Diễn biến mới của xung đột Nga-Ukraine, tình hình Trung Đông trong bối cảnh giao tranh ở Dải Gaza tiếp diễn, vấn đề an ninh hàng hải và hành động của Ấn Độ,.. là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Cuộc tấn công của Ukraine vào thành phố cảng Feodosia ở Crimea sáng sớm 26/12 đã gây ra một số vụ hỏa hoạn. (Nguồn: Mạng xã hội X) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Ukraine tấn công cảng Feodosia ở Crimea: Ngày 26/12, lực lượng không quân Ukraine cho biết, các phi công của họ đã tấn công cảng Feodosia vào khoảng 2h30 sáng cùng ngày (giờ địa phương), phá hủy tàu đổ bộ lớn Novocherkassk của Hạm đội Biển Đen của Nga.
Trên trang Telegram, Tư lệnh lực lượng không quân Ukraine Mykola Oleshchuk cho hay: “Và hạm đội ở Nga ngày càng nhỏ hơn! Cảm ơn các phi công của Lực lượng Không quân và tất cả mọi người đã tham gia…!”.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Thống đốc Crimea do Nga bổ nhiệm Sergei Aksyonov nói rằng, cuộc tấn công của Kiev đã gây ra hỏa hoạn ở cảng Feodosia, song, các lực lượng chức năng đã khống chế được đám cháy. (Reuters)
* Nga chặn chiến dịch phản công của Ukraine, thông báo thiệt hại ở Crimea: Ngày 26/12, hãng tin TASS dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo, các lực lượng Nga đã chặn chiến dịch phản công của Ukraine và đang đẩy mạnh hoạt động ở tất cả các mặt trận.
Bộ Quốc phòng và các quan chức Nga cũng cho biết, có 1 người thiệt mạng, 2 người bị thương và tàu đổ bộ lớn Novocherkassk đã bị hư hại trong cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào thành phố cảng Feodosia.
Theo bộ trên, Ukraine đã sử dụng tên lửa dẫn đường phóng từ máy bay để tấn công Feodosia. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận được báo cáo về vụ việc.
* Nga hoàn thành xuất sắc mục tiêu chính của chiến dịch quân sự đặc biệt trong năm 2023, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố ngày 26/12.
Phát biểu tại hội nghị chuyên đề trực tuyến, ông Shoigu nêu rõ, mục đích chính của chiến dịch quân sự đặc biệt trong năm 2023 là “phá vỡ tuyên bố lớn tiếng của Ukraine và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước bắc Đại Tây Dương (NATO) về cuộc phản công của Các Lực lượng Vũ trang Ukraine”.
* Tổng thống Zelensky đã dần “vỡ lẽ” rằng, con đường chính trị để giải quyết xung đột ở Ukraine là duy nhất, theo lời Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Ông Lukashenko nói với các phóng viên tại St. Petersburg: “Tôi nghĩ việc tốt nhất để tìm ra giải pháp cho Ukraine vào năm 2024 là chúng ta làm việc với Kiev bằng cách nào đó chặt chẽ hơn, để họ hiểu đây là cơ hội duy nhất. Nếu họ không tận dụng nó, sẽ có sự sụp đổ”.
Nhà lãnh đạo nói thêm: “Bạn có thể thấy từ cuộc họp báo của Zelensky rằng ông ấy bắt đầu hiểu”. (Belta)
TIN LIÊN QUAN | |
Cách Tổng thống Nga ‘hô biến’ sự tẩy chay của phương Tây thành mỏ vàng |
Lục địa Á-Âu
* Ấn Độ duy trì hiện diện răn đe ở Ấn Độ Dương sau vụ tàu MV Chem Pluto bị tấn công ở ngoài khơi bờ biển nước này hôm 23/12, theo thông báo của Hải quân Ấn Độ.
Tuyên bố được đưa ra đêm 25/12 nêu rõ: “Xem xét các vụ tấn công gần đây ở Biển Arab, Hải quân Ấn Độ đã triển khai các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, gồm INS Mormugao, INS Kochi và INS Kolkata … ở nhiều khu vực khác nhau để duy trì sự hiện diện răn đe”.
Hải quân Ấn Độ cũng đang điều tra bản chất của vụ tấn công tàu MV Chem Pluto và “sẽ cần phải phân tích thêm tại hiện trường và các thông số kỹ thuật để xác định phương hướng tấn công, bao gồm chủng loại và khối lượng thuốc nổ được sử dụng”.
