Từ 28-30/4, nắng nóng vô cùng gay gắt
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 3 ngày tới, toàn quốc đối mặt với hiện tượng nắng nóng đỉnh điểm. Cụ thể, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Sơn La, Hòa Bình và từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39-42 độ, có nơi trên 42 độ; Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 30-35%.
Các nơi khác ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ, có nơi trên 39 độ; Độ ẩm từ 40-45%.
Khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ.
Theo chuyên gia thời tiết Nguyễn Ngọc Huy, dự báo trong 3 ngày liên tiếp 28-30/4 này, các kỷ lục về nhiệt độ từng được ghi nhận trước đây sẽ bị xô đổ. Đặc biệt lần đầu tiên nước ta có thể ghi nhận nhiệt độ đo trong lều khí tượng có thể lên đến 45 độ trong ngày 30/4. Nhiệt độ dự báo ở trên là nhiệt độ khí tượng. Nhiệt độ thực tế ngoài môi trường có thể cao hơn hoặc thấp hơn phụ thuộc từng loại môi trường. Chẳng hạn trong bóng cây nhiệt độ có thể thấp hơn 3-4 độ, ngoài trời ở khu đô thị thiếu cây có thể lên đến 48-50 độ.
BS Huỳnh Tấn Vũ, BV Đại học Y dược TP.HCM cảnh báo, khi nhiệt độ tăng cao, vượt ngưỡng 39 độ C thì bất kể đối tượng nào, dù là người lớn hay trẻ em đều có thể bị say nắng, say nóng. Nguyên nhân là do cơ thể mất nhiều nước, tiết mồ hôi nhiều, rối loạn điều hòa thân nhiệt khi gặp ánh nắng gay gắt chiếu vào người. Khi bị say nắng, người lớn thường có biểu hiện sốt, chóng mặt, thậm chí bị ngất xỉu. Trẻ nhỏ sẽ có biểu hiện quấy khóc, lờ đờ, chán ăn, nóng toàn thân, thậm chí bị co giật .
Còn theo ông Ngọc Huy, đợt nắng nóng này vừa cực đoan về cường độ, vừa kéo dài nên nền nhiệt bị tích tụ trong những ngày cuối của đợt nóng khiến không khí ngột ngạt. Người già, trẻ em tuyệt đối không ra ngoài trời ở khung giờ từ 11h trưa đến 4h chiều ở những nơi có nhiệt độ lớn hơn 43⁰C. Ngưỡng chịu đựng về nhiệt độ của con người có giới hạn trong khi chúng ta chưa từng trải nghiệm kỷ lục nhiệt độ này nên cần cẩn trọng, thích ứng dần dần.
Nhận diện và 6 bước xử trí khi gặp người say nắng, say nóng
BS Vũ cho hay, dấu hiệu để nhận diện say nắng, say nóng là: Sốt từ 40 độ C trở lên, da khô, nóng hoặc tăng tiết mồ hôi; Chóng mặt, choáng váng; Da đỏ; Mạch đập nhanh, đau đầu… Nguyên nhân là do không uống đủ nước khi thời tiết nắng nóng, không khí lưu thông kém trong nhà, ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào nơi ở. Nếu tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều có thể làm tăng thêm chỉ số nhiệt cơ thể lên tới 15 độ.
Ngoài ra, sốc nhiệt cũng có mối liên quan với chỉ số nhiệt. Độ ẩm tương đối từ 60% trở lên sẽ gây cản trở sự bay hơi của mồ hôi và khả năng tự làm mát của cơ thể.
Đặc biệt lưu ý, người lớn tuổi, người lao động ngoài trời… là đối tượng dễ bị say nóng, say nắng nhất bởi nguy cơ say nắng cũng tăng cao khi chỉ số nhiệt tăng cao. Do đó, cần phải chú ý đến chỉ số nhiệt trong các bản tin dự báo thời tiết, đặc biệt là trong các đợt nắng nóng cao điểm.
Theo khuyến cáo của BS Vũ, 6 bước xử trí khi gặp người bị say nắng, say nóng, bao gồm:
– Bước 1: Nhanh chóng gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp 115 hoặc y tế địa phương.
– Bước 2: Trong thời gian chờ xe cấp cứu, di chuyển người bị say nắng đến nơi râm mát.
– Bước 3: Cởi bỏ bớt quần áo không cần thiết.
– Bước 4: Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể.
– Bước 5: Làm mát cơ thể bằng bất cứ cách nào như: xịt mát cơ thể bằng nước, dùng quạt phun sương; đặt túi nước đá hoặc khăn mát lên vùng cổ, nách và bẹn; cho người say nắng uống nước mát để bù nước (nếu có thể)…
– Bước 6: Đánh giá mức độ tỉnh táo người say nắng (lay gọi, tiếp xúc…).
BS Vũ lưu ý, nếu nạn nhân tỉnh táo thì cho nạn nhân uống bổ sung nước, chất điện giải… Nếu nạn nhân chưa tỉnh táo tiếp tục làm mát cơ thể trong khi chờ xe cấp cứu. Còn trong trường hợp nạn nhân bất tỉnh, không có dấu hiệu tuần hoàn (thở, ho hoặc cử động) thì cần nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo.
Để phòng ngừa say nắng, say nóng trong mùa hè, theo BS Vũ, khi chỉ số nhiệt lên cao, tốt nhất nên ở trong môi trường có không khí mát mẻ. Trường hợp phải ra ngoài khi trời nắng, có thể ngăn ngừa hiện tượng say nắng cần bổ sung các loại nước trái cây giúp giảm nhiệt độ cơ thể trong những ngày nắng nóng; Mặc quần áo thoáng mát, thoải mái, sáng màu và đội mũ rộng vành; Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên.
Để ngăn ngừa tình trạng mất nước, mọi người nên uống ít nhất 1,5 lít nước lọc, nước trái cây hoặc nước ép rau củ mỗi ngày, cũng có thể dùng nước uống thể thao giàu chất điện giải trong những ngày nhiệt độ lên cao và độ ẩm xuống thấp. Đồng thời, tránh các chất lỏng có chứa caffeine hoặc rượu, vì các chất này có thể khiến tình trạng mất nước hơn trầm trọng hơn, cũng không nên uống viên muối khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Cách đơn giản và an toàn nhất để thay thế muối và các chất điện giải trong các đợt nắng nóng là uống đồ uống thể thao hoặc nước trái cây…
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nang-nong-dinh-diem-luu-y-tinh-trang-say-nang-say-nong-192240428112443844.htm