gia tăng như hiện nay, ngoài các triệu chứng ban đầu như trên, cần lưu ý trẻ nhiễm cúm A thường sốt cao 39 – 40 độ C, da mắt xung huyết, họng xung huyết, đỏ toàn bộ, trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, nhiều trường hợp nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản…
“Khi trẻ có biểu hiện của sốt cao và viêm long đường hô hấp như đã đề cập ở trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chẩn đoán bệnh, từ đó sẽ được các bác sĩ tư vấn cách chăm sóc và điều trị phù hợp với tình trạng của từng trẻ”, TS Đặng Thị Thúy lưu ý.
Cũng theo TS Thúy, phần lớn trẻ mắc cúm mùa được chẩn đoán mắc cúm đơn thuần sẽ được kê đơn thuốc điều trị ngoại trú. Những trường hợp có biểu hiện của biến chứng viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản sẽ có chỉ định nhập viện điều trị.
Hiện đã có phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cúm mùa của Bộ Y tế, có thuốc điều trị đặc hiệu và được chỉ định dùng cho những trường hợp cụ thể, phác đồ hướng dẫn các biện pháp điều trị triệu chứng và các trường hợp cúm mùa có biến chứng.
“Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, cho con uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng và dễ hấp thu, uống thuốc hạ sốt, thuốc điều trị triệu chứng (thuốc ho, thuốc cảm chống ngạt mũi), vitamin (đặc biệt là vitamin C) hỗ trợ tăng sức đề kháng… Thuốc được sử dụng phải do bác sĩ chỉ định, cha mẹ không được tự ý sử dụng”, bác sĩ Thúy đặc biệt lưu ý.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ngan-ngua-bien-chung-do-cum-a-tren-tre-nho-185250213165101057.htm