Nhiều cơ quan cũng đang tiến hành một cuộc điều tra chung về vụ việc. Các báo cáo ban đầu cho biết vụ tấn công được thực hiện bằng máy bay không người lái. (Reuters)
* Nga bổ sung 3 tàu chiến mới cho lực lượng hải quân, trong đó, tàu khu trục Đô đốc Golovko sẽ gia nhập Hạm đội phương Bắc, trong khi tàu tên lửa nhỏ Naro-Fominsk và tàu quét mìn Lev Chernavin sẽ phục vụ trong Hạm đội Baltic.
Tham dự lễ thượng cờ 3 tàu chiến ngày 25/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay, tàu Đô đốc Golovko được trang bị tên lửa hành trình Kalibr và được đóng bằng một số công nghệ tiên tiến nhất.
Trong khi đó, tàu tên lửa nhỏ Naro-Fominsk, được ông Putin gọi là một trong những dự án thành công nhất, có khả năng thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình tầm xa. Ngoài ra, ông Putin cho biết Lev Chernavin là tàu quét mìn hiện đại với thân tàu độc đáo.
* Trung Quốc cảnh báo Mỹ về đạo luật ủy quyền quốc phòng: Ngày 26/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, các nội dung tiêu cực liên quan Bắc Kinh trong Đạo luật ủy quyền quốc phòng của Mỹ không nên được thi hành.
Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói: “Nếu Mỹ quyết định thực hiện đạo luật này, Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền và lợi ích an ninh của mình”.
Trước đó, tối 22/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành đạo luật chính sách quốc phòng cho phép chi tiêu quân sự hàng năm kỷ lục 886 tỷ USD và các chính sách như viện trợ cho Ukraine và kiềm chế Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Reuters)
* Hàn Quốc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang Nga, Belarus: Ngày 26/12, các quan chức Hàn Quốc cho biết, Seoul mở rộng đáng kể danh sách các mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu sang Nga và Belarus để đáp trả chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine, có hiệu lực từ năm 2024.
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, có thêm 682 mặt hàng liên quan thiết bị xây dựng hạng nặng, pin sạc, linh kiện máy bay, máy móc và các mặt hàng khác vào danh sách cấm vận chuyển sang Nga và Belarus, nâng tổng số mặt hàng trong danh sách từ 798 mặt hàng hiện tại lên 1.159. (Yonhap)
* Liên minh kinh tế Á-Âu đề ra định hướng phát triển đến năm 2045: Ngày 25/12, tại cuộc họp ở St. Petersburg (Nga), các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) đã thông qua tuyên bố về việc tăng cường phát triển liên minh.
Theo thông báo của Điện Kremlin, tại cuộc họp, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, tuyên bố đã nêu các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường nỗ lực chung trong các lĩnh vực then chốt và xác định các lĩnh vực hợp tác bổ sung, trong đó có chương trình nghị sự về khí hậu, y tế và du lịch.
Theo ông, trong 9 tháng đầu năm 2023, thương mại giữa 5 nước EAEU tăng 8,9%. Kể từ khi thành lập, thương mại giữa các thành viên EAEU đã tăng gần gấp đôi, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối tăng từ 1.600 tỷ USD lên 2.500 tỷ USD.
Trước đó cùng ngày, EAEU và đại diện của chính phủ Iran đã ký kết thỏa thuận thương mại tự do toàn diện, thay thế thỏa thuận tạm thời có hiệu lực từ năm 2019. Hai bên cũng thống nhất mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khai thác mỏ, giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác.
EAEU bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Nga. Từ ngày 1/1/2024, Armenia sẽ tiếp quản vai trò Chủ tịch EAEU luân phiên từ Nga với nhiệm kỳ một năm. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Một thế giới đang chuyển mình |
Trung Đông – Châu Phi
* Anh nhận báo cáo về hai vụ nổ gần tàu ngoài khơi Yemen: Ngày 26/12, Cơ quan hoạt động thương mại hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO) đã nhận được 2 báo cáo về việc phát hiện Hệ thống máy bay không người lái (UAS) và tiếp đó là 2 vụ nổ gần một con tàu, khoảng 50 dặm về phía Tây cảng Hodeidah của Yemen.
UKMTO cho biết, tàu này đã liên lạc với lực lượng liên quân hoạt động ở khu vực và báo cáo rằng, con tàu cùng thủy thủ đoàn vẫn an toàn. Con tàu đã xác nhận với UKMTO về việc tiếp tục hành trình. (Reuters)
* Mỹ tấn công các vị trí quân sự ở Iraq, Baghdad không vui: Ngày 25/12, một căn cứ không quân ở Khu vực bán tự trị phía Bắc của người Kurd ở Iraq – nơi có lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu đồn trú gần sân bay Erbil – đã bị tấn công bằng thiết bị không người lái mang bom.
