(CLO) Để có tác phẩm báo chí chất lượng tham gia các giải báo chí của Trung ương, địa phương và đoạt giải, Hội Nhà báo các cấp Hội đã có những cách làm sáng tạo để khuyến khích, tạo động lực cho các nhà báo đi sâu tìm tòi, khai thác và sáng tạo không ngừng.
Tìm kiếm tác phẩm có tính sáng tạo, phát hiện cái mới
Hằng năm Hội Nhà báo Việt Nam, các bộ, ban, ngành trung ương và nhiều địa phương đã tổ chức không ít các giải báo chí lớn nhỏ, nhằm biểu dương, tôn vinh hoạt động nghề nghiệp của nhà báo. Tuy nhiên, để có những tác phẩm báo chí cạnh tranh với nhiều đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí trung ương, các Chi hội và Liên chi hội ở địa phương đã có những giải pháp đổi mới, tạo đột phá trong hoạt động nghiệp vụ này.
Những năm gần đây, các giải báo chí Trung ương trong đó có Giải báo chí Quốc gia, Giải Búa Liềm, Giải Diên Hồng…được biết đến là những giải báo chí có quy mô lớn, uy tín cao, sức hút mạnh mẽ đối với người làm báo, điều này minh chứng bởi số lượng tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí, người làm báo gửi tham dự giải ngày càng nhiều hơn.

Phóng viên Báo Lào Cai tác nghiệp tại Sa Pa đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2020. Ảnh: NVCC
Việc đầu tư cho tác phẩm được coi trọng hơn, chất lượng các tác phẩm dự giải, đoạt giải qua mỗi năm đều được nâng cao, nội dung trong các tác phẩm đoạt giải ngày càng đa dạng, phong phú, phản ánh những vấn đề đông đảo các tầng lớp xã hội quan tâm.
Trong số tác phẩm đạt giải cao ở các giải báo chí lớn xuất hiện nhiều hơn những tác phẩm đến từ cơ quan báo chí địa phương, điều này cho thấy có sự bứt phá, vươn lên mạnh mẽ của báo chí địa phương.
Tại Hội Nhà báo Lào Cai, để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng tham gia các giải báo chí, các nhà báo phải là những người đa năng và đa nhiệm, chuyên nghiệp ở tất cả các khâu trong quá trình thực hiện một tác phẩm báo chí. Mỗi nhà báo giờ đây phải tác nghiệp độc lập, thực hiện được nhiều kỹ năng.
Hội Nhà báo Lào Cai đã chủ động phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam, chọn cử hội viên tham dự các lớp bồi dưỡng theo kế hoạch. Đồng thời khảo sát nhu cầu và nội dung cần đào tạo của hội viên, chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ theo xu hướng báo chí hiện đại như: Kỹ năng làm báo đa phương tiện, thực hiện tin bài truyền hình trên điện thoại di động thông minh, ảnh báo chí… cho hội viên báo chí trên địa bàn tỉnh.
Hội Nhà báo tỉnh đã lập kế hoạch, định hướng cho hội viên thực hiện các tác phẩm báo chí tham gia Đề án Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao và tham gia các cuộc thi, giải báo chí do các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức. Trong quá trình thực hiện Đề án, Hội đã luôn xem trọng chất lượng các tác phẩm có tính sáng tạo, những tác phẩm báo chí phát hiện cái mới, những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương để tham mưu đắc lực cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
Nhà báo Nguyễn Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Việc tập trung sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao sẽ là tiêu chí để hội viên, nhà báo phấn đấu. Cũng từ các tác phẩm báo chí được hỗ trợ đầu tư, Hội Nhà báo đã phối hợp với cơ quan báo chí tuyển chọn để tham dự các giải báo chí quốc gia. Trong số các tác phẩm báo chí chất lượng cao từ việc thực hiện Đề án có nhiều tác phẩm đã đoạt giải cao tại các cuộc thi, giải báo chí như Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 15, 16 và các giải báo chí lớn khác của Trung ương”.
Khơi dậy tinh thần tận hiến, vượt lên tất cả những khó khăn
Tại Liên chi hội Nhà báo Đài Phát thanh – Truyền hình Thái Nguyên, trong khoảng 12 năm trở lại đây Liên chi hội đã có 10 lần vinh dự đoạt Giải báo chí quốc gia, những vinh dự đó không phải từ trên trời rơi xuống mà đó là kết quả của sự đam mê, sáng tạo, nỗ lực của mỗi hội viên, nhà báo, là chiến lược đầu tư từ đơn vị và sự hỗ trợ từ Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên.

