Thiết bị gian lận thi cử “nở rộ”

Gõ từ khóa tìm kiếm “tai nghe siêu nhỏ”, “camera ngụy trang”, “camera siêu nhỏ”, “tai nghe đi thi”… trên Google, các sàn thương mại điện tử hay các hội, nhóm trên mạng xã hội, chúng tôi dễ dàng tìm được hàng trăm sản phẩm đủ các kiểu dáng. Nhiều trang thậm chí còn quảng cáo đây là những sản phẩm phục vụ giảm tải gánh nặng thi cử, được thiết kế nhỏ gọn giúp người dùng dễ giấu kín, đặc biệt an toàn và liên lạc bí mật khi sử dụng, có tính năng tự động bắt máy, có thể ngụy trang bằng cách cài lên tóc, giấu trong khẩu trang mà người đối diện khó phát hiện. Thiết bị ghi hình được ngụy trang bằng cách gắn vào các vật dụng thường ngày như thắt lưng, mắt kính, khuy áo, trang sức, đồng hồ đeo tay, nhẫn, bút viết… nên rất khó phát hiện. Bên cạnh việc giới thiệu, các địa chỉ này còn kèm theo cả video hướng dẫn sử dụng chi tiết.

 Kiểm tra trước khi vào phòng thi. (Ảnh chụp tại Trường THPT Việt Đức – Hà Nội)

Càng sát ngày thi tốt nghiệp THPT, việc mua bán các thiết bị công nghệ cao phục vụ gian lận này càng trở nên sôi động. Tuy nhiên, để tránh cơ quan chức năng, chủ các cửa hàng sử dụng chiêu trò mua bán tinh vi và khá lòng vòng nếu muốn giao dịch mua bán thiết bị gian lận thi cử. Các giao dịch thường không được trao đổi trực tiếp qua cuộc gọi zalo mà sử dụng tin nhắn; thực hiện thanh toán bằng dịch vụ giao hàng thu tiền hộ chứ không mua bán trực tiếp như các sản phẩm bình thường.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Hồng Trang (Công ty Luật TNHH BH & Associates) nhận định: “Chỉ có các cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mới được kinh doanh các thiết bị này. Hơn nữa, các cơ sở kinh doanh còn phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự được cơ quan có thẩm quyền cấp. Vì thế, hành vi mua bán các thiết bị này không đúng phép là vi phạm pháp luật”.

Về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm ứng dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho hay: “Hiện nay, trên không gian mạng có nhiều nhóm rao bán các thiết bị gian lận thi cử. Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Có thể thấy, nguy cơ sử dụng các thiết bị nghe, nhìn, thu phát sóng từ xa để gian lận thi cử vẫn hiện hữu và ngày càng tinh vi”.

Giám sát, kiểm soát tần số liên lạc khu vực điểm thi

2023 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định thí sinh không được mang thiết bị ghi âm, ghi hình dù chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền tín hiệu. Để bảo đảm an toàn thi, chiều 27-6, trước khi thí sinh làm thủ tục dự thi, ông Nguyễn Quang Huy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Trưởng điểm thi tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi căn cứ vào quy chế thi của Bộ để xác định rõ những vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi, còn lại phải để bên ngoài, cách phòng thi 25m. Sáng 27-6, khi tập huấn cho cán bộ coi thi, chúng tôi cũng hướng dẫn cách nhận biết dấu hiệu thí sinh có biểu hiện gian lận, đặc biệt lưu ý khi thí sinh mang theo những thiết bị lạ so với bạn khác như bút to hơn, kính đặc biệt, trời nóng mà xõa tóc, hay nhìn trộm…”.

Cho rằng giáo viên có kinh nghiệm có thể quan sát thêm các biểu hiện tâm lý của học sinh, song theo một lãnh đạo Phòng Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh thì: “Áp lực nhất với các thầy cô giáo đi trông thi chính là gian lận công nghệ cao trong thi cử. Vì đây là thứ khó nắm bắt, dù trước kỳ thi, lãnh đạo điểm thi, thư ký điểm thi, toàn bộ các thầy cô và cán bộ, nhân viên tại 44 điểm cầu của Bắc Ninh đã được tập huấn hai lần về vấn đề này. Nhưng công nghệ ngày càng tinh vi, giáo viên khó cập nhật hết mà thầy cô làm công tác giảng dạy là chính, nên rất khó khăn trong việc phát hiện gian lận”.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng một trong những khó khăn của ngành giáo dục là kiểm tra, phát hiện ra những thiết bị thu phát hiện đại không được phép mang vào phòng thi. Để đối phó với vấn đề này, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông. Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh cũng đã đề xuất: Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực V giám sát, kiểm soát tần số liên lạc khu vực điểm thi, kịp thời phát hiện các tần số liên lạc nghi vấn của các trạm BTS trái phép. Công an tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn kỳ thi; chỉ đạo lực lượng công an tham gia tổ chức thi thường xuyên cập nhật tình hình, hướng dẫn thành viên điểm thi kiểm tra, rà soát để kịp thời ngăn chặn việc mang các vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực thi; yêu cầu lực lượng công an tại điểm thi thực hiện nghiêm quy chế thi; bố trí lực lượng thường trực để kịp thời xử lý các tình huống liên quan đến việc sử dụng thiết bị công nghệ làm lộ, lọt đề thi.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cho biết, Bộ Công an đã xây dựng và ban hành kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Kế hoạch này đã được triển khai thực hiện nghiêm túc tại các cục nghiệp vụ của Bộ Công an cũng như tại công an các tỉnh, thành phố, các lực lượng chủ chốt thực hiện kỳ thi về kinh nghiệm, một số biện pháp nghiệp vụ để nhận diện và phát hiện thiết bị công nghệ cao. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các địa phương, các điểm thi phải tiếp tục thực hiện nghiêm quy định có khu vực riêng để đồ dùng, tư trang cá nhân của thí sinh theo đúng quy định, cách khu vực thi tối thiểu 25m. Tham khảo ý kiến chuyên gia, chúng tôi được biết, trước mắt giải pháp 25m vẫn là giải pháp phù hợp nhất trong hoàn cảnh hiện nay. Giải pháp này xuất phát từ vụ việc năm 2021, công an phát hiện một vụ gian lận bằng thiết bị công nghệ cao với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thiết bị đa dạng và thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng trong vụ việc này đã để các thiết bị bên ngoài cửa phòng thi để kết nối qua thiết bị trung gian ở ngoài cửa.

Bài và ảnh: THÀNH VINH