Một nhóm vũ trang có tên “Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq” đã thừa nhận việc tiến hành vụ tấn công mới đây. Vụ việc khiến 3 quân nhân Mỹ bị thương, trong đó có một người rơi vào tình trạng nguy kịch.
Lầu Năm Góc cho biết, quân đội Mỹ đã thực hiện các cuộc tấn công trả đũa ngay trong ngày tại Iraq, song vấp phải chỉ trích của Baghdad.
Vụ trả đũa của Mỹ làm một quân nhân Iraq thiệt mạng và 18 người khác bị thương, khiến chính quyền Baghdad tuyên bố, vụ việc đã gây hại cho mối quan hệ giữa hai nước. (Reuters)
* Israel đề ra điều kiện hòa bình tại Gaza: Theo báo Times of Israel ngày 26/12, Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu đã đặt ra 3 “điều kiện tiên quyết cho hòa bình” tại Gaza là: “tiêu diệt Hamas, phi quân sự hóa Gaza và phi cực đoan hóa toàn bộ xã hội Palestine”.
Theo ông Netanyahu, để đạt được các mục tiêu này, cần thiết lập một khu vực an ninh tạm thời xung quanh Gaza và một cơ chế kiểm tra ở biên giới giữa khu vực này và Ai Cập nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh của Israel, ngăn chặn buôn lậu vũ khí.
Tuyên bố cuộc chiến với Hamas ở Dải Gaza sẽ “chưa sớm dừng lại”, Thủ tướng Netanyahu nêu rõ: “Chúng ta sẽ không thành công trong việc giải thoát hơn 100 con tin nếu thiếu áp lực quân sự. Và chúng ta sẽ không thành công trong việc giải thoát tất cả con tin nếu không có áp lực quân sự”.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Israel cùng ngày công bố báo cáo nêu rõ, chiến dịch quân sự của Israel nhằm vào phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza sẽ tiêu tốn thêm ít nhất 50 tỷ NIS (14 tỷ USD) trong năm 2024, khiến thâm hụt ngân sách nước này tăng gần 3 lần so với mục tiêu đề ra.
* Nghị viện Arab sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt về hỗ trợ cho Gaza vào ngày 28/12 tại trụ sở Ban thư ký Liên đoàn Arab ở thủ đô Cairo của Ai Cập. Phiên họp nằm trong khuôn khổ các nỗ lực liên tục của Liên đoàn Arab để hỗ trợ sự nghiệp của người Palestine.
Nghị viện Arab nhấn mạnh, những nỗ lực không ngừng ở mọi cấp độ và trên mọi diễn đàn là nhằm ủng hộ sự nghiệp của người Palestine, trong đó đáng chú ý nhất là quyền thành lập một nhà nước độc lập của người Palestine.
Phiên họp đặc biệt sẽ diễn ra sau cuộc họp ngày 27/12 của Ủy ban Palestine thuộc Nghị viện Arab nhằm thảo luận về những diễn biến mới nhất tại Dải Gaza.
* Niger đình chỉ hợp tác với tổ chức quốc tế Pháp ngữ, theo xác nhận của Lãnh đạo quân sự Niger.
Tuyên bố của chính quyền quân sự Niger nhấn mạnh: “Chính phủ Niger kêu gọi người dân châu Phi giải phóng tâm trí của họ và quảng bá ngôn ngữ của chính họ, phù hợp với ý tưởng của những người sáng lập chủ nghĩa Liên Phi”.
Tuần trước, tổ chức quốc tế Pháp ngữ đình chỉ hầu hết mọi hợp tác với Niger do cuộc đảo chính hồi tháng 7 vừa qua, song tuyên bố, tổ chức này sẽ duy trì các chương trình “mang lại lợi ích trực tiếp cho dân chúng và những chương trình góp phần khôi phục nền dân chủ”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tố ngược Mỹ ‘động tay’ ở Biển Đỏ, Houthi đe dọa về ‘chiến trường rực lửa’ |
Châu Mỹ
* Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tới Mexico đàm phán về vấn đề nhập cư vào ngày 27/12, dẫn đầu phái đoàn quan chức gồm Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas và Cố vấn An ninh Nội địa Nhà Trắng Liz Sherwood-Randall.
Các quan chức Mỹ sẽ hội kiến Tổng thống nước chủ nhà Andrés Manuel López Obrador, với trọng tâm là thảo luận về tình trạng di cư bất thường chưa từng có qua biên giới hai nước.
Trước đó, hôm 21/12, Tổng thống Obrador và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm, trong đó nhất trí rằng, việc triển khai các biện pháp bổ sung là khẩn cấp để mở lại các cửa khẩu quan trọng ở biên giới.