Đúng ngày đánh dấu tròn 3 năm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (24/2/2022-24/2/2025), Moscow thông báo nước này đã đạt được một thỏa thuận với Kiev.
![]() |
Tổng thống Ukraine cùng các lãnh đạo của các nước phương Tây và Liên minh châu Âu (EU) chụp ảnh tại Kiev ngày 24/2. (Nguồn: Văn phòng Tổng thống Ukraine) |
Hãng tin RIA Novosti dẫn lời Ủy viên Nhân quyền của Nga Tatyana Moskalkova cho hay, Moscow đã đạt được thỏa thuận với Kiev và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) về việc sơ tán người dân từ tỉnh Kursk đang có xung đột đến vùng Sumy lân cận qua Belarus.
Theo bà Moskalkova, một số người dân hiện đã đến được vùng Sumy láng giềng của Ukraine và đang chờ được sơ tán qua Belarus. Tuy nhiên, bà không tiết lộ có bao nhiêu cư dân Kursk sẽ được sơ tán theo thỏa thuận này.
Trong khi đó, người phát ngôn ICRC Pat Griffiths cho biết, tổ chức này đang hỗ trợ dân thường sơ tán ở vùng Sumy, nhưng không xác nhận về thỏa thuận.
Hơn 6 tháng trước, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công xuyên biên giới bất ngờ vào tỉnh Kursk của Nga, chiếm giữ hàng chục ngôi làng và khiến nhiều dân thường Nga bị mắc kẹt ở bên kia chiến tuyến.
Trong diễn biến khác liên quan, ngày 24/2, tại một hội nghị có sự hiện diện của nhiều nhà lãnh đạo quốc tế ở Kiev, Ukraine đã ký 28 thỏa thuận an ninh với các đối tác phương Tây.
Cơ quan báo chí của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dẫn phát biểu của ông tại sự kiện đề xuất rằng: “Trên cơ sở ban đầu này, chúng ta phải cùng nhau tạo ra một hệ thống bảo đảm hiệu quả và đầy đủ để bảo đảm nền hòa bình công bằng, lâu dài cho Kiev và cho toàn bộ châu Âu”.
Theo ông, các thỏa thuận này – bao gồm hợp tác quốc phòng, tài chính và chính trị – được thiết kế để ngăn chặn cuộc khủng hoảng Ukraine lan rộng. Ông Zelensky đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng.
Cũng tại hội nghị này, nhằm tiếp tục thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine, lãnh đạo các nước Bắc Âu và Baltic đã cam kết tăng cường viện trợ quân sự cho quốc gia Đông Âu này.
Tuyên bố chung được các Tổng thống của Phần Lan, Latvia, Lithuania cùng các Thủ tướng của Đan Mạch, Estonia, Iceland, Na Uy và Thụy Điển nhấn mạnh: “Kết quả của cuộc xung đột sẽ có những tác động cơ bản và lâu dài đến an ninh châu Âu và xuyên Đại Tây Dương”, do đó, các nước cam kết cung cấp thêm hỗ trợ cho Kiev, trong đó có các trang thiết bị và việc huấn luyện, cũng như đầu tư thêm vào ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine.
Nguồn: https://baoquocte.vn/nga-tuyen-bo-dat-duoc-mot-thoa-thuan-voi-ukraine-kiev-tranh-thu-co-hoi-quy-voi-cac-dong-minh-phuong-tay-305476.html