Hội viên Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên đi thực tế các công trình trọng điểm tại Thành phố Thái Nguyên. Ảnh minh họa
Là người nhiều năm đoạt các giải báo chí lớn của trung ương và địa phương, nhà báo Đặng Văn Nghịnh, hội viên Liên chi hội Nhà báo Đài Phát thanh – Truyền hình Thái Nguyên đã có nhiều tác phẩm truyền hình hấp dẫn, gần gũi và gắn với đời sống phát triển của nhân dân địa phương. Gần đây nhất là tác phẩm truyền hình “Khổ vì luật” của anh và đồng nghiệp vinh dự đoạt Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII – năm 2023.
Tác phẩm đi sâu phân tích những bất cập trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác nhau ở nhiều địa phương của tỉnh, nêu rõ các điểm nghẽn về xung đột pháp luật hiện nay. Các quy định pháp luật còn chồng chéo, nhiều vướng mắc gây ra khó khăn cho người dân và chính quyền khi áp dụng vào đời sống để phát triển kinh tế. Với những hình ảnh chân thực từ đời sống hàng ngày người dân kết hợp sử dụng đồ họa hiện đại vào việc minh họa, anh và đồng nghiệp đã tạo nên tác phẩm truyền hình hấp dẫn, đồng thời đưa ra được những kiến nghị nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về xung đột pháp luật hiện nay, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội ở từng địa phương.
Chia sẻ kinh nghiệm để có tác phẩm báo chí đoạt các giải thưởng, nhà báo Đặng Văn Nghịnh cho biết: “Trước tiên tôi muốn nhắc đến cụm từ may mắn hoặc có duyên với các giải báo chí. Đây là điều chúng ta thường nghe thấy, nhưng theo tôi may mắn nếu có cũng chỉ là chút ít còn phần lớn là phụ thuộc vào công sức, nhiệt huyết và sự đam mê cống hiến của mỗi nhà báo với chính mình và với nghề. Chúng ta phải khẳng định rằng để có thể đoạt giải trước tiên cần một thái độ nghiêm túc, tâm huyết, trách nhiệm của mỗi người đối với việc tìm tòi đề tài, lựa chọn cách thể hiện sáng tạo, phù hợp, hiệu quả”.
Thực tế cho thấy, để có tác phẩm chất lượng tham gia các giải báo chí, không chỉ dừng lại ở việc đào tạo nâng cao nghiệp vụ mà bản thân mỗi báo cần tìm kiếm, lựa chọn các mảng để tài từ thực tiễn đời sống ở địa phương. Đem được cái mới có tính phát hiện, sự khác biệt vào trong tác phẩm báo chí của mình. Tác phẩm đó có nội dung, hình thức và phương thức thể hiện sự công phu, độ sâu về nghiệp vụ và sự dấn thân, đạo đức, trách nhiệm xã hội của nhà báo.
Đó là những bài báo không chỉ dừng lại ở chỗ phản ánh thực trạng mà còn phải đi sâu tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra kiến nghị giải pháp. Hay nói cách khác là báo chí phải tham gia vào với vai trò kiến tạo, đề xuất giải pháp. Có như vậy tác phẩm mới được đánh giá cao.
Nói về những giải pháp lâu dài cho nhiệm vụ này, nhà báo Đặng Văn Nghịnh cho rằng: “Ngoài việc Hội Nhà báo tỉnh cần tiếp tục quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, bên cạnh đó các Chi hội và lãnh đạo phòng chuyên môn cũng quan tâm dành thời gian thỏa đáng cho các nhà báo có điều kiện đi sâu tìm tòi, khai thác các nội dung, các chất liệu từ cuộc sống để sáng tạo ra các tác phẩm có chất lượng. Chỉ khi nào mỗi cá nhân có tinh thần tận hiến, vượt lên tất cả những khó khăn, trở ngại thì mới hy vọng có được sự thành công”.
Nguồn: https://www.congluan.vn/nang-cao-chat-luong-tac-pham-tham-du-giai-bao-chi-nhin-tu-no-luc-tai-cac-cap-hoi-dia-phuong-post334947.html