Nikkei Asia dẫn các nguồn tin của châu Âu và Nhật Bản cho hay Chương trình hợp tác được điều chỉnh riêng (ITPP) bao gồm 16 lĩnh vực hợp tác với ba mục tiêu chiến lược: tăng cường đối thoại, tăng cường khả năng tương tác và tăng cường khả năng phục hồi. Một trong những lĩnh vực hợp tác là dành cho các lực lượng NATO và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cải thiện khả năng phát triển năng lực và khả năng tương tác.
Văn kiện hợp tác trên, dự kiến được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Lithuania từ ngày 11-12.7, nhấn mạnh Nhật Bản và NATO sẽ “hợp tác hiệu quả trong việc phát triển năng lực và khả năng tương tác, cũng như tiêu chuẩn hóa”. Sự hợp tác này nhằm tạo ra sự hiểu biết chung về khí tài của nhau và mở rộng phạm vi của các cuộc tập trận chung, theo Nikkei Asia.
Nếu Nhật Bản có thể áp dụng nhiều tiêu chuẩn của NATO cho thiết bị quốc phòng của mình, điều này có thể dẫn đến việc bảo trì và sửa chữa tại các nhà máy đóng tàu và nhà chứa máy bay của nhau. Tuy nhiên, bản thân NATO phải đối mặt với những thách thức liên quan khả năng tương tác giữa các thành viên của mình, chẳng hạn như sự chênh lệch về công nghệ giữa các lực lượng, sự khác biệt về học thuyết và khoảng cách về nguồn lực.
NATO khởi động cuộc tập trận không quân lớn nhất trong lịch sử
NATO cũng đã ký kết một ITPP với Úc và đang xây dựng chương trình hợp tác này với Hàn Quốc và New Zealand. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới. Đây là năm thứ hai liên tiếp các nhà lãnh đạo của các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh NATO.