Một trong số những nội dung được dư luận quan tâm trong thời gian qua là mức doanh thu chịu thuế GTGT được đề xuất tăng lên 150 triệu đồng/năm. Quy định này đồng nghĩa với việc cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu bán hàng trên 150 triệu đồng/năm mới phải đóng thuế GTGT, tức tăng 50 triệu đồng so với quy định hiện hành.
Cần tiếp tục giảm thuế VAT hỗ trợ doanh nghiệp Giảm thuế GTGT góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế |
Nhiều ý kiến trái chiều
Theo chương trình sửa đổi các luật thuế trong năm 2024, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (diễn ra vào tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10/2024). Để hoàn thiện dự thảo luật, Bộ Tài chính đã công bố và đang lấy ý kiến về nội dung dự thảo Luật thuế này với một số đề xuất sửa đổi bổ sung. Một trong số những nội dung được dư luận quan tâm trong thời gian qua là mức doanh thu chịu thuế GTGT được đề xuất tăng lên 150 triệu đồng/năm. Quy định này đồng nghĩa với việc cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu bán hàng trên 150 triệu đồng/năm mới phải đóng thuế GTGT, tức tăng 50 triệu đồng so với quy định hiện hành.
Mặt khác, theo các chuyên gia, khi ngưỡng chịu thuế được nâng lên sẽ tạo động lực cho các hộ kinh doanh, cá nhân đẩy mạnh các hoạt động sản xuất – kinh doanh, tăng nguồn thu tốt hơn. Ông Nguyễn Văn Được, Trưởng Ban tư vấn Hội tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đánh giá, điều này phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đây là tín hiệu đáng mừng với hộ, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, ngưỡng chịu thuế cần nâng lên cao hơn nữa để phù hợp với Luật thuế thu nhập cá nhân và mức chuẩn nghèo quy định tại Nghị định 07/2021.
Việc nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT đối với cá nhân, hộ kinh doanh đang còn nhiều ý kiến trái chiều |
Trong khi đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp. So sánh giữa cá nhân kinh doanh và cá nhân làm công ăn lương sẽ thấy sự bất hợp lý. Do đó, VCCI kiến nghị cân nhắc sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh, có thể nâng mức doanh thu chịu thuế lên khoảng 180 đến 200 triệu đồng/năm. Thậm chí, Bộ Giao thông-Vận tải đề xuất ngưỡng chịu thuế GTGT ở mức 250 triệu đồng; Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín đề xuất ngưỡng doanh thu được miễn thuế từ 150 triệu đồng lên 180 triệu đồng hoặc nên quy định mở và giao Chính phủ quy định để bảo đảm tính linh hoạt và bám sát thực tế.
Chia sẻ thực tế kinh doanh, anh Nguyễn Xuân Sinh – một hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Hà Nội cho rằng, anh rất mừng vì việc nâng ngưỡng chịu thuế GTGT nhưng theo tính toán, với ngưỡng doanh thu 150 triệu đồng/năm tương đương với 420.000 đồng/ngày, nghĩa là anh cứ bán 10 suất ăn/ngày là phải đóng thuế. Doanh thu này còn chưa đủ chi phí mua nguyên liệu, thuê mặt bằng, nhân viên… cho cơ sở. Do đó, theo anh Sinh, ngưỡng đóng thuế GTGT 150 triệu đồng/năm là không hợp lý và đang không công bằng với hộ kinh doanh như anh.
Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ
Về vấn đề này, Bộ Tài chính lý giải, từ khi Luật Thuế GTGT sửa đổi năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT 2008 có hiệu lực cho đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng nhiều. Việc điều chỉnh mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh cho phù hợp với mức biến động của giá cả là cần thiết. Mức 150 triệu đồng đã căn cứ vào chỉ số lạm phát và tình hình thực tế; không làm phát sinh chi phí tuân thủ, thủ tục hành chính với người nộp thuế và minh bạch trong quản lý thuế. Với ngưỡng chịu thuế cao hơn sẽ không khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp. Khi nâng mức giảm thuế cao hơn sẽ ảnh hưởng tới số thu ngân sách nhà nước tại địa phương, nhất là các địa phương có số thu thấp.
Về lo ngại này, ông Nguyễn Văn Được cho rằng, ngưỡng doanh thu không hẳn là lý do khiến các hộ gia đình cân nhắc lựa chọn thành lập doanh nghiệp, mà họ quan tâm nhiều hơn vào thể chế, môi trường kinh doanh, chính sách thuế, thủ tục hành chính. Điều quan ngại khi chuyển đổi thành doanh nghiệp việc tốn kém chi phí, thời gian do phải thực hiện đầy đủ quy định về hóa đơn, chứng từ, phải có đủ nhân sự về kế toán cũng như báo cáo thuế theo quy định. Doanh nghiệp phải nộp nhiều loại thuế gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp, GTGT, bảo hiểm xã hội và các chi phí khác. Do đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu thực hiện cải cách các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực kế toán, thuế, tạo sự công bằng giữa các loại hình, quy mô doanh nghiệp. Chính sách thuế, thủ tục hành chính phải thuận lợi để các hộ kinh doanh thấy có lợi, có động lực mạnh dạn chuyển đổi lên thành doanh nghiệp.