“Nếu không có thêm tiến triển nào trong việc dỡ bỏ các rào cản đối với việc xuất khẩu phân bón và ngũ cốc của Nga, chúng tôi sẽ xem xét liệu thỏa thuận này có cần thiết hay không”, ông Lavrov nói trong một cuộc họp báo ở Thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với người đồng cấp Mevlut Cavusoglu.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu trong chuyến công du tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TASS
Được Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc đứng ra làm trung gian vào tháng 7/2022, thỏa thuận này cho phép Ukraine – một trong những nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới – xuất khẩu ngũ cốc qua một hành lang an toàn ở Biển Đen.
Thỏa thuận cho đến nay đã cho phép xuất khẩu hơn 27 triệu tấn ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp. Nó được gia hạn vào tháng 3 vừa rồi, nhưng Nga cho biết việc gia hạn chỉ sẽ có hiệu lực trong 60 ngày thay vì 120 ngày trong thỏa thuận ban đầu.
Nga cáo buộc rằng các điều khoản trong thỏa thuận, như việc nới lỏng các hạn chế xuất khẩu của nước này đối với phân bón, không được tôn trọng. Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy gia hạn thêm 120 ngày và thừa nhận rằng thỏa thuận chưa được thực hiện đầy đủ.
Ngoại trưởng Cavusoglu nói: “Chúng tôi đánh giá cao việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận, điều này cũng rất quan trọng trong việc giảm thiểu khủng hoảng lương thực toàn cầu”.
Không có biện pháp trừng phạt nào đối với việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga ra thị trường toàn cầu, nhưng các vấn đề liên quan đến các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các công ty vận chuyển và bảo hiểm cũng như các ngân hàng ảnh hưởng tới công việc này.
Ông Lavrov cũng đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào cuối ngày thứ Sáu để bàn về cuộc chiến ở Ukraine. Ông cho biết “Bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng cần dựa trên việc tính đến các lợi ích của Nga, các mối quan tâm của Nga”, đồng thời nói thêm rằng Nga bác bỏ “trật tự thế giới đơn cực do ‘một bá chủ’ lãnh đạo”.
Ngoại trưởng Cavusoglu của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine vào năm ngoái, bày tỏ “lo ngại rằng chiến tranh sẽ leo thang vào mùa xuân”, kêu gọi nối lại đối thoại.
Trong khi đó, Nga cũng đang làm trung gian cho các cuộc đàm phán nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau nhiều năm căng thẳng kể từ cuộc nội chiến ở Syria khiến 500.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải di cư kể từ năm 2011.
Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ đang hậu thuẫn các nhóm phiến quân chiến đấu chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông Cavusoglu cho biết các vấn đề không thể được giải quyết trong một cuộc họp duy nhất: “Chúng tôi rất thực tế. Cuộc đối thoại phải tiếp tục”.
Hoàng Anh (theo TASS, AFP, CNA)